Trong 96 năm qua, báo chí Việt Nam luôn đi đầu trong thông tin về những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước, đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng từ việc bám sát thực tiễn sinh động, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội.
Và không dừng lại ở phản ánh, báo chí cách mạng còn định hướng tư tưởng thông qua biểu dương những nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến để cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở, cái xấu ngày càng bị đẩy lùi.
"Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối"
Nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến không tự nhiên hình thành, mà là kết quả của quá trình lao động sáng tạo, tích tụ học hỏi không ngừng, đấu tranh quyết liệt với cái cũ kỹ, lạc hậu, với sức ỳ cố hữu, mà mỗi con người phải biết cách vượt lên để phát triển. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về nhân tố mới, điển hình tiên tiến thường diễn đạt dưới hình tượng cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ - gương “người tốt, việc tốt.”
Đó là những con người thể hiện được tính tiên tiến một cách nhất quán từ tư tưởng tiên tiến, việc làm tiên tiến đến biện pháp tiên tiến để đạt được kết quả có hiệu quả cao trong hành động. Đối lập với nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến là những người bảo thủ, trì trệ, thiếu chí tiến thủ, hẹp hòi, vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Nếu như nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến đại diện cho cái tiến bộ thì những người bảo thủ, trì trệ, thiếu chí tiến thủ lại đại diện cho cái thoái trào.
Nhiệm vụ của báo chí là liên kết quần chúng thành một khối thống nhất vững chắc mà ở đó những tấm gương điển hình tiên tiến có vai trò nêu gương để dẫn dắt, tạo ảnh hưởng lan tỏa đến bộ phận trung bình và chậm tiến để toàn xã hội cùng phát triển.
Báo chí không chỉ dừng lại ở phản ánh, mà cao hơn phản ánh là định hướng tư tưởng thông qua biểu dương những nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến để giúp mọi người nhận thấy giá trị của hành động tốt đẹp mà tiếp tục phấn đấu.
Mục tiêu của tuyên truyền trên báo chí là nhằm tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, khả năng lôi cuốn, cổ vũ thành phong trào quần chúng rộng lớn để cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở và phát triển nhiều thêm, cái xấu ngày càng bị đẩy lùi, thu hẹp và đi đến bị đào thải.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một bài viết của chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân đã nêu: phải có "tấm lòng cương trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án. Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối.”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc lấy tấm gương các anh hùng liệt sĩ, người tốt, việc tốt để tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo quần chúng nhân dân. Người cho rằng "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.”
Năm 1959, Người dùng Huy hiệu của mình để trao tặng cho người tốt, việc tốt, sử dụng báo chí để cổ vũ tấm gương người tốt, việc tốt. Mỗi khi đọc được thông tin người tốt, việc tốt trên Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam và các báo khác, Người thường ghi bằng một dòng mực đỏ bên cạnh “kiểm tra lại, thưởng huy hiệu.”
Có khoảng năm nghìn gương người tốt, việc tốt đã được Người gửi tặng huy hiệu. Tại kho lưu trữ tư liệu, Bảo tàng Hồ Chí Minh, có hơn 2.000 bài báo, mẩu tin được cắt ra từ 40 đầu báo các loại do chính tay Người sưu tầm đang được lưu trữ và bảo quản tại đây.
Không ngừng lan tỏa, nhân rộng các điển hình tiên tiến
Thực hiện đường lối của Đảng về phát huy vai trò báo chí trong phát hiện, cổ vũ các tấm gương người tốt, việc tốt, phổ biến và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, trong thời gian qua, đội ngũ nhà báo đã coi trọng việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các loại hình báo chí khác nhau.
Phóng viên Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng đang tác nghiệp tại khu vực bị phong tỏa ở Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Hầu hết các báo ở Trung ương và địa phương, báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử đều dành thời lượng hoặc xây dựng chuyên mục phản ánh ở mức độ và tần suất khác nhau để biểu dương, tôn vinh các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt việc tốt .
