Điều ít biết về những nét vẽ đầu tiên của phim hoạt hình Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Việt Nam, hành trình phát triển của phim hoạt hình tựa như một bức tranh sống động, rực rỡ sắc màu và đầy cảm xúc. Từ nét vẽ đầu tiên cho đến thành công rực rỡ như hiện tại, đó là công sức của biết bao thế hệ nghệ sĩ đầy đam mê, miệt mài cống hiến với bộ môn được gọi là môn nghệ thuật thứ 8.
“Đáng đời thằng Cáo” - bộ phim hoạt hình đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
“Đáng đời thằng Cáo” - bộ phim hoạt hình đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)

Điều ít biết về bộ phim hoạt hình đầu tiên

Năm 1908, thế giới chứng kiến sự ra đời của bộ phim hoạt hình đầu tiên “Fantasmagorie” và 51 năm sau (năm 1959), giữa khói lửa chiến tranh, ngành hoạt hình Việt Nam đặt những nét vẽ khởi nguồn với tác phẩm “Đáng đời thằng Cáo”. Tác phẩm thuộc thể loại đồ họa có độ dài 10 phút được nhóm họa sĩ Lê Minh Hiền, Trương Qua, Hồ Quảng của Xưởng phim Hoạt họa Việt Nam (nay là Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) thực hiện trong vài tháng cuối năm 1959. Với nét vẽ mộc mạc đầy tình cảm cùng với hình ảnh dung dị, nhẹ nhàng, tác phẩm đã khắc sâu vào lòng khán giả, tạo nên dấu ấn đặc biệt khó phai.

Là tác phẩm được chuyển thể từ câu chuyện ngụ ngôn “Con cáo và tổ ong”, “Đáng đời thằng Cáo” mang đến thông điệp sâu sắc về một tình bạn khăng khít và gắn bó. Nhờ sở hữu cốt truyện đồng thoại giản dị nhưng ý nghĩa, kịch bản có cấu trúc chặt chẽ, “Đáng đời thằng Cáo” đã mở ra một trang sử mới cho nghệ thuật nước nhà khi tiên phong sử dụng kỹ thuật vẽ tay truyền thống để kể câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa.

Chưa hết, “Đáng đời thằng Cáo” còn gây bất ngờ với những kỹ thuật làm phim hoạt hình xuất sắc so với điều kiện sản xuất thời bấy giờ. Trước năm 1959, hầu hết các nhà điện ảnh Việt Nam chưa từng tiếp xúc với quy trình vẽ phim, cũng như chưa có dây chuyền sản xuất hoạt hình hoàn chỉnh, việc hoàn thiện một bộ phim hoạt hình là thử thách không nhỏ. Đấy là chưa kể, làm phim hoạt hình đòi hỏi một sự công phu, tỉ mỉ và kiên nhẫn cực kỳ cao.

Dù vậy, “Đáng đời thằng Cáo” vẫn thể hiện được chất lượng ấn tượng, nhất là ở cách tạo chuyển động cho nhân vật. Theo đánh giá, các nhân vật trong phim gần như chuyển động liên tục trong mọi tình huống cho thấy số lượng hình vẽ để tạo ra sự mượt mà cho phim là vô cùng nhiều. Tất cả các hình vẽ trong các khung hình trong phim đều có sự nhất quán, mang đến trải nghiệm hình ảnh trọn vẹn cho người xem.

Đặc biệt, bộ phim ghi dấu ấn với cách thiết kế nhân vật đơn giản nhưng có nhiều chuyển động phức tạp. Đơn cử như Cáo sở hữu thân hình uyển chuyển, Gấu có rất nhiều chi tiết mà họa sĩ phải xử lý về mặt phối cảnh và tạo khối khi nhân vật quay đầu qua các hướng khác nhau ở tốc độ thấp; Gà có rất nhiều đường cong tương phản với đôi chân thẳng gầy, đuôi gà được tạo thành một mảng lớn mang tính tương phản so với đầu gà...

Có thể nói, bộ phim “Đáng đời thằng Cáo” ra đời đã đặt cột mốc đáng nhớ cho con đường phát triển của ngành hoạt hình Việt Nam. Nhờ vào yếu tố kỹ thuật xuất sắc và cốt truyện hấp dẫn, “Đáng đời thằng Cáo” đã giành được giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 vào năm 1973. Đây là minh chứng cho sự ghi nhận của nền điện ảnh nước nhà đối với những đóng góp của bộ phim, mở ra một chương mới cho hoạt hình Việt Nam.

Dòng chảy hoạt hình Việt Nam qua thời gian

Từ thành công của “Đáng đời thằng Cáo”, ngành hoạt hình Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và tạo ra những tác phẩm đáng chú ý. Trong bối cảnh chiến tranh, các nghệ sĩ hoạt hình vẫn kiên trì theo đuổi đam mê và nghề nghiệp, bất chấp những khó khăn, thiếu thốn, từ vật chất đến không gian làm việc. Nhờ đó, họ đã không ngừng sáng tạo, mang đến những bộ phim có dấu ấn đặc biệt, cả về chất lượng và số lượng, góp phần khẳng định sự trưởng thành của ngành hoạt hình Việt Nam.

