Nhà thầu có bị loại khi bị đánh giá về uy tín hay không?

(PLVN) - Uy tín của nhà thầu cũng là phần năng lực kinh nghiệm rất quan trọng để tham dự thầu, uy tín của nhà thầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tham dự thầu, giá trị bảo đảm dự thầu. Nếu một nhà thầu bị đánh giá không uy tín, chủ đầu tư sẽ đăng tải thông tin lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, khiến nhà thầu khó khăn khi tham gia các dự án đấu thầu.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, trong các văn bản của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn khác không có nội dung nào quy định về việc nhà thầu bị đánh giá uy tín sẽ bị loại. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Theo đó, khi nhà thầu có một trong các hành vi vi phạm dẫn đến việc bị đánh giá về uy tín, nhà thầu sẽ bị chủ đầu tư đăng tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Khi đó, nếu nhà thầu tham dự thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu với giá trị gấp 03 lần giá trị yêu cầu đối với nhà thầu khác trong thời hạn 02 năm kể từ lần gần nhất nhà thầu bị đánh giá về uy tín. Như vậy là đồng nghĩa với việc phải bỏ ra nhiều tiền hơn để tham gia các dự án đấu thầu.

Khái niệm uy tín của nhà thầu được đưa vào Luật Đấu thầu 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP và bổ sung bởi Nghị định 17/2025/NĐ-CP. Uy tín của nhà thầu là khi bị đánh giá về uy tín nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất khi được mời vào đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng (nếu có);

Nhà thầu đã đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng (nếu có) nhưng từ chối hoặc không ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

Nhà thầu được lựa chọn trúng thầu nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung hoặc không ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung;

Nhà thầu đã ký thỏa thuận khung nhưng không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng hoặc không ký kết hợp đồng.

Nhà thầu rút hồ sơ dự thầu, hồ sơ yêu cầu sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

Nhà thầu không nộp bản gốc bảo đảm dự thầu theo yêu cầu của chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc không nộp tiền mặt, séc bảo chi, thư bảo lãnh dự thầu hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

Nhà thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng;

Nhà thầu từ chối hoặc không xác nhận về việc chấp thuận được trao hợp đồng trong thời gian tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày bên mời thầu mời nhà thầu xác nhận về việc chấp thuận được trao hợp đồng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với chào giá trực tuyến rút gọn.

Ngoài ra cũng cần lưu ý và phải loại trừ trường hợp nhà thầu đồng thời được xếp thứ nhất ở nhiều gói thầu hoặc do bất khả kháng hay nhà thầu được quyền từ chối thương thảo và được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu trong trường hợp bên mời thầu, chủ đầu tư không tiến hành thương thảo theo nguyên tắc và nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP (Tuân thủ các nội dung thương thảo hợp đồng).

Trường hợp nhà thầu bị hủy thầu do không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật không phải là quy định về uy tín của nhà thầu.

Để tra cứu, xác định uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu các đơn vị có thể thực hiện tra cứu ngay trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cụ thể như sau:

- Đăng nhập vào website: https://muasamcong.mpi.gov.vn/

Tại Trang chủ > Tra cứu > Tổ chức, cá nhân vi phạm > Danh sách nhà thầu không đảm bảo uy tín khi tham dự thầu.

Tại Trang chủ > Tra cứu > Tổ chức, cá nhân vi phạm > Danh sách tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm khác.