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các báo đã coi trọng và đẩy mạnh hơn tuyến tin người tốt việc tốt, gương điển hình tiên tiến.
Tiêu biểu là: Báo Nhân Dân có chuyên mục “Người tốt, việc tốt,” Báo Lao động có chuyên mục “Bình dị mà cao quý,” Báo Hà Nội mới với chuyên mục “Nét đẹp người Thủ đô,” Thông tấn xã Việt Nam có mục tin “Người tốt, việc tốt.”
Đài Truyền hình Việt Nam mở các chuyên mục phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như chuyên mục “Dạy nghề,” “Bạn của nhà nông.” Đài Tiếng nói Việt Nam có chuyên mục “Những bông hoa đẹp,” “Cửa sổ nhân ái”… góp phần khích lệ, nêu gương, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đặc biệt, cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức, mặc dù đã diễn ra được hơn 10 năm (phát động tháng 4/2008, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc), song số lượng, chất lượng các bài dự thi hằng năm vẫn được giữ vững và nâng cao.
Các đối tượng được phản ánh đa dạng, từ anh bộ đội đang canh giữ biên giới, hải đảo, hoặc đã về sống với đời thường, nhưng vẫn giữ đẹp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; từ một kiều bào ở Đức canh cánh trong tâm trở về tri ân đồng đội, góp sức làm giàu cho Tổ quốc, đến những “Mẹ Phụng” hết lòng dành tình thương cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ; từ chị Chư “hai giỏi ở Pá Hu,” đến ông Chủ tịch hội “có duyên” giúp người nghèo; từ thầy hiệu trưởng gần 20 năm tận tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến “Ông Chín cầu đường”; từ “Ông Mới dân vận,” đến ba thế hệ trong một gia đình tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ… - tất cả gợi lên sự xúc động sâu xa, lòng trân trọng của toàn xã hội đối với những việc làm hằng ngày, tuy bình dị nhưng sâu nặng tình người, nghĩa nước trong thời cơ chế thị trường, có lúc, có nơi cái ác tạm đẩy lùi cái thiện, cái giả và cái thật rất khó phân minh…
Qua các bài báo, những người thật, việc thật đang sống và hành động ở những đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp… trải dài khắp đất nước, người đọc được bồi đắp niềm tin yêu cuộc đời, tin yêu chế độ trên nền một bức tranh kinh tế-xã hội ngày thêm nhiều gam màu sáng, át đi những gam màu tối.
Cũng qua các bài báo viết về gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến không chỉ sáng lên phẩm chất yêu nước, thương người, cần cù, sáng tạo, khát vọng vượt khó làm giàu cho mình, cho cộng đồng và đất nước… mà còn có ý nghĩa thực tế đầy sức thuyết phục rằng, việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải điều gì cao xa, khẩu hiệu; mà trên thực tế, việc đó đang thấm sâu, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên trong các tầng lớp nhân dân, đã và đang xuất hiện, lan tỏa hàng ngàn, hàng vạn tấm gương sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Nhiều nhà báo đã nhận xét rằng, thật khó có thể hình dung được diện mạo của nền báo chí cách mạng nước ta nếu không tính đến sự góp mặt đầy hiệu quả của các tác phẩm thuộc dạng bài người tốt, việc tốt bên cạnh các thể loại báo chí khác: tin, xã luận, bình luận chuyên luận, phóng sự, điều tra...
Thật vậy, chỉ có báo chí Việt Nam mới có dạng bài người tốt, việc tốt được xem như một thể loại cùng với các thể loại báo chí khác do Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo cách mạng vĩ đại đã khai sáng và sử dụng rất thành công như một vũ khí chính trị sắc bén trong việc đấu tranh chống các thế lực thù địch, chống cái xấu, ác, khơi dậy đức tính tốt đẹp của con người trong các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.