Nhà báo dự tòa phải xin phép trước

(PLO) - Nếu dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND được thông qua thì ngoài điều kiện có Thẻ, nhà báo tác nghiệp tại Tòa còn phải xin phép và được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Quy định này làm hạn chế quyền tác nghiệp đúng pháp luật của báo chí.
Ảnh minh họa
Trước đó, PLVN đã có loạt bài phản ánh về những mâu thuẫn và bất cập tại các quy định trong dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, trong đó có quy định: các nhà báo, phóng viên khi khi âm, ghi hình tại phiên tòa phải được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án. 
Mới đây, tại cuộc họp báo cáo thẩm tra dự thảo Pháp lệnh trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã không tán thành nhiều quy định trong dự thảo này và cho rằng dự thảo hiện có nhiều điều khoản chưa phù hợp, trái với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Báo chí... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chỉnh sửa, bổ sung các nội dung tại dự thảo cho phù hợp các quy định hiện hành để trình vào dịp khác.
Thủ tục mang nặng cơ chế xin - cho
Thế nhưng, mới đây TANDTC lại đề xuất việc nhà báo tham dự phiên tòa phải được sự cho phép của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Tại dự thảo Thông tư ban hành Nội quy phiên tòa, cơ quan này ghi: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa hình khi được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình Thẻ nhà báo, Thẻ phóng viên cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa;... tuân thủ đúng các quy định của Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành”. 
Không giống những cá nhân tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng, người bào chữa, thân nhân của bị cáo, người bị hại là những người có liên quan đến tố tụng... các nhà báo, phóng viên có mặt tại phiên tòa là để thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội của mình. Họ hoạt động theo đặc thù nghề nghiệp đã được quy định tại Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành. Và một trong những quyền cơ bản của nhà báo khi tác nghiệp tại tòa là được quay phim,chụp ảnh, ghi âm... 
Cụ thể, Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí nêu rõ: “Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. 
Có thể nói, quy định này đã tạo ra một rào cản mang nặng thủ tục hành chính và cơ chế xin - cho, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tác nghiệp bình thường của báo chí.
Công dân không xin, nhà báo phải xin
Không chỉ đòi hỏi phải “được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa”, dự thảo của TANDTC còn yêu cầu các nhà báo, phóng viên phải có thêm điều kiện: xuất trình Thẻ nhà báo, Thẻ phóng viên. 
Với ghi nhận của dự thảo, tất cả những phóng viên, nhà báo chưa có thẻ sẽ bị “cấm cửa” trước các phiên tòa. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự mà không phải xuất trình một giấy tờ gì. Với quy định này có thể hiểu ngược lại là nhà báo là loại “công dân đặc biệt” bị hạn chế quyền tham dự phiên tòa.
Dự thảo chỉ quy định một phía về trách nhiệm trình giấy và có cả thời gian trước khi khai mạc 15 phút với nhà báo nhưng không có ghi nhận nào về trách nhiệm của Tòa trường hợp nào cho phép, trường hợp nào không. Nghĩa là “quan Tòa” có quyền đòi hỏi đội ngũ báo chí quá nhiều điều kiện trong khi bản thân mình lại không có nghĩa vụ và trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp. 
Không chỉ vậy, TANDTC còn yêu cầu nhà báo, phóng viên phải “tuân thủ đúng các quy định của Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Thế thì một câu hỏi ngược lại: Tòa yêu cầu đội ngũ nhà báo phải tuân thủ các quy định trên, vậy sao Tòa lại không tiên phong tuân thủ pháp luật trước? Bởi về vấn đề này, Luật Báo chí đã quy định rõ: “không ai được cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. 
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất “Để tạo sự công bằng, giúp phóng viên, nhà báo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thì TANDTC cũng nên có Điều khoản quy định mức phạt đối với những hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa”.
Cho dự hay không tùy ngẫu hứng
Nhìn vào quy định này có thể dễ dàng nhận ra: TANDTC đang tự cho mình một đặc quyền, đó là quyền “đồng ý” hay “không đồng ý” cho các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa. Vậy trường hợp, vì có “ác cảm” với nhà báo hoặc phóng viên nào đó mà Chánh án hoặc chủ tọa cố ý gây khó dễ, không cho họ tham dự phiên tòa (không cần biết lý do) thì vị Chánh án hoặc thẩm phán này sẽ bị xử lý ra sao? 
Nhiều ý kiến cho rằng, với quy định này thì Tòa án đang “một mình một sân”, còn các nhà báo, phóng viên - những người cũng đang thi hành công vụ (bằng cách đưa tin, ghi âm, ghi hình...) bị đẩy vào thế hoàn toàn bị động, mặc dù họ tác nghiệp theo đúng Luật Báo chí. 
Việc hạn chế quyền tham dự và tác nghiệp trong phiên tòa sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí, mà ở mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng đến tính minh bạch của tòa án và nguyên tắc xét xử công khai.

Đọc thêm