Nhà báo ghi âm, ghi hình là hoạt động cần thiết và hợp pháp

Sau khi PLVN đăng tải bài viết phản ánh sự bất cập trong việc ngành Tòa án muốn ban hành những quy định hạn chế quyền của Báo chí, các chuyên gia đã nêu ý kiến phân tích những bất cập xung quanh vấn đề này.

[links()]Sau khi PLVN đăng tải bài viết phản ánh sự bất cập trong việc ngành Tòa án muốn ban hành những quy định hạn chế quyền của Báo chí, các chuyên gia đã nêu ý kiến phân tích những bất cập xung quanh vấn đề này.

* Ông Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:"Ghi âm, ghi hình là hành động hợp pháp và cần thiết"

Việc ghi âm, ghi hình là những hoạt động cần thiết của nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, phục vụ cho việc thông tin về vụ án đang được giải quyết. Ghi âm, ghi hình là nhằm giúp phóng viên thu thập thông tin chính xác, có bằng chứng để kiểm chứng thông tin.

Đây là phương thức hoạt động của phóng viên. Liệu nhà báo và phóng viên tác nghiệp có thẻ hành nghề- Thẻ Nhà báo- thì có cần phải viết đơn xin phép Chánh án hoặc chủ tọa phiên tòa?. Vấn đề là ở chỗ phóng viên khi hành nghề có vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa hay không mà thôi.

Một khi phiên tòa đã xét xử công khai thì chắc chắn Hội đồng xét xử không “cấm” ghi âm, ghi hình, do vậy không cần xin phép. Còn phiên tòa xử kín, thì sẽ có những quy định riêng. Bởi vậy Dự thảo Pháp lệnh nên có điều, khoản quy định riêng cho phiên tòa xử công khai và phiên tòa xử kín. Đặc biệt nên có những quy định riêng và cụ thể đối với nhà báo, phóng viên và những người tham dự phiên tòa trong việc ghi âm, ghi hình.

Dự thảo cần có Điều luật quy định việc xử lý những hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp. Thực tế cho thấy đôi khi phóng viên được cử đến đưa tin phiên tòa nhưng lại bị cản trở ngay từ ngoài cổng, bị ngăn cản hoạt động thu thập thông tin, dẫn đến việc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để tạo sự công bằng, giúp phóng viên, nhà báo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thì Dự thảo Pháp lệnh cũng nên có Điều khoản quy định mức phạt đối với những hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa”

* Ông Đặng Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Thông tin và Truyền thông: "Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định “cho phép bằng văn bản”

 Điều 2 Luật Báo chí quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ”.

Tuy nhiên, theo điều 31 Bộ luật Dân sự thì cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, việc sử dụng ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý. Bộ luật Hình sự 1999 có hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền dân sự của bị can, bị cáo nhưng không hạn chế hoặc tước bỏ quyền với hình ảnh.  Khoản 2 Điều 211 Bộ luật tố tụng dân sự cũng nêu: “Ngoài việc ghi biên bản phiên toà, việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên toà chỉ có thể được tiến hành khi được sự đồng ý của Hội đồng xét xử”...

Như vậy, việc đưa chế tài xử lý tại điểm e khoản 1 Điều 17 Dự thảo Pháp lệnh dựa trên cơ sở chế định hành vi đã được quy định tại các văn bản luật hiện hành. Do đó, nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Báo chí đồng thời vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, vì lợi ích chung của nhà nước, quyền và lợi ích của công dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông luôn mong muốn các cơ quan, ban ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà báo, phóng viên tác nghiệp và giúp báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Pháp lệnh cần giải trình rõ và cân nhắc việc quy định “cho phép bằng văn bản” cho phù hợp với tinh thần và nội dung cải cách hành chính, cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện.

* Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Luật Lê và Liên danh: "Quy định trên sẽ hạn chế việc công khai nội dung của phiên tòa"

Là một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm tham gia các phiên tòa xét xử, tôi nhận thấy quy định tại Dự thảo Pháp lệnh chưa phù hợp với thực tế. Bởi vì Điều 131 Hiến pháp 1992 cũng như các văn bản luật tố tụng đều quy định TAND xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định. Việc này đảm bảo cho hoạt động xét xử tại phiên tòa minh bạch và khách quan.

Tuy nhiên với quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chánh án Tòa án sẽ gây khó khăn, hạn chế trong việc công khai nội dung của phiên tòa xét xử. Trong trường hợp Chánh án không đồng ý việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa thì nội dung của phiên tòa sẽ không được công khai, phản ánh chính xác.

Luật Báo chí quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai. Việc ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Mặt khác, khi đương sự hay những người tham gia phiên tòa muốn ghi âm, ghi hình nhưng chưa kịp xin phép hoặc chưa được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Tòa án sẽ dẫn đến tình trạng họ bị hạn chế quyền được phép ghi âm, ghi hình, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của họ.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc ghi âm, ghi hình mà vẫn đảm bảo được trật tự phiên tòa, các nhà làm luật nên sửa đổi quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 18 Dự thảo Pháp lệnh theo hướng xử phạt các hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa gây mất trật tư, ảnh hưởng tới phiên tòa hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Toà án nơi giải quyết vụ án. Có như vậy, trật tự phiên tòa vẫn được đảm bảo mà quy định cũng sẽ linh hoạt và phù hợp hơn.

V.A (ghi)

Đọc thêm