Tại hội thảo “Những khó khăn của nhà thầu về quy định mới trong hợp đồng lao động (chính thức và thời vụ)” do Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, chi nhánh phía Nam (S.VACC) tổ chức ngày 19/10/2018, tại Tp. Hồ Chí Minh, tất cả các nhà thầu hội viên tham gia đều than phiền về quy định nói trên.
Đại diện công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 14 cho biết mỗi năm công ty đón tiếp khoảng 4-5 đoàn thanh tra. Với đoàn nào thì cũng vướng vấn đề lao động. Lý do là người lao động (NLĐ) làm thời vụ, muốn được hưởng nguyên lương chứ không muốn hưởng trợ cấp.
“Nông dân ở quê tranh thủ những ngày nông nhàn lên thành phố làm công nhân xây dựng. Hết hai tháng nông nhàn thì họ lại trở về với đồng ruộng. Hai tháng thì trợ cấp chỉ được 800 nghìn đồng mà thủ tục thì rườm rà. Rốt cuộc là họ cũng không thể ở lại để chờ được hưởng trợ cấp.”.
Theo quy định tại Luật BHXH 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ)có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Mà muốn được tham gia BHXH thì phải ký kết HĐLĐ.
Trong không ít trường hợp, công ty nhận thầu thi công ở xa thì phải thuê mướn khá nhiều công nhân thời vụ tại địa phương. Đại diện công ty CP S.A.E cho biết chi phí quỹ lương dành cho nhân công thời vụ này chiếm đến 80 – 85% của tổng chi phí nhân công.
Đại diện CC1 phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Đại diện Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cho biết giấy tờ tùy thân của NLĐ thời vụ chỉ có CMND/CCCD chứ ít ai đem cả giấy khai sinh. Điều này khiến cho việc làm thủ tục tham gia BH cũng gặp không ít khó khăn. Và để thực hiện thủ tục BH với tần số khá cao cho đối tượng công nhân này thì phải bổ sung thêm lao động gián tiếp nên chi phí hoạt động của doanh nghiệp lại phát sinh. “Rốt cuộc thì doanh nghiệp không có lợi, NLĐ không có lợi.”, vị đại diện này cho biết.
Kết thúc hội thảo, S.VACC mong muốn được tạm dừng và tiến tới sửa đổi, không thực hiện quy định “người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng” cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đại diện S.VACC cho biết sẽ có kiến nghị lên Cơ quan quan Nhà nước có thẩm quyền về nội dung này.