Nguy hiểm không ngờ từ bóng bay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các loại bóng bay được bơm khí hydro với nhiều hình thù, màu sắc bắt mắt, giá thành rẻ là món đồ chơi được nhiều trẻ ưa thích mỗi dịp lễ, Tết hay sinh nhật. Tuy nhiên, bóng bay có thể gây tai nạn nguy hiểm khó ngờ.
Bóng bay bơm khí hydro có thể gây nguy hiểm. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Bóng bay bơm khí hydro có thể gây nguy hiểm. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đơn vị Bỏng thuộc Khoa Ngoại chấn thương của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi nam bị bỏng diện tích 9% vùng đầu, mặt và cổ. Nạn nhân là cháu T.T.S. (4 tuổi, trú huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Nguyên nhân do bé lấy bật lửa hết ga để chơi, bất ngờ tia lửa tiếp xúc với bóng bay bơm khí hydro làm quả bóng phát nổ lớn, khiến bệnh nhi bị bỏng vùng đầu, mặt và cổ. Sau tai nạn, do mặt bị nóng, bé dùng tay dụi lên mặt khiến vùng da mặt bong tróc và bỏng nặng hơn.

Sau khi điều trị được bù dịch Nacl 0,9%, dùng kháng sinh và thay băng bỏng đúng tiến trình... bệnh nhi không còn tình trạng thoát dịch, vết bỏng đã khô (trừ những vị trí bỏng sâu), xác nhận chưa có tiêu điểm nhiễm trùng và bé ăn uống sinh hoạt gần như bình thường.

Trước đó, tháng 9/2023, một vụ nổ bóng bay trong ngày khai giảng làm 10 học sinh ở một trường tiểu học tại Thanh Hóa bị thương, phải cấp cứu. Sau vụ nổ bóng trên, nhiều cháu tỏ ra hoảng loạn, cơ thể bỏng rát nhiều vị trí, chủ yếu phần tay và mặt. Do được nhập viện điều trị kịp thời, sức khoẻ của 10 học sinh gặp nạn đã ổn định.

Ngoài ra, nhiều trường hợp dù không tiếp xúc với nhiệt độ cao nhưng bóng bay vẫn phát nổ gây hậu quả nghiêm trọng, cho thấy nguy hiểm không ngờ từ món đồ chơi này. Trường hợp chị D.T.M (34 tuổi, Hà Nội) dù không để bóng bay tiếp xúc với nhiệt độ cao nhưng chị vẫn bị bỏng rộng vùng mặt, tay, khi chùm bóng kép 20 quả lớn và 20 quả nhỏ lồng trong bóng trang trí cho tiệc sinh nhật phát nổ.

Theo lời nạn nhân, sau bữa tiệc sinh nhật, mọi người gom bóng lại để mang về cho trẻ em chơi. Khi ra ngoài, chị M. cùng vài người nữa đang lấy chùm bóng ra khỏi túi bóng thì cả chùm phát nổ, cháy chùm lên mặt, tay của chị. Vài người khác đứng xa hơn nên chỉ bị bỏng ở tay.

Trên thế giới cũng đã có nhiều vụ nổ bóng bay gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nguy cơ và chủ quan khi sử dụng loại bóng này.

Thông thường, các loại bóng bay sẽ được bơm khí hydro hoặc khí heli, là những loại khí nhẹ hơn không khí giúp bóng có thể bay lên cao. Trong 2 loại khí này, khí heli sẽ an toàn hơn vì không độc, không cháy nổ… nhưng khí heli lại có giá thành cao. Do vậy, hầu như tất cả các loại bóng bay giá rẻ bán trên thị trường đều được bơm khí hydro, là loại khí cực kỳ dễ cháy nổ và rất nguy hiểm.

Khí hydro nhẹ hơn không khí (chỉ nhẹ bằng 1/14,5 lần không khí, 1/16 lần oxy), không màu, không mùi, là loại nguyên tố nhẹ nhất và có cấu trúc phân tử rất bé, do vậy khi bơm khí hydro vào bóng bay, nó có thể thẩm thấu ra ngoài và gây nổ nếu tiếp xúc gần nguồn nhiệt như bóng đèn, lửa, đèn sưởi, tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy. Thậm chí những trái bóng bay có thể phát nổ nếu liên tục cọ xát vào nhau hay việc thay đổi môi trường như lấy bóng từ túi nylon ra, đi ra ngoài trời nắng, vào ô tô…

Đặc biệt, khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng bay thường rất gần với tay, mặt và cổ (là nơi da không được che bởi quần áo) vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay, bỏng cổ... Thông thường, vết bỏng do nổ bóng bay gây ra thường ít khi gây bỏng sâu, nhưng lại gây bỏng trên diện rộng, sẽ để lại sẹo lồi do bỏng hoặc di chứng trên da… ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Chuyên gia khuyến cáo, để bảo đảm an toàn, cha mẹ không nên cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro. Đồng thời, không nên mua bóng bay với số lượng lớn để trang trí sự kiện hay những bữa tiệc sinh nhật trong nhà. Nếu cho con chơi gần bóng bay cần chú ý thường xuyên quan sát trẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Các bước sơ cứu nạn nhân bị bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro: Nhặt hết vụn bóng trên người, cởi bỏ quần áo nếu khu vực che phủ bị tổn thương; Nhanh chóng ngâm khu vực bị bỏng vào nước lạnh, có thể dùng vòi nước xối rửa ngay tại vị trí vết bỏng; Cuốn lên vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Đọc thêm