Nguyễn Phúc Lộc Thành- Thơ chọn và chọn thơ

(PLO) - Tôi gặp doanh nhân – bạn thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành chưa lâu, nhưng thấy con người anh khá đặc biệt, ngay từ tên cha mẹ đặt cho anh đã đặc biệt, gửi gắm nhiều “thông điệp” cho anh giữa cuộc đời. 
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chúc mừng nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành (bên trái) ra mắt “Giấc mơ sông Thương”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chúc mừng nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành (bên trái) ra mắt “Giấc mơ sông Thương”.

1. Đặc biệt hơn, tôi biết anh là con người đến với văn chương khá sớm, mà viết được nhiều thể loại, về văn có thể loại “cao” nhất đó là tiểu thuyết, thơ thì quá đặc biệt. Ấy vậy nhưng giống như khi đến với văn chương, lặng lẽ thì khi “rút” khỏi đời sống văn chương để trở thành một doanh nhân thành đạt trên thương trường giữa Hà Nội cũng lặng lẽ.

Và bất ngờ, một ngày giữa tháng 9, Nguyễn Phúc Lộc Thành “trình làng” trước giới văn chương và bạn đọc Thủ đô “Giấc Mơ Sông Thương” – cũng quá đặc biệt.

Sông Thương quê Nguyễn Phúc Lộc Thành là một dòng sông có tên tuổi quen thuộc, in đậm dấu ấn văn hóa Việt trong hàng ngàn con sông lớn nhỏ ở nước ta. Ca dao đã có câu: “Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Bên trong bên đục em trông bên nào”. Nặng lòng với con sông ấy, Nguyễn Phúc Lộc Thành chọn để viết những 36 bài lục bát cách tân. 

Tôi nhớ, có lần nhà thơ Vương Cường tâm sự, thơ lục bát (hay vẫn gọi là dòng thơ dân tộc) vốn sinh ra từ ca dao, người Việt xưa sáng tạo ra trong lao động về những quy luật của trời đất, thời tiết, tình yêu con người trong lao động cho dễ thuộc dễ nhớ nên ngôn ngữ rất bình dân. Do vậy, ai cũng có thể làm thơ lục bát, nhưng để có câu lục bát đúng là “thơ” và hay là rất khó. 

Trong buổi ra mắt “Giấc mơ sông Thương”, ngày 17/9/2018, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Lục bát là thể thơ rất dễ viết. Ai cũng viết được trên 6, dưới 8, kể cả các cụ già, em nhỏ... nhưng lục bát hay thì khó vô cùng”. “Thơ lục bát dễ làm, nhưng cũng có thể nhấn chìm người sáng tác”, Nhà thơ “Hạt gạo làng ta” Trần Đăng Khoa khẳng định.

Khó vì đặc trưng của lục bát dễ làm cho người đọc thấy tẻ nhạt, trôi tuồn tuột; đọc câu đầu đã đoán ra câu sau, thậm chí câu cuối dẫn đến chán vì không có yếu tố bất ngờ. Từ trước đến nay, có hàng ngàn nhà thơ viết lục bát, nhưng thành công, bạn đọc nhớ đến không nhiều, đỉnh cao là Nguyễn Du với Truyện Kiều và một số tác giả khác như Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn...

Nguyễn Phúc Lộc Thành không phải không nhận ra điều này. Anh luôn ý thức về việc tạo ra một giọng thơ riêng biệt, không nhòe lẫn vào ai và làm mới ngôn ngữ bằng nhiều chiêu thức như: sáng tạo từ láy mới; mở rộng phổ kết hợp, trường liên tưởng cho danh từ, động từ; chuyển từ loại, đảo từ ngữ, tách ghép từ; nhân hóa, so sánh lạ, độc đáo; sử dụng các biện pháp tu từ ngữ âm như điệp phụ âm, điệp vần… làm cho câu thơ giàu tính nhạc.

Ngoài ra, trong một số trường hợp có sự sáng tạo về nhịp thơ và thanh điệu... Tất cả những cố gắng đó của Nguyễn Phúc Lộc Thành đều nhằm mục đích tạo nghĩa mới, tạo liên tưởng mới, tạo hình dung từ, tránh những từ mòn sáo, gây được sức hút đối với người đọc. Đây không phải là đánh giá của tôi, nhà báo làm thơ, mà là của nhà nghiên cứu văn học PGS. TS Hoàng Kim Ngọc.

