Nguyễn Văn Lộc và sứ mệnh “Luật sư - doanh nhân”

(PLO) - “LP Group đã thành công khi xây dựng thêm hai công ty đang phát triển rất tốt trong lĩnh vực tư vấn trong năm 2018, hiện chúng tôi có 5 đơn vị kinh doanh” – Luật sư (LS) Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group đã vui vẻ mở đầu câu chuyện với phóng viên Pháp luật Việt Nam như thế. 
Luật sư Nguyễn Văn Lộc

Vị LS này giới thiệu trên trang cá nhân (www.loc.partners) ông là một LS, một nhà đầu tư và một tác giả sách. Tại sao một LS hành nghề tư vấn lại có sức hút truyền thông và cộng đồng đến vậy? 

“Con người của hành động”

Ông tự nhận xét về mình như vậy! LS Nguyễn Văn Lộc là người sáng lập Công ty Luật LPVN (LPVN Law Firm) cùng với các LS cộng sự chuyên về tài chính và bất động sản. Bản thân ông trong giai đoạn làm thuê trải qua hàng trăm dự án tư vấn pháp lý về bất động sản, ông lấy kinh nghiệm đó làm xuất phát điểm nghề LS của mình. 

LP Group khi được ông tiếp quản vị trí Chủ tịch điều hành năm 2014 và sau hơn 3 năm xây dựng, LS Nguyễn Văn Lộc cùng các cộng sự của mình đã dẫn dắt tổ hợp này trở thành nhà tư vấn pháp lý hàng đầu tại Việt Nam. “Chúng tôi xây dựng một đơn vị tổng thầu khi khách hàng cần một đối tác pháp lý” – LS Lộc hào hứng.

“Tổng thầu” mà ông nói đó là chuỗi dịch vụ khép kín về tư vấn luật, tư vấn thuế, sở hữu trí tuệ, dịch vụ công ty và pháp lý trong quản trị DN. Một dự án M&A hay đầu tư bất động sản, khi khách hàng cần đến, LP Group có thể phụ trách từ khâu xây dựng chiến lược pháp lý đến soạn thảo văn bản, thực hiện thủ tục và hoàn tất giao dịch hoàn hảo.

Năm 2016, một tấm hình xuất hiện trên trang của một doanh nhân bất động sản chụp cùng tỷ phú Malaysia Vincent Tan, vị LS trẻ này đứng bên cạnh. Nhiều người tò mò hỏi ông về cơ hội đó. Ông nhớ chỉ trả lời rằng đó là công việc. LS Lộc cho rằng, việc được tư vấn cho các nhà đầu tư lớn, các doanh nhân hàng đầu trong các giao dịch là một điều may mắn. “Có những thân chủ tôi tư vấn mấy năm trời, khi họ đủ tin tưởng mới giao dự án lớn” – ông bộc bạch. 

Doanh nhân Việt vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối để trao quyền cho LS, do “người làm nghề này vẫn chưa có vị thế tốt, vì nhiều lý do” – vị LS ngần ngại chia sẻ. Ông cho rằng không phải vì vấn đề năng lực mà còn là tâm lý chung, nhiều người trong số họ chỉ cần LS “dàn xếp” khi xảy ra sự vụ. Cách nhìn nhận của khách hàng và hợp tác với LS như vậy cần thay đổi, từ nhận thức đến hành động của mỗi LS.  

“Vì lẽ vậy, với tư cách là thế hệ LS đồng hành cùng doanh chủ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, chúng tôi phải nỗ lực gấp nhiều lần” – ông nói. Con đường LS Lộc lựa chọn là bản thân và LP Group phải vận động liên tục. Sứ mệnh của ông theo đuổi đó là LS phục vụ cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu doanh nhân Việt Nam. LS Nguyễn Văn Lộc từng được nhiều tạp chí dành tặng danh hiệu “LS Doanh nhân” có lẽ cũng vì xuất phát từ sứ mệnh đó của ông, và tổ chức của ông. 

Sứ mệnh của “LS – doanh nhân”

Trăn trở cùng sự phát triển của doanh nghiệp (DN) Việt, LS Lộc trải lòng rất nhiều về khát vọng một ngày DN Việt có tên trên bản đồ DN thế giới. 