Vào năm 1967, với lòng yêu nghề, sự quyết tâm tìm tòi, vận dụng sáng tạo, các nghệ sĩ hoạt hình Việt Nam đã sản xuất thành công bộ phim nhựa màu đầu tiên “Bài ca trên vách núi”. Tác phẩm đánh dấu bước tiến lớn đưa nền hoạt hình Việt Nam lên một dấu mốc cao mới. Ba năm sau, vào năm 1970, một siêu phẩm phim hoạt hình màu khác mang tên “Bộ xương biết múa” ra đời, với màu sắc tươi sáng và âm nhạc vui nhộn, thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả trẻ.

Cũng trong khoảng thời gian này, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn ở châu Á nói chung. Hàng loạt bộ phim hoạt hình Việt Nam đạt giải thưởng cao cả trong nước và quốc tế, điển hình như “Mèo con” giành giải Bạc tại Liên hoan phim Rumani năm 1966 và Bằng khen tại Liên hoan phim ở Đức năm 1967. Hay “Chuyện Ông Gióng” đạt giải Vàng tại Liên hoan phim Đức năm 1971 và Bằng khen tại Liên hoan phim Matxcova cùng năm.

Tiếp đó, từ năm 1976 đến 1985, đây được cho là giai đoạn phát triển quan trọng của hoạt hình Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, mặc dù vẫn còn nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh, hoạt hình Việt Nam đã có những bước khởi sắc đáng kể. Giai đoạn này nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ bởi nguồn lực dồi dào và sự chuyển giao các loại máy móc công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của ngành.

Tuy nhiên, phải đến năm 1992, ngành hoạt hình Việt Nam mới chính thức chuyển mình với một bước ngoặt lớn. “Người thợ chạm tài hoa” ra đời, trở thành bộ phim hoạt hình máy tính đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu kỷ nguyên mới từ phương pháp thủ công sang công nghệ kỹ thuật số. Được đạo diễn bởi NSND Phạm Minh Trí, bộ phim sử dụng công nghệ máy tính để tạo ra những hiệu ứng hình ảnh độc đáo, mở ra một không gian sáng tạo không giới hạn và mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của hoạt hình Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Từ năm 2001 đến 2010, sự xuất hiện của nhiều hãng phim trong và ngoài nước mang đến một làn sóng mới, làm phong phú thêm ngành hoạt hình Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù có sự “đổ bộ” của các phim hoạt hình ngoại, những tác phẩm thuần Việt như “Tít và Mít” hay “Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng” vẫn giữ được chỗ đứng vững chắc, trở thành những bộ phim kinh điển gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ và khẳng định bản sắc đặc trưng của hoạt hình Việt Nam.

“Bộ xương biết múa” - một trong những bộ phim hoạt hình màu đầu tiên. (Ảnh: Cắt từ clip)

“Bộ xương biết múa” - một trong những bộ phim hoạt hình màu đầu tiên. (Ảnh: Cắt từ clip)

Thời điểm này, ngành hoạt hình Việt Nam cũng chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ khi ứng dụng các công nghệ đồ họa vi tính 2D và 3D, dần thay thế các phương pháp truyền thống. Mặc dù các tác phẩm trong giai đoạn này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng nỗ lực bắt kịp xu hướng quốc tế và không ngừng cải tiến về hình ảnh, nội dung, kỹ thuật và công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng của ngành.

Đến tác phẩm “Dưới bóng cây” năm 2011 là một trong những bộ phim 3D nổi bật, mang đến những khung hình chân thực và sâu sắc, chạm đến trái tim người xem. Đây cũng là thời điểm hoạt hình Việt Nam ngày càng tiếp cận gần hơn với thị trường và thị hiếu của khán giả. Từ năm 2016, công nghệ 3D đã có những bước tiến vượt bậc, mở ra vô vàn cơ hội sáng tạo mới.

Năm 2019, khi bộ phim “Tàn Thể: Tiền Truyện” - một tác phẩm dành cho người lớn được ra mắt đã gây tiếng vang lớn và thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ công chúng, giới báo chí. Tác phẩm đánh dấu bước nhảy vọt về chiều sâu nội dung lẫn đồ hoạ của studio, góp mặt tại nhiều liên hoan phim lớn nhỏ khắp thế giới và giành được một số giải thưởng, bao gồm giải Phim 2D xuất sắc nhất tại Liên hoan phim hoạt hình KHEM, Hoa Kỳ.

Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu những sự kiện lịch sử quan trọng trong dòng chảy hoạt hình Việt Nam. Lần đầu tiên, hoạt hình Việt Nam ra mắt dự án phim hoạt hình dài tập “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” trên Internet và bộ phim chiếu rạp “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”, được sản xuất hoàn toàn bằng nhân lực Việt. Hai siêu phẩm này không chỉ được yêu thích trong nước mà còn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả quốc tế. Với những nét vẽ ngộ nghĩnh và nội dung giáo dục nhẹ nhàng cùng với sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại đã mang đến một tác phẩm mới mẻ về những nhân vật quen thuộc, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Vậy là, qua 66 năm phát triển, từ những ngày đầu khi hoạt hình còn là một lĩnh vực mới mẻ, đến nay, ngành hoạt hình Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hãng phim và hàng loạt tác phẩm hoạt hình chất lượng cao. Tính đến hiện tại, điện ảnh Việt Nam đã sản xuất khoảng 800 bộ phim hoạt hình, với quy mô trung bình từ 25 đến 30 phim mỗi năm, thể hiện rõ tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành. Những bước tiến vượt bậc này không chỉ cho thấy niềm đam mê và sự kiên trì bền bỉ các nghệ sĩ Việt Nam mà còn mở ra những giấc mơ và khát vọng cho việc phát triển các tác phẩm hoạt hình mang đậm bản sắc dân tộc, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.