Giấc mơ sông Thương của Nguyễn Phúc Lộc Thành là một tập thơ lục bát cách tân. Tác giả đã có nhiều chiêu thức làm mới ngôn ngữ thi ca tiếng Việt như sáng tạo từ láy mới; mở rộng phổ kết hợp cho danh từ, động từ; chuyển từ loại, đảo từ ngữ, tách ghép từ; nhân hóa, so sánh độc đáo; sáng tạo về nhịp thơ và thanh điệu..., sử dụng các biện pháp tu từ ngữ âm như điệp phụ âm, điệp vần… làm cho câu thơ giàu tính nhạc.

Liên tưởng trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Phúc Lộc Thành có biên độ rộng, chồng lấn, đa chiều nên đã góp phần tạo được nhiều kết hợp lạ mang bản quyền thương hiệu riêng của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Tất cả những cố gắng đó của anh đều nhằm mục đích tạo nghĩa mới, tạo hình.

Thành công của Nguyễn Phúc Lộc Thành là làm cho người đọc không dễ đoán, thậm chí đọc rồi phải suy nghĩ, chiêm nghiệm, mỗi người tự phát hiện ra cái hay riêng, không giống nhau, tùy “phông văn hóa” của bạn đọc. Chính nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã phát hiện ra yếu tố “thiền” và “sex” thăng hoa trong “Giấc mơ sông Thương” của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

2. Nguyễn Phúc Lộc Thành cho biết, giữa thập niên 90 thế kỷ trước, khi đang học năm 3 khoá 5 Trường viết văn Nguyễn Du, anh là người đầu tiên khai sinh ra mô hình Taxi Tải tại Việt Nam, tự mình mang dự án Taxi Tải Thành Hưng đi thuyết trình để các cấp phê duyệt (hồi ấy khó khăn lắm, thành lập doanh nghiệp phải là Chủ tịch UBND TP Hà Nội cấp phép).

“Khi sang Phòng đăng ký kinh doanh, chị quản lý phòng xem lý lịch tôi xong, ngước cặp kính lão, hỏi “Nhà văn mà đi làm kinh tế thế này có sợ làm hại cho đất nước hay không?”. Tôi bảo “Chị không thấy vụ giá – lương - tiền của nhà thơ Tố Hữu thành công đến thế nào, nó chẳng phải là một nhân tố để đất nước ta, ngay sau đó, có được công cuộc đổi mới hay sao?”. Chị ấy nhìn tôi như một kẻ dị dạng”, Nguyễn Phúc Lộc Thành hóm hỉnh.

Là người sáng lập, nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành cần mẫn như một chú “ong thợ”. Suốt những năm dấn thân vì sự lớn mạnh của Taxi Tải Thành Hưng, tuyệt nhiên anh không xuất hiện trên báo chí, không PR bằng những “tuyên bố”, thường “đẩy” cho các phụ tá thay mình. Ngay việc mua hàng hoá chất đầy các xe tải, rồi dẫn đoàn xe chở hàng đi cứu trợ ở nhiều nơi đói nghèo, thiên tai, diễn ra đều hàng năm, hoặc giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt, anh vẫn chỉ âm thầm làm mà không nhờ cậy báo chí dẫn đường.

Anh kể, trong các bữa cơm, mẹ anh thường ca thán: “Mẹ thấy người này trên ti vi, người kia lên tivi, sao con làm rất nhiều việc cho hàng tổng thế mà chẳng thấy được lên bao giờ...”. “Hì. Em cười vấn an cụ: Có giời biết, đất biết là đủ, thưa mẹ”, Thành cười hiền hậu.

Trong hơn 20 năm trên thương trường, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã thành công trong việc khai sinh, xây dựng Thành Hưng trở thành một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực vận tải nhẹ tại Việt Nam, đặc biệt ấn tượng tại Hà Nội và Sài Gòn: Mô hình Taxi Tải và Dịch vụ Chuyển Nhà, Chuyển văn phòng trọn gói mang thương hiệu Taxi Tải Thành Hưng. Doanh nhân Nguyễn Phúc Lộc Thành đã lấy triết lý của chữ “Tín” giúp doanh nghiệp của mình thành công, hưng thịnh.

Cũng chính Thành Hưng trở thành cổ đông lớn thứ hai sau nhà nước, sở hữu 30% cổ phần thương hiệu Vang Đà Lạt, là chủ sở hữu nhà máy sản xuất Vang Đà Lạt tại Lâm Đồng, trực tiếp quản lý phân phối Vang Đà Lạt trên toàn bộ thị trường miền Bắc. Thành Hưng đã góp công lớn trong việc Vang Đà Lạt vinh dự được Chính phủ Việt Nam dùng chiêu đãi 21 vị nguyên thủ quốc gia trong dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC 2006 diễn ra tại Hà Nội.

