Nhà nước sẽ bỏ tiền để 'siêu' Ủy ban quản lý, kinh doanh vốn nhà nước

(PLO) - Là một tổ chức đặc biệt của Chính phủ, vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa là một cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhiệm vụ quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo chi phí thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNNTDN), bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên…
Thay vì các bộ, UBND quản lý vốn nhà nước tại DN, UBQLVNNTDN sẽ đảm nhận trách nhiệm này. (Ảnh minh họa)
Thay vì các bộ, UBND quản lý vốn nhà nước tại DN, UBQLVNNTDN sẽ đảm nhận trách nhiệm này. (Ảnh minh họa)

Thông tin từ Bộ KH&ĐT cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết  01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của UBQLVNNTDN.

Nghị định được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều148 Luật Ban hành văn bản QPPL. Dự thảo Nghị định quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ có tên gọi “UBQLVNNTDN”. Trong đó, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban bao gồm cả các nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác và với DN có vốn nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 13 điều. Trong đó, Chương I: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; Chương II: Nhiệm vụ, quyền hạn đối với DN nhà nước và vốn nhà nước tại DN; Chương III: Giám sát và quản lý nhà nước đối với Ủy ban; Chương IV: Điều khoản thi hành quy định về đối tượng DN chuyển giao.

Để giúp Chính phủ thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN trong bối cảnh Luật Tổ chức Chính phủ không còn quy định các bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, cần thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu dưới hình thức cơ quan thuộc Chính phủ. Dự thảo quy định: Chính phủ thành lập UBQLVNNTDN, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban có chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại DN theo phân công của Chính phủ phù hợp với quy định tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13) và pháp luật có liên quan.

Theo dự thảo Nghị định, UBQLVNNTDN có 02 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn. Một là, với tư cách một cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị định 10/2016/NĐ-CP về cơ quan thuộc Chính phủ. Hai là, với tư cách một cơ quan đại diện chủ sở hữu của Luật số 69/2014/QH13, Ủy ban có các nhiệm vụ, quyền hạn tham gia giúp Chính phủ thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quy định tại Điều 40 Luật số 69/2014/QH13, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quy định tại Điều 41 Luật số 69/2014/QH13. Trực tiếp thực hiện các quyền và trách nhiệm đối với DN nhà nước và vốn nhà nước tại DN quy định tại Điều 42 và 43 Luật số 69/2014/QH13.

Về nhiệm vụ và quyền hạn đối với DN nhà nước và vốn nhà nước tại DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, trên cơ sở quy định của Luật DN, Luật số 69/2014/QH13, Dự thảo quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của Ủy ban trên các mặt: Thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản DN; Điều lệ, vốn điều lệ; Chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của DN; Quản lý cán bộ, lao động, tiền lương của DN; Đầu tư, tài chính; Giám sát và đánh giá DN và người quản lý DN.

Về nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của Ủy ban về quản lý tài chính, tài sản, theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, Ủy ban là một tổ chức đặc biệt của Chính phủ, vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa là một cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhiệm vụ quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Vì vậy, để Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ đặc thù được giao, Dự thảo kiến nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tài chính của Ủy ban theo nguyên tắc: Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Nguồn chi ngân sách nhà nước được cân đối trong khoản thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hoá, sắp xếp, thoái vốn nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh chế độ tiền lương theo quy định, cơ quan chuyên trách có phần thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả quản lý vốn nhà nước và năng suất lao động của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu…

Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết về việc Giám sát hoạt động của Ủy ban; Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban trong mối quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ; Chuyển giao DN từ các bộ, UBND cấp tỉnh. Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ vào quý I/2018.

Theo dự thảo Nghị định, việc thành lập UBQLVNNTDN với vai trò là cơ quan chuyên trách thực hiện các quyền, trách nhiệm của “cơ quan đại diện chủ sở hữu” quy định tại Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết, có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Trong đó, khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay. Đồng thời, góp phần tạo điều kiện cho các bộ, UBND làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.  

Đọc thêm