Nguyễn Đức Nghĩa không thoát án tử hình

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa đã kết thúc vào trưa qua với nhiều tiếng vỗ tay của người dân khi HĐXX tuyên y án sơ thẩm, giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo. Trước đó, phần xét hỏi và tranh luận diễn ra khá “nóng” nhưng cũng không có tình tiết gì mới ngoài việc gia đình Nghĩa đã nộp 50 triệu đồng tiền “khắc phục hậu quả” và “bố bị cáo chết 11 ngày trước đó vì tai nạn giao thông”.

* Trước phiên xử, bị cáo đã được bạn tù thông báo tin buồn.

* Nghĩa chỉ còn cơ hội cuối là gửi đơn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình trong 7 ngày, kể từ ngày 11/11.

* Chiều 11/11/2010, ngay sau phiên xử, mẹ và chị gái Nguyễn Đức Nghĩa đã vào Trại tạm giam số 1 công an TP Hà Nội thăm riêng bị cáo.

 Phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa đã kết thúc vào trưa qua với nhiều tiếng vỗ tay của người dân khi HĐXX tuyên y án sơ thẩm, giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo. Trước đó, phần xét hỏi và tranh luận diễn ra khá “nóng” nhưng cũng không có tình tiết gì mới ngoài việc gia đình Nghĩa đã nộp 50 triệu đồng tiền “khắc phục hậu quả” và “bố bị cáo đã chết 11 ngày trước đó vì tai nạn giao thông”.

Kiểm sát viên đề nghị y án

Trong phiên tòa phúc thẩm hôm qua, Nguyễn Đức Nghĩa tỏ ra khá bình tĩnh, trả lời rõ ràng các câu hỏi của HĐXX và Kiểm sát viên. Nghĩa cho biết, lý do kháng cáo là muốn HĐXX phúc thẩm xem xét lại tình tiết “giết người dã man” của bị cáo vì “hành hạ nạn nhân rồi giết chết mới gọi là dã man.

57r9

Nguyễn Đức Nghĩa bật khóc nhưng mọi sự ân hận đều đã muộn màng

Ví dụ như: Trói, chặt tay, chân hoặc khoét mắt nạn nhân rồi giết, hoặc thiêu sống nạn nhân..., làm cho nạn nhân đau đớn trước khi chết mới gọi là dã man”. Cái gọi là “không dã man” còn được bị cáo biện minh ở việc “bị cáo chỉ đâm nạn nhân một nhát bằng dao gọt hoa quả vừa lấy ở bếp lên. Còn vết đâm thứ hai trên người Linh, có thể khi bị cáo vẫn cầm dao và chị Linh ngã vào bị cáo hoặc do bị cáo tay vẫn cầm dao, ôm người chị Linh nên có vết dao thứ hai này”.

Cũng như ở phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa vẫn lặp lại lý do giết người là “do chị Linh điện thoại, nhắn tin cho người yêu trong khi đang ở bên cạnh bị cáo nên bị cáo ghen tức và cầm dao đâm” chứ không giết người để lấy tài sản. Tuy rằng sau đó Nghĩa cũng thừa nhận có việc chiếm đoạt tài sản (xe, máy tính, điện thoại...) của chị Linh nhưng Nghĩa biện minh rằng “tiện thì lấy” chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản từ trước: “Nếu bị cáo có chiếm đoạt thì chiếm đoạt sau khi giết chị Linh” và “bị cáo có nhiều cơ hội để lấy được tài sản của Linh chứ không cứ phải giết người mới lấy được tài sản”. “Số tiền do bán máy tính và điện thoại của chị Linh, bị cáo vẫn để nguyên, chưa ăn tiêu tới” - Nghĩa chống chế.

Đấu tranh lại với những lời biện hộ trên, Kiểm sát viên đã trích dẫn nhiều lời khai trước đây của Nghĩa và kết luận giám định thể hiện Nghĩa đâm nạn nhân hai nhát bằng con dao giấu dưới gường từ trước (dao do Nghĩa lấy ở giá sách lúc chị Linh đi ra ngoài); xe máy của nạn nhân bị Nghĩa đem ra hàng cầm đồ để đổi lấy xe khác; bán điện thoại, máy tính của nạn nhân để lấy tiền trả nợ...

Trước những trích dẫn này, Nghĩa nói: “Điều tra viên (ĐTV) không hiểu hết nên ghi lời khai không đúng ý bị cáo muốn diễn đạt, bị cáo không được đọc lại lời khai”. Đến lúc này, Kiểm sát viên đã buộc phải hỏi bị cáo về việc bị cáo “đã được đọc lại và ký tên vào bản cung” và “có Luật sư tham gia khi ĐTV hỏi cung bị cáo”.

