“Chất” quân nhân
Ông Thông sinh năm 1961 trong một gia đình thuần nông có 6 anh chị em tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Quá trình 42 năm công tác cho đến khi nghỉ hưu vào cuối 2021, ông có gần 4 năm trong quân ngũ chiến đấu trên tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng; 38 năm sau khi chuyển ngành làm công tác chuyên môn thuộc UBND huyện Lục Nam và Sở Nội vụ Bắc Giang... Dù ở vị trí công việc nào, từ công chức bình thường cho tới khi đảm nhiệm chức vụ PGĐ Sở Nội vụ, rồi về hưu, ông vẫn giữ đúng “chất” quân đội, cần cù, sẵn sàng phục vụ hết mình.
Trong thời gian được phân công phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và cán bộ, công chức cấp xã, ông đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện gần 1.000 lượt lớp bồi dưỡng cho gần 100 ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và cán bộ, công chức cấp xã. Nội dung bồi dưỡng bám sát với vị trí việc làm của công chức, viên chức; chú trọng bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, quản lý đất đai, quản lý kinh tế cho công chức, viên chức chuyên môn... nhằm bổ sung kiến thức trong thực thi công vụ.
Với chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Thông cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng có tính mới, sáng tạo, thời sự trong công tác tổ chức và cán bộ, công chức của tỉnh. Trong đó có những văn bản được triển khai thực hiện đạt hiệu quả; đến nay đã được Trung ương nghiên cứu ban hành thành chủ trương chung áp dụng thực hiện trong phạm vi toàn quốc.
Điển hình như năm 2010, Bắc Giang ban hành Đề án vị trí việc làm công chức áp dụng thực hiện trong cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Năm 2009, UBND tỉnh ban hành Quy định thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp nhà nước áp dụng thực hiện tại ngành Giáo dục, Y tế để rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện triển khai diện rộng đến tất cả các đơn vị sự nghiệp ở tỉnh và ở cấp huyện.
Cũng trong năm 2009, UBND tỉnh ban hành Quy định đánh giá người đứng đầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và chủ tịch UBND cấp huyện trong thi hành công vụ và một số văn bản quan trọng khác để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và công tác quản lý cán bộ chuyên trách, không chuyên trách, công chức cấp xã. Những quy định trên của UBND tỉnh Bắc Giang đến nay vẫn đang áp dụng thực hiện có hiệu quả và có sức lan tỏa rộng rãi.
Trong nhiều năm khi còn công tác, ông Thông cùng tập thể Ban Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh được đánh giá luôn đoàn kết, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Với thành tích đạt được trong những năm qua, Sở Nội vụ luôn được UBND tỉnh ghi nhận đánh giá cao, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Đảng bộ Sở Nội vụ nhiều năm qua đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; các tổ chức đoàn thể đều đạt vững mạnh xuất sắc.
Ông Thông cũng tham gia nhiều khóa cấp ủy Sở Nội vụ. Trong đó có 2 khóa làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Sở Nội vụ. Nhiều năm liên tục, ông được cơ quan đánh giá là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là cán bộ lãnh đạo quản lý hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ; liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Bên cạnh những công tác trong ngành tổ chức, ông Thông còn là thành viên BCĐ phổ biến pháp luật của tỉnh Bắc Giang; đã tham gia 3 khóa hội thẩm nhân Toà án cấp huyện, cấp tỉnh.
Ông Thông nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. |
Nguyên tắc “nêu gương”
Mỗi người lãnh đạo sẽ có cách quản lý riêng của mình. Tuy nhiên, để nhân viên cấp dưới “tâm phục, khẩu phục” và tình nguyện làm theo yêu cầu lại không đơn giản. Với ông Thông, công cụ lãnh đạo hiệu quả nhất chính là làm gương cho nhân viên.
Với ông, không dễ để làm một người lãnh đạo tốt, làm sao vừa gần gũi với anh em nhưng vẫn phải giữ được “cái uy” của cấp trên, vừa quan tâm, giúp đỡ cấp dưới nhưng lại không được xuề xòa, phải tuân thủ theo nguyên tắc, kỷ luật. Đặc biệt, ông cũng cho rằng làm người lãnh đạo không nên tranh công, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới mà phải khoan dung.
Dù trên cương vị là công dân, đảng viên hay người quản lý, ông Thông đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn làm tròn trách nhiệm một cách tự giác và theo lương tâm. Bản thân ông luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời vận động vợ con, người thân và người dân thôn phố nơi cư trú thực hiện sống và làm việc theo pháp luật. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia, gia đình ông cũng thường xuyên tham gia các đợt quyên góp ủng hộ do địa phương vận động và nhiều năm qua đều đạt gia đình văn hóa.
Với những cống hiến không ngừng, ông Thông vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba.
Dù đã nhận sổ hưu vào tháng 11/2021, song nhiệt huyết cống hiến của ông Thông vẫn căng tràn. Ông tiếp tục tham gia Hội thẩm nhân dân tỉnh Bắc Giang đến hết nhiệm kỳ 2021-2026. Với ông Thông, cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, nếu có thể cống hiến và góp sức cho dân, cho nước, ông cũng không ngần ngại dốc tâm, dốc sức phụng sự.
Tháng 3/2022, ông Thông tham gia Hội thẩm nhân dân trong phiên xét xử vụ "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" tại hội trường TAND tỉnh. Trong vụ án này có bị cáo Đặng Xuân Chung và 9 bị hại bị Chung lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 22 đồng.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ, ông Thông phát hiện 2 trong số 17 người có “quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” (vợ và bố vợ của bị cáo Chung) đều cùng bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên toà, ông Thông đã trực tiếp xét hỏi, làm rõ sự liên đới của 2 người này. Đồng tình với ý kiến của ông Thông, LS bảo vệ quyền lợi người bị hại đã làm rõ thêm vấn đề trên.
HĐXX sau đó đã tuyên trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung. Vụ án sẽ còn tiếp tục đưa ra xét xử theo đúng tinh thần "đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm".