Nhà thầu 'méo mặt' vì thép tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đất nền, cát sỏi, xi măng, xăng dầu… đang ở mức giá cao, nay lại thêm giá thép xây dựng vào chu kỳ tăng giá - khiến nhiều nhà thầu xây dựng lao đao.
Nhà thầu xây dựng giao thông, dân dụng cho biết, giá thép cao, doanh nghiệp càng làm càng lỗ
Nhà thầu xây dựng giao thông, dân dụng cho biết, giá thép cao, doanh nghiệp càng làm càng lỗ

Tại sao thép tăng?

Giá thép xây dựng hiện nay đang dao động ở mức từ 17.000 đồng - 19.000 đồng/kg tuỳ loại. Đây là mức cao vì năm 2020, thời điểm cao nhất giá mặt hàng này chỉ khoảng 13.500 đồng/kg.

Theo ông Vương Quốc Vinh - Giám đốc Công ty CP Kim khí Thành Vinh (Hà Nội), thông thường, tại Việt Nam, mỗi năm giá thép xây dựng lên cao ở hai thời điểm: Dịp sau Tết Nguyên đán (khoảng tháng 3 - tháng 6); Và sau thời gian tháng 7 âm lịch - tháng “cô hồn” nhiều đơn vị tư nhân hạn chế xây dựng, khởi công mới (khoảng tháng 8 - tháng 9)

Như vậy, hiện nay đang là giữa tháng 3, bắt đầu thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng.

Một số nguyên nhân khác cũng được các chuyên gia giải thích cho việc giá thép đang lên như hiện nay. Theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Việc huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022. Cũng từ đó, giá mặt hàng thép xây dựng được đẩy lên.

Ngoài ra, thời gian qua giá nguyên liệu từ quặng sắt, than coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ở Trung Quốc và khu vực ASEAN) đã khiến giá phôi tăng mạnh, kéo theo giá thép thành phẩm trong nước tăng cao. Chẳng hạn, giá phôi thép giao dịch cảng Đông Nam Á tăng 39 - 40 USD/tấn lên mức 660 USD/tấn vào cuối tháng 1 thì đến cuối tháng 2 tiếp tục tăng lên khoảng 720 USD. Còn giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 555 USD/tấn, tăng 40 - 45 USD/tấn so tháng 1, thậm chí còn cao hơn mức giá của 1 năm trước.

Theo dự báo, nguồn nguyên liệu sản xuất thép trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu, trong khi chi phí vận tải tăng do cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng nên thời gian tới giá thép sẽ còn lên cao.

Như vậy, có thể thấy, giá thép xây dựng cũng như nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, sỏi, xi xăng, đất đắp… sẽ còn tăng trong thời gian tới. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng.

“Các nhà thầu giao thông vừa làm vừa lo. Không làm thì không có việc mà làm thì sợ lỗ”, ông Phạm Văn Khôi - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành chia sẻ.

Cần công cụ vĩ mô kiềm chế giá

Ông Nguyễn Hữu Tới - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex, đơn vị này đang thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, thời điểm ký hợp đồng gói thầu số 4 của dự án này, giá thép chỉ 11.531 đồng/kg, nhưng nay phải mua với giá gần 20.000 đồng/kg. Tại một số gói thầu khác của dự án, dù thời gian ký hợp đồng khác nhau nhưng nay giá thép xây dựng cũng tăng tương tự.

Theo ông Tới, tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Vinaconex đảm nhận giá trị hợp đồng hơn 2.080 tỷ đồng, tổng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng so với giá trị hợp đồng hiện đã khoảng 403 tỷ đồng. Gói thầu số 3 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây giá trị trúng thầu là 2.146 tỷ đồng, biến động giá hiện tại đã khiến chi phí chênh lệch so với hợp đồng 675 tỷ đồng.

Chi phí phát sinh lớn nhưng theo Phó Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Hữu Tới, việc công bố giá và chỉ số giá của địa phương hiện chưa sát với thực tế. Đơn cử, dự án Phan Thiết - Dầu Giây, hồi cuối tuần trước, giá thép là 19.100 đồng/kg nhưng giá công bố của địa phương là 18.336 đồng/kg; giá mua vật liệu đất 158.175 đồng/m3, trong khi giá công bố của địa phương là 105.000 đồng/m3….

Không chỉ DN xây dựng giao thông “méo mặt”, theo tìm hiểu của PLVN, nhà thầu xây dựng công trình dân dụng, bất động sản và những công trình xây dựng khác cũng đang cùng nỗi lo.

Một DN xây dựng ở Lạng Sơn cho biết, đơn vị của ông thường tham gia xây dựng các dự án nông thôn mới như sửa chữa hoặc xây mới trường học, nhà văn hoá... ở các huyện. Do đây là những công trình có tổng mức đầu tư nhỏ, hợp đồng là hợp đồng cố định chứ không phải hợp đồng điều chỉnh theo đơn giá. Bởi vậy, việc giá vật liệu, đặc biệt là thép xây dựng tăng cao đang khiến những DN như ông lo lắng.

Trước việc tăng giá thép xây dựng như hiện nay, nhiều DN kiến nghị, các Bộ liên quan như Xây dựng, Tài chính… cần mạnh tay sử dụng những công cụ vĩ mô để kiềm chế giá.

Đọc thêm