Phản ứng trước việc Luật sư bảo vệ cho bị hại hỏi về các tình tiết liên quan đến việc đâm, chặt đầu, chặt tay nạn nhân và kéo xác đi phi tang...,Nghĩa hơi sẵng giọng: “Cái này đã rõ ràng rồi, bị cáo cũng đã khai hết, Luật sư không phải hỏi”. Thái độ của Nghĩa đã ngay lập tức bị HĐXX chấn chỉnh.

Bác bỏ nội dung kháng cáo của bị cáo, đại diện VKS tại phiên tòa đề nghị HĐXX giữ nguyên hình phạt tử hình đối với Nghĩa vì hành vi giết người man rợ và giết người để che giấu tội phạm khác (cướp tài sản); “các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, bố là bộ đội... đều đã được tòa cấp sơ thẩm xem xét. Trước phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo có nộp 50 triệu đồng cho cơ quan thi hành án để khắc phục hậu quả. VKS ghi nhận đây là nhưng tình tiết giảm nhẹ nhưng nó không đủ để xem xét giảm hình phạt cho bị cáo”.

Kiểm sát viên còn nhấn mạnh: “Hành vi của bị cáo thể hiện sự tàn ác, dã man, thể hiện thú tính, gây ghê sợ cho người khác, gây căm phẫn trong dư luận nên việc loại bị cáo ra khỏi đời sống xã hội là cần thiết!”.

Bị cáo biết tin bố mất từ trước

Nội dung được đông đảo người dự phiên tòa quan tâm nhất là tác động của tình tiết ông Nguyễn Đức Hùng (bổ đẻ bị cáo Nghĩa) tử vong đến diễn biến của phiên tòa và tâm lý của bị cáo? Mọi con mắt đổ dồn vào Nghĩa và Luật sư Ngô Ngọc Thủy khi luật sư này bắt đầu bài bào chữa của mình.

to7tp
Thời gian ngắn ngủi giữa Nghĩa và Mẹ được gần nhau trong giờ nghị án

Sau khi mào đầu bằng nội dung “HĐXX cần xử đúng người, đúng luật chứ không xử theo dư luận hoặc cảm tính. Phán quyết đưa ra trên cơ sở có lý, có tình chứ không chỉ đơn giản là y án hay sửa án”, Luật sư Thủy tiếp tục: “Gia đình Nghĩa đã gặp một thảm họa gây xôn xao dư luận, một thảm họa hy hữu trong lịch sử pháp đình Việt Nam.

Đó là việc bố bị cáo Nghĩa đã chết vì tai nạn giao thông trước phiên xử phúc thẩm 11 ngày... Đây là một tình huống trớ trêu, đau lòng. Pháp luật sẽ xem xét sao đây? Khi ông bố đang đi vay tiền để khắc phục tội lỗi do con gây ra thì bị tử nạn. Bố chết, con bị tuyên án tử hình thì pháp luật Việt Nam có nhân đạo hay không? Có cần thiết phải loại trừ khẩn cấp Nghĩa ra khỏi đời sống xã hội hay không?”.

Nghe đến đây, Nghĩa cúi đầu run run, đưa tay lau nước mắt. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, người ta đã thấy Nghĩa lấy lại bình tĩnh. Thì ra, bị cáo đã biết trước thông tin này. Theo quan sát của phóng viên, khi chờ HĐXX nghị án, qua một vài lời ngắn ngủi, Nghĩa đã nói với mẹ: “Con đã biết tin bố mất rồi, qua thông tin từ những phạm nhân trong trại giam, chỉ 2 ngày sau khi bố mất”.

Đối đáp quan điểm trên, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại đều cho rằng, cần áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo. Ngoài những tình tiết như nhận định tại phiên tòa sơ thẩm thì tại phiên tòa hôm nay, bị cáo lại tỏ ra thiếu thành khẩn (chỉ thừa nhận đâm một nhát, không có ý định cướp, xúc phạm nhân phẩm bị hại để biện minh cho tội ác...). Ông Nguyễn Văn Ba - bố nạn nhân Linh - cũng có quan điểm tương tự.

Không chấp nhận kháng cáo

Có thể nói, HĐXX phúc thẩm đã phân tích khá kỹ những tình tiết, chứng cứ để bác bỏ nội dung kháng cáo của Nghĩa và khẳng định Nghĩa đã đâm nạn nhân hai nhát chứ không phải một nhát như lời khai tại tòa. Nghĩa đã phạm tội một cách dã man thể hiện ở chỗ dùng tới ba loại dao để chặt đầu, cắt tay nạn nhân đem phi tang nhiều nơi. Thậm chí, đầu nạn nhân bị vứt trôi sông, sau hơn 1 tháng tìm kiếm mới thấy.

