Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Trong những năm gần đây, Sở Tư pháp Tuyên Quang không ngừng trưởng thành vững mạnh, luôn đứng đầu trong phong trào thi đua của Ngành Tư pháp cả nước. Những năm qua, Sở liên tục nhận được Bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp và Chính phủ.
Có được sự phát triển vững mạnh đó là do có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở với các ban ngành ở địa phương, các cấp uỷ chính quyền, sự nỗ lực của các cán bộ tư pháp và công sức đóng góp không nhỏ của người đứng đầu Sở Tư pháp - Giám đốc Nguyễn Thị Thược.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp là hình ảnh bà Thược cùng cán bộ Sở Tư pháp Tuyên Quang trong một chuyến đi hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại một vùng miền núi xứ Tuyên.
Bà Nguyễn Thị Thược tặng đường điện “ Thắp sáng đường quê” cho bà con nhân dân thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình |
Trước mắt chúng tôi là người phụ nữ dễ gần, nụ cười thân thiện, giọng nói mạnh mẽ. Đương nhiệm là một lãnh đạo cao nhất của Sở, nhưng bà Thược trong trang phục bình dị, chân đi giày bệt bám đầy bùn đất do trời mưa, đầu đội chiếc nón lá truyền thống của người con gái đất Việt. Bà di chuyển từ chân đồi này qua chân đồi khác bằng đi bộ, bà vào từng ngõ ngách đến tận nhà các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để thăm hỏi và chứng kiến tận mắt cuộc sống của người dân nơi đây.
Tâm sự với bà về quá trình công tác, chúng tôi khâm phục những đóng góp của bà trong ngành Tư pháp nhiều năm qua. Với thời gian gần 10 năm làm Giám đốc, tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, bà đã xây dựng sự đoàn kết và tự giác công tác ở mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ, huy động được nhiều ngành, cấp liên quan cùng phối hợp hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Sở.
Chính vì vậy, năm nào Sở Tư pháp cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá là một Sở mạnh của tỉnh. Trong những năm qua, Bà luôn góp phần xây dựng Ngành Tư pháp Tuyên Quang ngày một lớn mạnh.
Trong công tác chuyên môn, bà luôn được đồng nghiệp tôn trọng, cấp trên tin tưởng bởi đảm nhận ở vị trí công tác nào bà cũng đều đem hết sự hiểu biết, tận tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, bản thân bà không ngừng học tập nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao trước công việc, xây dựng mối quan hệ tốt với các ngành trong khối tư pháp. Cùng tập thể đơn vị phân loại giải quyết, tham mưu với UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của tỉnh.
Chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL trong Bộ, chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính của Tuyên Quang do Sở Tư pháp chủ trì thực hiện hàng năm đều đạt kết quả cao, năm 2020 đứng thứ 16/63 tỉnh thành (tăng 17 bậc so với 2016).
Bà Thược cũng chỉ đạo đổi mới phương thức thẩm định các dự thảo VBQPPL, cá nhân hóa trách nhiệm của mỗi chuyên viên thẩm định chuyên sâu theo từng lĩnh vực, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thẩm định, loại bỏ nhiều chính sách quy định không phù hợp và thiếu tính khả thi, mục đích để ý kiến thẩm định chính xác, thuyết phục, nhất quán, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL.
Sở Tư pháp cũng là một trong những đơn vị “tiên phong” ứng dụng công nghệ. Từ 2013, sau khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở, bà Thược đã cài đặt đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Sở, triển khai tới Phòng Tư pháp cấp huyện, năm 2016 triển khai Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch 3 cấp, hệ thống Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực tỉnh.
Đến nay, Sở đang quản lý sử dụng 15 phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong quản lý các lĩnh vực công tác Tư pháp, khai thác tối đa lợi thế của mạng xã hội Facebook, Zalo để trao đổi công việc, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nhiệm vụ của công chức, người lao động và PBGDPL.
Trong công tác cải cách hành chính (CCHC), bà Thược cho hay, có phương châm hành động “CCHC là công việc phải làm hàng ngày, với mọi lĩnh vực, từng người, ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua, năm sau phải CCHC tốt hơn năm trước, thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để việc thực hiện CCHC được tốt hơn”.
Xác định CCHC thực chất, không chạy theo thành tích, trong thời gian qua, bà Thược cùng với tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Sở đã lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp. Thành lập và đưa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở đi vào hoạt động sớm nhất trong các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, triển khai dịch vụ công trực tuyến, chủ động ký kết quy chế phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện dịch vụ công bưu chính công ích, khắc phục triệt để việc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Hiện Sở Tư pháp không có hồ sơ trễ hẹn với người dân, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trước hạn đạt 99,4%, xây dựng được đội ngũ công chức, viên chức làm việc chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân trách nhiệm, tận tình, chu đáo, không hạch sách, không tiêu cực. Chính vì vậy, Sở Tư pháp được đánh giá, xếp hạng nhất về Chỉ số cải cách hành chính 7 năm liên tục (từ 2014 - 2020).
