Nhà hát Việt hợp tác với nước ngoài: Nâng tầm chất lượng nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những dự án nghệ thuật kết hợp với nước ngoài đã mang tới màu sắc mới cho sân khấu Việt Nam. Không chỉ nâng tầm chất lượng nghệ thuật, việc hợp tác này còn góp phần quảng bá văn hóa và giao lưu hợp tác quốc tế.
Một hình ảnh trong vở kịch “Bến không chồng”.
Một hình ảnh trong vở kịch “Bến không chồng”.

Màu sắc mới cho các nhà hát

Vở kịch “Bến không chồng” được dàn dựng hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc, 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở kịch do Nhà hát Kịch Việt Nam và Hiệp hội Các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) phối hợp dàn dựng hứa hẹn sẽ là một tác phẩm đặc biệt, mang đậm phong cách và truyền thống của cả hai nước.

Tác phẩm do NSƯT Xuân Bắc và ông Um Dong Youl làm Giám đốc sản xuất, NSƯT Hoàng Lâm Tùng - Kim Min Jeong đồng đạo diễn, nhạc sĩ Giáng Son và Huijea Chung đạo diễn âm nhạc. Tham gia diễn xuất là các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, dự án kịch “Bến không chồng” là dự án đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam được tiếp cận với quy trình sản xuất một chương trình sân khấu của Hàn Quốc. “Chúng tôi đã có những buổi làm việc, bàn bạc và cảm nhận được sự gắn kết, hiểu ý, cũng như sự đồng điệu trong văn hóa giữa hai quốc gia” - NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

Những buổi diễn đầu tiên của “Bến không chồng” sẽ ra mắt khán giả ngày 12 - 13/11/2022 tại Hàn Quốc, sau đó sẽ trình diễn tại Việt Nam.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2022, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nhận lời mời từ Tập đoàn Pacific Ocean Partners và Trường Đại học Australian Institute of Music – ngôi trường giảng dạy về nghệ thuật lâu đời tại Australia, xây dựng dự án nhạc kịch nổi tiếng thế giới “Alice ở xứ sở diệu kỳ” cho giới trẻ Việt Nam.

Tháng 9/2022, Nhà hát Tuổi Trẻ ra mắt công chúng yêu nghệ thuật vở kịch Hedda Gabler. Vở kịch là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Henrik Ibsen, được dàn dựng bởi đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama - một trong những đạo diễn tài năng của sân khấu Nhật Bản đương đại.

Không chỉ các nhà hát kịch, một số nhà hát chèo, tuồng cũng đã bắt tay với các dự án hợp tác quốc tế. Vở diễn tuồng hợp tác giữa Việt Nam - Singapore “Dưới bóng đa huyền thoại” với đạo diễn người Singapore - Chua Soo Pong. Nhằm đưa nghệ thuật tuồng đi xa hơn, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã mời ê kíp cộng tác uy tín và dạn dày kinh nghiệm tham gia.

Nhà hát Chèo Việt Nam đã kết hợp với đạo diễn Muller (Đức) để dàn dựng tác phẩm “Vòng phấn Kavkaz” - một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của tác giả người Đức Bertolt Brecht. Đạo diễn Muller đã dùng nghệ thuật Chèo kết hợp với tính giả định, ước lệ trong sân khấu kịch bản của Đức để dàn dựng tác phẩm này. Sau khi được trình diễn tại Việt Nam và Đức, vở diễn được đánh giá là sự giao thoa văn hóa thành công.

Quảng bá văn hóa Việt

Những vở kịch, vở chèo, tuồng có yếu tố “ngoại” sẽ mang tới màu sắc mới, hơi thở mới cho sân khấu Việt Nam. Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm, giao lưu văn hóa giữa hai bên khi hợp tác với các dự án nước ngoài, các nhà hát Việt được hỗ trợ thêm về phương tiện kỹ thuật âm thanh, ánh sáng. Đặc biệt, các tác phẩm nghệ thuật cũng được giới thiệu tại sân khấu nước ngoài.

Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho biết: “Vở kịch Hedda Gabler của Nhà hát Tuổi Trẻ được thực hiện theo quy chuẩn sân khấu Nhật Bản từ khâu tuyển chọn diễn viên, phân tích cảm thụ tác phẩm, chăm chút tỉ mỉ từng hành động, lời thoại, nét mặt, cảm xúc nhân vật, kết hợp với nhiệt huyết, sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân nhằm thể hiện những mâu thuẫn tâm lý vô cùng phức tạp của các tuyến nhân vật.

Vở diễn được đầu tư một cách bài bản từ thiết kế mỹ thuật sân khấu, phục trang, âm nhạc, ánh sáng… Đặc biệt, sân khấu được thiết kế rất độc đáo hình tròn, dốc nghiêng. Các nghệ sĩ biểu diễn không sử dụng micro như thông thường, qua đó, khán giả có thể thấy hết chất giọng và nội lực của các diễn viên. Bên cạnh đó, khán giả nước ngoài cũng có thể hiểu được nội dung vở kịch, thông qua phần phụ đề tiếng Anh được biên tập kỹ lưỡng”.

NSƯT Xuân Bắc cho hay, bên cạnh việc dàn dựng những tác phẩm sân khấu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chuyển tải nội dung, thông điệp cũng như đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nhà hát Kịch Việt Nam còn có vai trò, vị trí rất lớn trong việc quảng bá văn hóa cũng như giao lưu hợp tác quốc tế. Chính vì thế, Nhà hát luôn nỗ lực phối hợp với các đơn vị quốc tế để thực hiện các tác phẩm sân khấu có chất lượng, góp phần lan tỏa, giới thiệu với bạn bè năm châu về văn hóa Việt Nam.