Nhà hoạt động trẻ thúc đẩy bình đẳng giới

(PLVN) - Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự am hiểu sâu sắc về bình đẳng giới, Mai Quỳnh Anh - Quản lý chương trình tại TUVA Communication (Tù Và) đang góp phần tạo nên những thay đổi tích cực cho xã hội.
Chị Mai Quỳnh Anh, Quản lý chương trình tại TUVA Communication

Trong cuộc phỏng vấn với Báo Pháp luật Việt Nam, chị Mai Quỳnh Anh, Quản lý chương trình tại TUVA Communication, đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về hành trình thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Chị nhấn mạnh tầm quan trọng của Cương lĩnh Bắc Kinh như một "kim chỉ nam" cho các hoạt động của mình, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những thách thức như định kiến xã hội và tranh luận tiêu cực trên mạng xã hội. Chị cũng chia sẻ về những sáng kiến của TUVA Communication, đặc biệt là dự án "Nhà Nhiều Cột", nhằm nâng cao nhận thức và tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng. Với niềm tin vào sức mạnh của giới trẻ và sự đầu tư vào giáo dục, chị Quỳnh Anh hy vọng vào một tương lai bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.

- Tuyên bố Bắc Kinh đã ảnh hưởng như thế nào đến công việc của bạn với tư cách là một nhà hoạt động bình đẳng giới?

- Mai Quỳnh Anh: Cương lĩnh Bắc Kinh có tầm nhìn rất toàn diện khi xác định rõ 12 lĩnh vực ưu tiên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, từ giáo dục, y tế, sự tham gia chính trị, đến kinh tế và môi trường.

Cương lĩnh đã mở ra cái nhìn tổng quát về những vấn đề mà phụ nữ trên toàn thế giới đang phải đối mặt, qua đó giúp chúng tôi hiểu rõ những thách thức và cơ hội để xây dựng một xã hội bình đẳng hơn cho tất cả mọi giới. Điều này giúp tôi định hình thông điệp truyền thông cho các dự án mà tôi đang đảm nhiệm.

Với sự đa dạng và phức tạp của các lĩnh vực trong Cương lĩnh, mỗi sản phẩm truyền thông của tôi luôn được thiết kế sao cho truyền tải được sự phong phú và đa chiều trong vấn đề bình đẳng giới. Các chiến dịch của TUVA Communication, như Nhà Nhiều Cột, không chỉ đề cập đến định kiến xã hội mà còn lồng ghép các góc nhìn về quyền lợi, sự tham gia và bình đẳng cơ hội, tạo nên sự kết nối sâu sắc và lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.

- Bạn đã gặp phải những thách thức cụ thể nào khi giải quyết các bất bình đẳng giới còn tồn tại ở Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sức khỏe phụ nữ, sự tham gia chính trị, và giáo dục?

- Mai Quỳnh Anh: Một thách thức nổi bật là nhận thức về bình đẳng giới còn chưa chính xác hoặc hạn chế, dẫn đến sự chia rẽ và hiểu nhầm trong cộng đồng. Nhiều người vẫn có những quan niệm sai lệch, coi bình đẳng giới là vấn đề riêng của phụ nữ hoặc nghĩ rằng đây là một ý tưởng “phương Tây hoá”.

Thực chất bất bình đẳng giới xảy ra với mọi giới, do đó giải quyết bất bình đẳng giới sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Đó hoàn toàn không phải là chuyện nam giới sẽ mất đi quyền lợi nếu thúc đẩy bình đẳng giới hay nữ quyền.

Ngoài ra, khi truyền tải thông điệp bình đẳng trên mạng xã hội, chúng tôi cũng gặp khó khăn vì đặc tính ẩn danh của nền tảng này dễ dẫn đến tranh luận tiêu cực và công kích cá nhân, đôi khi làm trầm trọng sự chia tách của cộng động đối với vấn đề giới.

Với dự án thúc đẩy bình đẳng giới Nhà Nhiều Cột, chúng tôi luôn nỗ lực để đưa ra các kiến thức chuyên môn nhằm giúp người đọc có nền tảng để suy tư về vấn đề, đồng thời, xây dựng một môi trường thảo luận lành mạnh và mang tính xây dựng.

- Bạn có thể chia sẻ ví dụ về các sáng kiến hoặc hành động thành công mà bạn đã tham gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam không?