Về công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được thực hiện tốt tại Tuyên Quang. Bà Thược cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác này, bà đã trực tiếp tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị chuyên đề lãnh đạo triển khai thực hiện công tác PBGDPL và nhiều chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện công tác PBGDPL.
Sở Tư pháp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, nâng cấp, phát huy hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử Sở, linh hoạt, biến hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp từng đối tượng và tình hình thực tiễn, tập trung tuyên truyền pháp luật trên mạng xã hội Facebook với Fanpage “Phổ biến, giáo dục pháp luật Tuyên Quang” để người dân dễ tiếp cận, tìm hiểu.
Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Tuyên Quang, dự sinh hoạt chi bộ Thôn Cây Nhãn (xã Tứ Quận) |
Sở Tư pháp cũng tăng cường công tác PBGDPL cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, gắn với trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Bản thân bà Thược đã đăng ký, làm Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, qua đó đã đề xuất được nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bản lĩnh vững vàng
Bà Thược được đánh giá luôn sát sao trong lãnh đạo chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Phát hiện, đề xuất các giải pháp hợp tình, hợp lý trong việc giải quyết các vụ việc vướng mắc thi hành pháp luật ở địa phương, tháo gỡ nhiều khó khăn tưởng chừng “không có lối thoát”.
Sở Tư pháp Tuyên Quang nhiều năm qua luôn được Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao, trong 5 năm gần đây được Bộ Tư pháp xếp hạng A (xuất sắc), được tặng 2 Cờ thi đua ngành Tư pháp, 2 Bằng khen của Bộ Tư pháp, được UBND tỉnh tặng 2 Cờ thi đua, 13 Bằng khen.
Sở Tư Pháp tỉnh Tuyên Quang nhận cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021 do Bộ Tư pháp tặng |
Riêng bà Thược được tặng 2 Bằng khen của Thủ tướng, 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 3 Bằng khen của Chủ tịch tỉnh, là 1 trong 30 “Gương sáng Tư pháp” năm 2015, liên tiếp 4 lần được Bộ Tư pháp công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp (giai đoạn 2001-2005, 2005-2010, 2010-2015, 2015-2020).
Từ 2019 đến nay, bà Thược trực tiếp chỉ đạo, thực hiện kiểm tra 92 đề xuất xây dựng Quyết định QPPL của UBND tỉnh, thành lập 61 Hội đồng tư vấn thẩm định, hoàn thành thẩm định 11 đề nghị xây dựng Nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh và 153 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị chỉnh sửa 738 nội dung, 70 thủ tục, 48 chính sách, tham gia ý kiến 554 dự thảo văn bản, tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền 124 văn bản, rà soát 441 lượt văn bản, kiến nghị xử lý 92 lượt văn bản có nội dung không còn phù hợp.
Sở Tư pháp là cơ quan hành chính đầu tiên của Tuyên Quang thực hiện tinh gọn theo chủ trương Nghị quyết số 18-NQ/TW. Với nguồn nhân lực ít, bà Thược phải rất linh hoạt trong điều hành, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp năng lực, sở trường, vị trí việc làm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo trực tiếp các kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng “mềm” cho cán bộ, xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tình, chu đáo, không nhũng nhiễu, không tiêu cực, biểu dương khen thưởng kịp thời, phê bình cụ thể, nghiêm túc.
Cơ cấu tổ chức của Sở sau khi sắp xếp lại có 4 phòng, đơn vị chuyên môn và 3 đơn vị sự nghiệp, giảm 21 phòng và chức danh lãnh đạo, trong đó: giảm 06 phòng (03 phòng chuyên môn thuộc Sở; 03 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở), giảm 15 chức danh trưởng, phó phòng (03 chức danh trưởng phòng thuộc Sở, 11 chức danh cấp phó phòng thuộc Sở, 01 chức danh trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp).
Nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi trong công tác, Giám đốc Nguyễn Thị Thược đã góp một phần không nhỏ của mình vào sự nghiệp phát triển Ngành Tư pháp Tuyên Quang. Với tinh thần thép, lòng yêu nghề, công tâm, bản lĩnh, tự tin, không quản ngại khó khăn, Giám đốc Sở Tư pháp xứ Tuyên, Nguyễn Thị Thược xứng đáng là tấm gương điển hình để cán bộ, tư pháp viên học tập, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành Tư Pháp Việt Nam: “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”./.