Việc làm này gây ghê sợ cho những người đang sống, gây căm phẫn trong dư luận nhân dân. Việc giết nạn nhân là có dự tính cướp tài sản vì bị cáo đã nhắn chị Linh mang máy tính, xe máy đi chơi trong khi bản thân đang nợ tiền cá độ, tiền chơi game. Sau khi giết chị Linh, Nghĩa đã mang tài sản này mang đi bán lấy tiền ăn tiêu...

Ngoài ra, HĐXX còn bác bỏ lời khai của Nghĩa về việc “giết người do ghen tức” bởi Nghĩa và hị Linh chia tay đã lâu, cả hai đều đã có người yêu mới. Trước khi Nghĩa ra tay, chị Linh cũng không hề nhắn tin, gọi điện nói chuyện yêu đương với ai mà chỉ trò chuyện trên mạng với những người chưa biết mặt. HĐXX cũng bác bỏ việc Nghĩa đính chính rằng “dao dùng đâm chết nạn nhân là do bị cáo vừa lấy ở trong bếp chứ không chuẩn bị trước” và tuyên: “Mức hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm áp dụng với Nghĩa là thỏa đáng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật... HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức án tử hình với Nghĩa về tội “Giết người” và 6 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt là tử hình!”.

Như vậy, Nghĩa còn cơ hội cuối là gửi đơn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình trong 7 ngày, kể từ ngày 11/11./.

Lời nói sau cùng của Nguyễn Đức Nghĩa: “Tôi mong trở về xã hội để thắp cho bố nén hương”

Được nói lời sau cùng, Nghĩa bày tỏ: “Tôi tạ tội với gia đình nạn nhân. Tôi xin lỗi gia đình, bạn bè, người thân vì đã gây ra tội ác, dư luận bức xúc. Từ ngày phạm tội, tôi chưa ăn ngon, ngủ yên ngày nào và tôi đã thành khẩn nhận tội. Tôi cũng không phải là người bỏ đi. Pháp luật không chỉ trừng trị, răn đe mà còn giáo dục người phạm tội. Tôi rất đau khi biết bố tôi không còn ở trên đời. Tôi khát khao được sống để quay về xã hội, để có thể thắp cho bố tôi nén hương. Tôi mong có ngày quay trở về với đời”.

Sau phiên tòa phúc thẩm: Bị cáo đã được gặp riêng mẹ và chị gái

Tòa phúc thẩm tuyên án y án tử hình, bà Phạm Thị Chuân chỉ biết nhắm nghiền mắt, gần như lả đi, tay bám víu vào ghế để khỏi ngã. Nghĩa nhanh chóng bị dẫn giải ra xe về trại, trước khi ra về còn cố dặn mẹ trong nước mắt: “Mẹ ơi nhớ giữ gìn sức khỏe, chiều nay mẹ không phải vào trại thăm con đâu!”. Lúc đó, bà Chuân lật đật chạy theo, cố gượng sức tàn vươn cánh tay về phía Nghĩa như muốn níu lấy hình bóng đứa con trai độc nhất đang từng giây từng khắc rời khỏi phiên tòa. Tiếng nấc nghẹn “Con ơi” của bà Chuân chới với trong không khí đau thương sau phiên xử...

Dù Nghĩa đã nói “chiều nay mẹ không phải vào trại thăm con đâu” nhưng khi chiếc xe chở phạm lăn bánh, bà Chuân và người con gái lớn vẫn vội vã bám theo. Bà Chuân đến Trại tạm giam số 1 Công an TP.Hà Nội vào lúc 13h40. Quên cả ăn trưa, mẹ con bà Chuân vội vã vào làm thủ tục đăng ký xin Ban giám thị trại cho gặp Nghĩa. Sau đó, người mẹ bất hạnh được gặp con trai qua điện thoại, trò chuyện, dặn dò con trong buồng thăm tử tù trong khoảng thời gian chừng 15 phút. Khoảng 14h30, bà Chuân và chị gái Nghĩa rời Trại tạm giam số 1 trong làn nước mắt như mưa...

Trò chuyện với phóng viên Pháp luật Việt Nam tại căng tin bên cổng trại giam, bà Chuân cho biết bà đã dặn dò Nghĩa giữ gìn sức khỏe, và động viên Nghĩa rằng vẫn còn hy vọng sẽ được ân giảm cho cơ hội sống, đó là viết đơn xin tha tội chết gửi lên Chủ tịch nước. Bà và gia đình sẽ gắng dành nhiều thời gian để thường xuyên, đều đặn vào Trại thăm Nghĩa, để đứa con trai mồ côi tội lỗi biết rằng dù thế nào thì bên cạnh nó vẫn còn chỗ dựa là gia đình yêu thương. 

Khoa Lâm

Đọc thêm