Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thành lập ngày 8/2/1960 với tên gọi là Đoàn Ca múa Văn công Nhân dân thành phố Hà Nội. Khi đó, do lực lượng diễn viên còn mỏng cho nên Đoàn hoạt động theo hình thức tổng hợp gồm các loại hình nghệ thuật xiếc, kịch nói và chèo. Năm 1962, bộ phận ca múa nhạc của Đoàn được tách thành Đoàn Ca múa Hà Nội. Năm 1986, Đoàn Ca múa Hà Nội được đổi tên thành Đoàn Ca múa Thăng Long. Tháng 5/2002, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định nâng cấp Đoàn Ca múa Thăng Long thành Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Sau các tiết mục văn nghệ của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát lên phát biểu: "Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tiền thân là Đoàn Văn công nhân dân thành phố Hà Nội, Nhà hát đã phát triển vững mạnh toàn diện, trở thành Nhà hát hạng I.
ƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát lên phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Các thế hệ nghệ sĩ nhà hát đã vượt qua khó khăn, thử thách để dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình ca múa nhạc, phục vụ công chúng trong kháng chiến, sau khi đất nước thống nhất và giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay. Trong những năm qua Nhà hát đã dàn dựng được gần 3.000 chương trình nghệ thuật, biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhiều chương trình nghệ thuật đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo nên thương hiệu của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long như: "Hồ Gươm", "Hà Nội những công trình", "Trống hội Thăng Long", "Hà Nội xưa và nay", "Hà Nội, ngày... tháng... năm", "Linh thiêng Hà Nội", "Ký ức Long Thành"...
Hai nghệ sĩ gạo cội và nghệ sĩ Tấn Minh biểu diễn tiết mục đặc sắc. |
Ngoài ra, Nhà hát luôn chú trọng việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống song hành cùng phát triển với cốt lõi là văn hóa truyền thống của dân tộc được thể hiện một cách mới mẻ và có sự hội nhập quốc tế.
Nhà hát đã khẳng định được vị thế là một trong những đơn vị biểu diễn nghệ thuật xuất sắc của cả nước và thành phố, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và được khán giả cả nước yêu mến.
Nhà hát có những nghệ sĩ trẻ tài năng, đắm say với nghề như: nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Khánh Linh, Đông Hùng, Bảo Trâm… Họ đều là những nghệ sĩ có tên tuổi, có vị trí riêng trong xã hội và có khả năng kiếm tiền, nhưng họ gắn bó với Nhà hát bởi niềm đam mê, mong muốn được cống hiến, góp sức thực hiện những chương trình nghệ thuật đặc biệt.
Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đón Huân chương Lao động hạng Ba. |
NSƯT Tấn Minh cũng chia sẻ: “Khát khao lớn nhất của các nghệ sĩ là được làm nghề, có sân khấu biểu diễn thì anh chị em có thể yên tâm tận hiến. Chúng tôi là chiến sĩ văn hóa phải có trách nhiệm với đời sống tinh thần của người dân Thủ đô. Chúng tôi luôn sẵn sàng cống hiến và mong mỏi nhận được sự hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn của Nhà nước”.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho hai tập thể và bốn cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô và đất nước.
Hai tập thể và bốn cá nhân được trao bằng khen có thành tích xuất sắc đóng góp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô và đất nước. |
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội - cho hay, Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long cần nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy sự sáng tạo và đoàn kết của đội ngũ cán bộ, viên chức nhằm tiếp tục đóng góp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô. Bên cạnh đó, nhà hát cần nghiên cứu đổi mới, cập nhật các công nghệ biểu diễn trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của công chúng.
Theo ông Tô Văn Động, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cần phát triển các hoạt động xã hội hóa trên cơ sở vừa bảo đảm tính nghệ thuật vừa phù hợp với thị hiếu xã hội, nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, đồng thời, xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn để sẵn sàng tự chủ hoàn toàn.