Chưa xử phạt hành vi bán khẩu trang giá cao
Báo PLVN ngày 6/2 đăng tải bài viết “Cần Thơ vẫn còn nhà thuốc “hét” giá khẩu trang cao gấp 4-5 lần” phản ánh việc Nhà thuốc Trung Toàn và Nhà thuốc Toàn Thắng (Quận Ô Môn, TP Cần Thơ) lợi dụng thời điểm người dân cần khẩu trang y tế để phòng dịch bán giá cao gấp 4-5 lần.
Sau khi báo đưa tin, ngành chức năng TP Cần Thơ đã liên hệ nhờ cung cấp video clip làm bằng chứng để tiến hành xử lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hình thức xử phạt nghiêm đối với 2 nhà thuốc này.
Theo đánh giá của ngành chức năng TP Cần Thơ, “muốn xử lý được phải hội đủ các điều kiện”. Vì hiện tại chưa đủ điều kiện để xử lý nên chỉ nhắc nhở, yêu cầu cam kết và lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) sẽ theo dõi nếu phát hiện vi phạm thì xử lý.
|
Nhà thuốc Trung Toàn bán khẩu trang với giá 150.000đ/hộp |
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Phú Trường Giang, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, khi kiểm tra (nhà thuốc Toàn Thắng - PV) chỉ phát hiện khẩu trang chưa niêm yết giá và bán lẻ một người không quá 10 cái nên nhắc nhở, tuyên truyền, không xử phạt.
Về việc xử lý 2 nhà thuốc sau khi được cung cấp chứng cứ, ông Giang cho rằng: “Clip quay không đủ khẳng định giá cao. Phải xem giá đầu vào và giá đầu ra mới đánh giá được giá cao hay giá thấp. Không đánh giá được đầu vào thì đâu đánh giá được đầu ra cao hay thấp. Phải có chứng cứ rõ ràng, nếu không có chứng cứ mà phạt người ta thì người ta "thưa lại" Thanh tra”.
Không những thế, theo Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ, Thanh tra không có thẩm quyền xử phạt mà thẩm quyền thuộc QLTT theo Nghị định 109 của Chính phủ. “Những trường hợp có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng thì đề nghị lập biên bản và đề nghị xem xét rút giấy phép hoạt động. Đó là thẩm quyền của thanh tra. Còn thẩm quyền xử phạt là của QLTT”, ông Giang nhấn mạnh.
Không có hàng hóa, tang vật nên khó định lượng để xử lý
Ở góc độ QLTT, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Cần Thơ cho biết, sau khi báo đưa tin, ngày 7/2 lực lượng đã phối hợp kiểm tra Nhà thuốc Toàn Thắng. Tại đây, hộ kinh doanh không còn khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn.
Nói về hướng xử lý, ông Hiền cho rằng, đến thời điểm hiện nay tang vật theo báo nói không còn và khi xử lý cần phải căn cứ theo Nghị định 109 và Nghị định 185 của Chính phủ. “Nói chung phải chứng minh được họ giá mua và bán bất hợp lý nhưng để chứng minh thì rất khó. Họ nói thời điểm này hàng hóa khan hiếm, ai có vài hộp họ mua góp phần giúp bà con có khẩu trang đeo phòng bệnh và họ không nhận thức được đó là vi phạm pháp luật”, ông Hiền lý giải.
|
Nhà thuốc Toàn Thắng “hét” giá tới 200.000đ/hộp khẩu trang. (Hình cắt ra từ video clip) |
Đồng thời, cũng không thể áp dụng theo điều 46-47 Nghị định 185 vì theo quy định, số hàng hóa tăng giá bán bất hợp lý để thu lợi bất chính phải có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì mới có dấu hiệu vi phạm, mới áp dụng chế tài được. Như vậy, khi kiểm tra các nhà thuốc không có hàng hóa, tang vật nên cũng khó định lượng. “Cục QLTT sẽ chỉ đạo tiếp tục kiểm tra toàn diện để xác minh hành vi vi phạm”, ông Hiền khẳng định.
Như PLVN đã đăng tải đoạn video clip mà PV ghi nhận là nhà thuốc Toàn Thắng (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) bán khẩu trang với giá 200.000 đồng/hộp. Nhà thuốc lý giải: “Vì mình mua của người này người kia lại chứ công ty không còn. Người này đi gom bán lại thì mình thấy mình bán cho bà con thôi chứ mua nhiều cũng không có, người chừng 1 hộp, 2 hộp”.
Khi một phụ nữ mua thuốc thắc mắc: “Bộ Y tế nói là các nhà thuốc không được nâng giá bán khẩu trang y tế. Trước đây có 40.000 – 50.000đ/hộp bây giờ làm gì lên tới giá 200.000đ/hộp”. Chị bán hàng liền phản ứng: “Cưng kêu công ty nó sản xuất ra đó cưng mua. Bây giờ mấy công ty trách nhiệm hữu hạn đó em mua thử coi có không, không có luôn”. Tương tự nhà thuốc Trung Toàn cũng bán khẩu trang với giá 150.000đ/ hộp.
Nhiều tỉnh, thành xử phạt hành vi tăng giá khẩu trang
Mới đây, các đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Y tế đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra đột xuất 8 cơ sở trên địa bàn và phát hiện 5 cơ sở vi phạm. Trong đó, Nhà thuốc Trung Nguyên 2 (phường 3, quận Gò Vấp) lưu giữ hơn 1.500 khẩu trang các loại nhưng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua vào với tổng giá trị bán ra theo niêm yết là 29.200.00 đồng.
Theo đó, Đoàn đã chuyển Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xem xét và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Tại Thừa Thiên Huế, người dân phản ánh Công ty TNHH Dược phẩm Hồng Lan bán khẩu trang y tế giá 160.000-200.000 đồng/hộp, lực lượng QLTT đã làm việc và phạt Cty này 50 triệu đồng. Tại Nghệ An, nhà thuốc Nga Thắng (huyện Diễn Châu) cũng bị phạt 30 triệu đồng về hành vi bán khẩu trang cao hơn giá bình thường gấp nhiều lần. Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thùy Tiên bị Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk xử phạt 50 triệu đồng vì tăng giá bán khẩu trang y tế gấp 3 lần trong mùa dịch.
Theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Quản lý thị trường, từ ngày 31/1 - 11/2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 3.828 vụ việc vi phạm. Theo đánh giá, tình trạng găm hàng, bán hàng không hóa dơn chứng từ vẫn còn diễn ra tại nhiều nơi, chủ yếu tập trung các thành phố lớn.