“Người Việt chịu thương chịu khó, ham học hỏi. Doanh nhân Việt sáng tạo và năng động. Chỉ cần cơ chế chính sách thông thoáng và được sự hỗ trợ của Chính phủ, chuyện thành công của DN Việt trên trường quốc tế là hoàn toàn có cơ sở” - LS Lộc nhận định chính sách cho DN đang dần mở, bám sát thực tiễn và linh hoạt hơn trước đây rất nhiều. Doanh nhân và nhà tư vấn nên nắm bắt, sẵn sàng thay đổi, tận dụng các cơ hội từ chính sách đó!.

“Tư duy làm ăn dựa vào mối quan hệ để lấy hợp đồng sẽ là “liều thuốc giết chết” kinh doanh theo cơ chế thị trường. Khi mà Việt Nam đã ra chủ trương kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế, đây là cơ hội cho DN khối ngoài Nhà nước. Họ cần vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, vươn lên thành DN dẫn đầu và vươn tầm quốc tế trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này” – ông nhận xét.

LS Nguyễn Văn Lộc tham gia góp ý hàng trăm dự thảo luật. Ông cho biết hầu như bất cứ khi nào Chính phủ, Bộ lấy ý kiến về góp ý, sửa đổi dự thảo luật thì ông cũng có ý kiến nếu dự thảo đó liên quan đến doanh nhân, DN. Gần đây nhất là góp ý với Chính phủ về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh hay việc ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017. 

Khi nghe đến câu hỏi “Điểm khác biệt trong phương án tư vấn mà ông trực tiếp làm việc với khách hàng là gì so với việc họ chọn một nhà tư vấn khác?”. Ông trả lời rằng đó là tư duy của nhà tư vấn vì quyền lợi của các bên và luôn dựa trên nền tảng bản chất của giao dịch, từ đó mang đến các giải pháp từ tổng thể để định hướng khách hàng áp dụng đúng luật, linh hoạt. 

LP Group đã đầu tư thành lập một công ty chuyên tư vấn về dịch vụ công ty và hỗ trợ cho SME, MSME và Startup. Đơn vị này đặt mục tiêu phục vụ 1.000 khách hàng cho đến năm 2020 với mức phí tiêu chuẩn chỉ bằng 1/2 mức phí khung tiêu chuẩn của LP Group. Ông không tiết lộ con số đầu tư cho dự án này, chỉ muốn nhấn mạnh về khát vọng giúp cho các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là DN khởi nghiệp sáng tạo nhằm quyết các vấn đề xã hội đang cần.

Định vị lại vai trò của LS trong môi trường kinh doanh hiện nay, LS Lộc khẳng định: “Một LS hay đội ngũ tư vấn luật hiện nay là cộng sự thân cận với các doanh chủ trong việc hoạch định các chiến lược pháp lý, tham vấn kế hoạch kinh doanh và đặc biệt là người “đồng đội” của doanh nhân trong giao dịch kinh doanh, thương mại và đầu tư”. Ông cho rằng, DN nào chỉ mời LS để giải quyết hậu quả, để xử lý xung đột hay đối phó “hỏng đâu vá đó” sẽ thất bại trong thế trận cạnh tranh như hiện nay. 

“Tôi cho rằng vai trò của công ty luật với DN hiện nay là “chiến lược gia pháp lý” cho khách hàng của mình. Các LS kinh tế giỏi có thể tư vấn từ cấu trúc các giao dịch, kế hoạch thuế, kiểm soát tuân thủ, quản trị hợp đồng cho đến phương án xử lý rủi ro, xung đột, khủng hoảng. DN đánh giá đúng vai trò của LS và tìm đúng người sẽ gia tăng thế mạnh của mình” - nhấn mạnh quan hệ giữa doanh nhân – LS, ông cho biết như vậy.

Trong căn phòng làm việc riêng của ông tại quận trung tâm TP HCM, ông chỉ bố trí sách và các hình ảnh chụp với khách hàng, đối tác. Chúng tôi đặt câu hỏi tại sao không trưng các bằng khen, giải thưởng và bằng cấp mà ông đã có không ít. Ông cười nhẹ nhàng rằng: “Đó không phải là những thứ tôi hướng đến. Tôi chỉ tập trung làm hài lòng các khách hàng, thân chủ mình đi cùng họ trên chặng đường kinh doanh và rảnh rỗi thì đọc sách, bổ sung tri thức. Tôi xem thân chủ và sách là những người bạn tâm giao”.

LS Lộc nhận định chính sách cho DN đang dần mở, bám sát thực tiễn và linh hoạt hơn trước đây rất nhiều. Doanh nhân và nhà tư vấn nên nắm bắt, sẵn sàng thay đổi, tận dụng các cơ hội từ chính sách đó.

Đọc thêm