Gần đây, qua trang cá nhân tôi biết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Hưng Nguyễn Phúc Lộc Thành đã chính thức xin từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc để chuyên tâm sáng tác văn chương kể từ ngày 01/9/2018, sau gần 20 năm “ẩn dật”. Sau khi Nguyễn Phúc Lộc Thành có đơn xin nghỉ việc, hôm 25/8/2018, các thành viên của Hội đồng Quản trị Công ty đã nhất trí và phê chuẩn đơn xin từ nhiệm để anh thôi giữ chức Tổng Giám đốc. 

Biết việc này, tôi nhắn tin hỏi thì Thành trả lời: “Em rút lui điều hành thôi, vẫn cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Hưng với vị trí mới”. Dù sao Tập đoàn Thành Hưng cũng là đứa con “mang nặng đẻ đau” của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Việc trở lại với văn chương, “trình làng” Giấc mơ sông Thương không thể ấn tượng hơn, đánh dấu thời khắc “chín” của tâm hồn thi ca của anh. Sự kiện ấy chắc chắn sẽ mở ra trang mới của cuộc đời anh, đóng góp cho thi đàn nhiều tác phẩm mang dấu ấn, phong cách, thi pháp Nguyễn Phúc Lộc Thành.

3. Năm 1988 tại Maxcova – Thủ đô của Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô tổ chức cuộc thi sáng tác văn chương (cả thơ và văn) dành cho cộng đồng người Việt công tác tại 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết. Ban giám khảo gồm 7 người, trong đó có  Nguyễn Phúc Lộc Thành đã giành giải Nhất (không có giải Nhì) cho truyện ngắn “Cõi nhân gian”.

Lúc ấy Thành đang là người lao động ở bên ấy, đầu tắt mặt tối mưu sinh, chứ không phải là sinh viên của trường đại học về văn chương. “Đây đích thị là một nhà văn, hơn thế là một nhà văn có tài”, giám khảo Trần Đăng Khoa lúc ấy đã đánh giá, phát hiện. “Cõi nhân gian” sau này được tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành phát triển thành một tiểu thuyết cùng tên.

Sau tiểu thuyết này, Nguyễn Phúc Lộc Thành “bặt âm” trên văn đàn. Nguyễn Phúc Lộc Thành đã trở lại với văn chương sau 20 năm “vắng bóng”, nhưng không phải với văn mà là thơ. Thật khó cho anh bởi thời nay thơ sao mà lắm thế. Ngay Xuân Diệu lúc sinh thời thường trăn trở, đã làm thơ phải làm thơ hay, đừng làm thơ dở.

Thơ nhiều nhưng bạn đọc, không riêng Việt Nam mà toàn cầu đang thờ ơ với thơ. Dẫu thờ ơ, nhưng không phải vì thế mà thơ “chết” đâu. Với sự trở lại âm thầm nhưng “Giấc mơ sông Thương” của Nguyễn Phúc Lộc Thành được “sinh hạ” ngoạn mục minh chứng cho điều này. 

 “Đến với thơ, tôi đã từng nghĩ, để có thơ hay, không nhất thiết phải màng đến thế sự như văn xuôi. Thơ có thể thoát ra khỏi đời sống chính trị. Tôi tìm đến thơ, kỳ vọng ở một cảnh giới cao hơn văn xuôi.

Tôi luôn tin tưởng vào sứ mệnh của thơ là hướng đến cái đẹp, những giá trị chân - thiện - mỹ ở thơ, như thứ phù sa âm thầm bồi đắp thiện lương, góp phần cải hoá xã hội, tương tự việc tranh đấu trực diện với cái xấu, với cường quyền của văn xuôi, nhưng không bằng con đường búa lớn đao to. Tôi hằng kỳ vọng vào sự thức tỉnh của con người, của mọi thế lực trước cái đẹp, qua con đường thi ca”, Nguyễn Phúc Lộc Thành chia sẻ trong buổi ra mắt “Giấc mơ sông Thương” của anh.

Cám ơn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã “hằng tin” để đổi mới và sáng tạo thi ca. Tôi nhận ra rằng với Nguyễn Phúc Lộc Thành không chỉ anh chọn thơ mà thơ đã chọn anh. 

Đọc thêm