- Mai Quỳnh Anh: Nhà Nhiều Cột là một sáng kiến điển hình trong hành trình thúc đẩy bình đẳng giới của tôi. Dự án này khai thác câu chuyện về giới từ góc nhìn của các bạn trẻ, làm cho chủ đề trở nên gần gũi và dễ tiếp cận. Dự án đã đạt được những thành công nhất định khi không chỉ mở ra các cuộc đối thoại tích cực mà còn thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác và thảo luận trên mạng xã hội, góp phần thay đổi nhận thức về giới trong cộng đồng.

Thêm vào đó, chúng tôi còn sử dụng các công cụ như Social Listening và AI để lắng nghe và đo lường tác động của dự án, giúp chúng tôi nắm bắt được cách cộng đồng nhìn nhận và phản hồi về các nội dung truyền thông, từ đó điều chỉnh và cải thiện chiến lược hiệu quả hơn.

- Trong số 12 lĩnh vực trọng tâm, bạn cảm thấy lĩnh vực nào là cấp thiết nhất mà Việt Nam cần ưu tiên trong thập kỷ tới?

- Mai Quỳnh Anh: Trong bối cảnh phát triển hiện nay, tôi cho rằng sự tham gia chính trị của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới thông qua giáo dục là hai lĩnh vực cần được ưu tiên.

Sự tham gia chính trị của phụ nữ là điều kiện tiên quyết để họ có thể tự mình quyết định và thay đổi các chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi và vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Đồng thời, giáo dục là nền tảng giúp phụ nữ và nam giới có cơ hội phát triển công bằng và không bị giới hạn bởi định kiến.

Đầu tư vào hai lĩnh vực này sẽ là bước tiến quan trọng, giúp chúng ta xây dựng một xã hội mà mọi người đều có thể cống hiến và phát triển một cách bình đẳng.

- Giới trẻ và các phong trào từ cơ sở đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, và bạn nhìn thấy tương lai của các phong trào bình đẳng giới tại Việt Nam ra sao?

- Mai Quỳnh Anh: Giới trẻ có sức mạnh đặc biệt trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nhờ sự cởi mở, tinh thần ham học hỏi. Các bạn trẻ không ngần ngại đặt câu hỏi và sẵn sàng thử thách những định kiến xã hội tồn tại lâu đời. Họ cũng nhanh chóng tiếp cận với những quan điểm mới, đặc biệt là các giá trị về bình đẳng và công bằng, điều này giúp tạo ra sự thay đổi từ sâu bên trong cộng đồng.

Các hoạt động từ cộng đồng là nơi để giới trẻ thể hiện tiếng nói, trao đổi ý kiến và hành động để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới. Tôi tin rằng, với những đặc điểm này, giới trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục là động lực lớn giúp đẩy mạnh phong trào bình đẳng giới trong tương lai, và phong trào này sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn nữa và tạo ra các thay đổi thực chất và bền vững trong xã hội.

- Điều gì đã truyền cảm hứng cho bạn tham gia hoạt động về bình đẳng giới và điều gì giữ cho bạn luôn nhiệt huyết trong lĩnh vực đầy thách thức này?

- Mai Quỳnh Anh: Động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình thúc đẩy bình đẳng giới đôi khi đến từ những việc rất nhỏ. Đó có thể là một lời nhắn gửi động viên, một lời cảm ơn từ những người tin tưởng vào dự án hay một phản hồi chỉ ra các cách làm tốt hơn.

Mỗi khi thấy những phản hồi tích cực, thậm chí cả tiêu cực, hay thấy được những đồng nghiệp, những tổ chức, đối tác cùng trăn trở với chúng tôi về việc thúc đẩy bình đẳng giới, tôi cảm thấy công việc này thực sự có ý nghĩa, và chúng tôi không đơn độc trên hành trình này.

Nhưng điều khiến tôi xúc động nhất chính chúng tôi, những người làm dự án, cũng đã thay đổi qua từng ngày – từ những kiến thức học được, chúng tôi dần dần chuyển hóa tư duy, hành động trong gia đình và nơi làm việc. Sự thay đổi ấy không chỉ là kết quả của công việc mà còn là một hành trình thay đổi bản thân, và điều đó giữ cho tôi luôn nhiệt huyết và đam mê với lĩnh vực này.

Tôi tin rằng, chúng tôi đang làm công việc trước hết là tốt cho chính mình, từ đó, góp một phần nhỏ vào tiến trình thay đổi của các cá nhân bên cạnh. Như một chiếc mạng nhện chằng chịt , mỗi một móc nối vững chắc sẽ tạo ra một mạng lưới bền vững.

Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.

Đọc thêm