Mới đây, việc một nhà báo bị các cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố về tội “Đưa hối lộ” đã làm dấy lên sự tranh cãi giữa nhiều luồng dư luận: Có tội hay không tội, nhập vai trọn vẹn hay cố tình phạm luật ? Giữa hai yếu tố này dường như có một ranh giới mong manh mà nếu không thận trọng, bất cứ người làm báo nào cũng có nguy cơ phạm phải...
Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. |
Đâu là giới hạn của việc nhập vai
Với sự việc của nhà báo H.K (Báo TT) hiện có hai luồng ý kiến trái ngược: Một cho rằng nhà báo thực hiện hành vi này trong quá trình tác nghiệp nhằm lấy bằng chứng chứng minh hành vi tiêu cực của một CSGT nên không vi phạm luật; số khác cho rằng nhà báo vượt quá giới hạn cho phép khi tác động trực tiếp vào sự việc, làm cho sự việc diễn ra theo "kịch bản” chuẩn bị sẵn nên đã phạm luật và cần xử lý theo quy định pháp luật.
Vấn đề này, những người ngoài cuộc cũng chỉ “đoán già, đoán non” chứ chưa ai tiếp cận được toàn bộ tài liệu chứng cứ vụ án, ngoài người tiến hành tố tụng và luật sư bào chữa. Do vậy, việc nhà báo này có tội hay không còn phải chờ phán quyết cuối cùng của tòa án dựa trên các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình tố tụng.
Tất nhiên, vụ việc này chưa hẳn là trường hợp "cá biệt" trong làng báo. Liên quan đến vấn đề tác nghiệp "nhiệt tình quá mức", không ít nhà báo đã bị kiện hoặc đứng trước nguy cơ bị kiện với nhiều lý do: Xâm phạm đời tư, phản ánh sai sự thật, sử dụng nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, hạ uy tín nhân vật... Trước đó, phóng viên L.A, trong khi thực hiện bài viết về tiêu cực liên quan đến ngành y tế đã suýt bị truy tố vì tội “Tiết lộ thông tin mật”.
Tuy nhiên, đến sự việc của nhà báo H.K thì dư luận mới "nóng lên", và các vấn đề về quyền tác nghiệp của nhà báo mới được được đặt ra một cách rốt ráo. Cụ thể, tác nghiệp mức nào là "chuẩn", đâu là giới hạn của việc "nhập vai" và làm thế nào để tác nghiệp có thể khai thác thông tin, thu thập bằng chứng mà không phạm luật? Vần đề này dư luận và các nhà báo chờ đợi những phát ngôn có tính định hướng cũng như giải quyết những bức xúc tranh cãi nói trên của các cơ quan quản lý báo chí.
Về điều này, Luật sư Nguyễn Văn Đức , Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Là một người từng làm phóng viên mảng nội chính, từng trải qua sự khó khăn, vất vả và sự nguy hiểm của nghề báo. Đối với phóng viên phụ trách mảng điều tra, phóng sự, không chỉ đòi hỏi “máu nghề” mà phải có bản lĩnh, kinh nghiệm và kiến thức pháp luật vững vàng. Người viết chỉ được chứng kiến, ghi nhận, phản ảnh sự việc một cách trung thực, chính xác mà không được gợi ý, tác động, thúc đẩy sự việc diễn ra theo ý chí chủ quan. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này, sự việc được phản ảnh trên mặt báo không còn sự thật; thậm chí dễ bị "méo mó” theo ý đồ người viết mà việc gợi ý, tác động đó có khi còn bị xem là hành vi phạm luật".
Nhà báo đơn thân chịu trận?
Một khi những sự việc như trên chưa có lời giải đáp, sau "sự cố" đình đám xảy ra cho một nhà báo "nhập vai" cho những bài báo chống tiêu cực, khiến làng báo và những người làm báo có tâm huyết, dấn thân ít nhiều hoang mang. Riêng về phía các luật sư, đã có ý kiến cho rằng, nhà báo không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra sai phạm, mà cả cơ quan chủ quản cũng phải chịu trách nhiệm liên đới hoặc trách nhiệm chính tuỳ mức độ.
Về điều này, theo Luật sư Đỗ Như Lưu, Văn phòng Luật sư 24h phân tích: "Trong trường hợp này và các trường hợp tương tự từng xảy ra trước đây đối với các nhà báo, cần xét đến vai trò của cơ quan chủ quản nhà báo. Có một “đường link” khá rõ ràng giữa cơ quan chủ quản và người viết, vì vậy không thể nói, khi đối diện với pháp luật, nhà báo đơn thân bị xử lý được.
Trường hợp này, theo Luật sư Lưu: Tốt nhất, để hợp tác với cơ quan công an và nhất là đem lại lợi ích cho nhà báo, thì nên có công văn trình bày rõ ràng sự việc, để giúp xác minh sự thật của việc tác nghiệp và nêu rõ việc tác nghiệp đó "được cơ quan cho phép" thực hiện điều tra. Ngoài ra, nên chăng, trong nhiều sự việc, để thận trọng và rõ ràng về trách nhiệm, thì trước khi dấn thân vào một sự việc mà nhà báo thực hiện, nên chăng cần có một "giấy phép con" của phía Toà soạn để tỏ rõ sự cho phép và cùng chịu trách nhiệm?".
Rõ ràng, từ một sự việc của một nhà báo, đã diễn ra khá nhiều tranh luận trái chiều. Phạm luật hay không, nếu có thì mức độ sai phạm ra sao, xử lý thế nào, đó là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ, chờ sự lên tiếng của không chỉ của cơ quan thẩm quyền mà còn nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, để dư luận và các nhà báo có một cái nhìn toàn cuộc, nắm được bản chất vấn đề.
|
Nhóm PV - CTV