"Không lực Một" thường được dùng để chỉ những chiếc chuyên cơ được thiết kế riêng, giúp duy trì khả năng chỉ huy trong mọi thời điểm và thể hiện uy quyền của tổng thống Mỹ.
Trước năm 1943, các tổng thống Mỹ thường sử dụng máy bay dân dụng của các hãng hàng không để di chuyển. Tuy nhiên, lo ngại về việc phải phụ thuộc vào các hãng hàng không, quân đội Mỹ đề xuất hoán cải một chiếc C-87 Liberator Express để làm chuyên cơ phục vụ riêng Tổng tư lệnh. Tuy nhiên, mật vụ Mỹ bác bỏ phương án trên vì độ an toàn thấp của nó.
Sau đó, một phi cơ C-54C Skymaster được chọn để hoán cải làm chuyên cơ và đặt tên là Sacred Cow (Bò Thiêng). Nó đã chở Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt tới hội nghị Yalta tháng 2/1945, trở thành chuyên cơ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Tuy nhiên, Roosevelt chỉ được sử dụng nó đúng một lần trước khi qua đời. Chiếc Sacred Cow tiếp tục phục vụ tổng thống Harry S. Truman trong hai năm, trước khi ông chuyển sang sử dụng một máy bay C-118 Liftmaster.
Định danh "Không lực Một" (Air Force One) được đưa ra sau sự cố năm 1953. Chiếc C-121 Constellations mang mã hiệu 8610 chở tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower bay vào cùng không phận với một máy bay dân dụng có cùng mã hiệu của hãng hàng không Eastern Airlines, gây nhầm lẫn cho kiểm soát không lưu.
Kể từ đó, Không lực Một là định danh chính thức được sử dụng để gọi bất kỳ máy bay nào chở Tổng thống Mỹ, nhằm tránh nhầm lẫn với các phi cơ khác.
Ngày 11/9/2001, khi vụ khủng bố gây chấn động toàn cầu xảy ra trên nước Mỹ, tổng thống Bush lúc đó được bảo đảm an toàn bằng cách ngồi trên chuyên cơ và di chuyển qua lại giữa nhiều căn cứ không quân khác nhau để không trở thành mục tiêu tấn công. Hệ thống thông tin liên lạc chậm chạp trên máy bay khiến ông thất vọng. Tổng thống Mỹ sau đó ra lệnh đưa phi cơ Không lực Một vào xưởng để nâng cấp.
Không lực Một của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay là mẫu VC-25A, phiên bản đặc biệt được phát triển từ máy bay chở khách Boeing 747-200B và biên chế vào năm 1990. Boeing chỉ sản xuất hai chiếc VC-25A mang số đuôi 28000 và 29000, mỗi phi cơ có giá lên tới 325 triệu USD. Chúng nằm trong biên chế Không đoàn vận tải số 89, đóng tại căn cứ Andrews, bang Maryland, Mỹ.
Tương tự bản Boeing 747 nguyên gốc, VC-25A có hai tầng chính với tổng diện tích mặt sàn khoảng 370 m2, bao gồm phòng họp, phòng làm việc, phòng y tế và các thiết bị tiên tiến nhất để Tổng thống Mỹ làm việc trong chuyến bay. Với các trang bị này, chuyên cơ Không lực Một còn được nhiều người ví như "Nhà Trắng bay" của Tổng thống Mỹ.
Máy bay còn có phòng dành riêng cho cố vấn cao cấp, mật vụ, phóng viên và khách mời đi cùng tổng thống. Dưới bụng máy bay là khoang chở hàng, dùng để chứa hành lý và thực phẩm cho chuyến bay.
Mỗi chiếc VC-25A có ba cửa ra vào, hai cửa trên khoang chính và một cửa cho khoang hàng. Tổng thống Mỹ sẽ lên xuống máy bay qua cửa trước bằng cầu thang, trong khi đoàn tùy tùng sẽ đi vào bằng cửa sau. Khu vực cho phóng viên và đoàn tùy tùng được bố trí như khoang hạng nhất trên các phi cơ chở khách thông thường.
Phần khoang đầu máy bay được đặt biệt danh "Nhà Trắng", là nơi Tổng thống Mỹ làm việc và nghỉ ngơi. Nó gồm một văn phòng làm việc, nơi Tổng thống có thể phát thông báo tới toàn nước Mỹ, cùng khu nghỉ ngơi với giường ngủ, phòng tắm và nhà vệ sinh.
Trên phi cơ còn có một phòng họp lớn, trang bị màn hình 50 inch cho hoạt động họp từ xa, cùng nhiều phòng họp nhỏ với tổng cộng 87 điện thoại và 19 màn hình các loại.
Nhờ sử dụng kết nối qua vệ tinh và các băng sóng vô tuyến khác nhau, VC-25A có thể đóng vai trò trung tâm chỉ huy quân đội Mỹ trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như một cuộc tấn công hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn trên chuyên cơ Không lực Một |
Để tự vệ, nó được trang bị hàng loạt hệ thống gây nhiễu và mồi bẫy để đánh lừa các vũ khí phòng không hiện đại. Hệ thống điện tử được kết nối bằng 383 km dây điện, gấp đôi những chiếc Boeing 747 thông thường. Mạng lưới dây điện được bọc cách ly kỹ càng, nhằm duy trì khả năng hoạt động trong trường hợp máy bay bị ảnh hưởng bởi một cuộc tấn công bằng xung điện từ (EMP).
VC-25A có khả năng chuyên chở 76 hành khách và 26 thành viên phi hành đoàn. Mỗi chiếc dài 70,6 m, sải cánh 59,6 m, cao 19,3 m và khối lượng cất cánh tối đa 375 tấn.
Trang bị 4 động cơ của công ty Pratt & Whitney, phi cơ đạt tốc độ tối đa 1.015 km/h, tốc độ hành trình 925 km/h và tầm bay tới 13.000 km. VC-25A được trang bị hệ thống tiếp dầu trên không, cho phép nó bay liên tục trong thời gian dài mà không cần hạ cánh tiếp nhiên liệu.
Tổng thống Obama không phải người đầu tiên bày tỏ lòng yêu mến đối với phi cơ Không lực Một. Cựu tổng thống Bush hồi năm 2014 cũng thừa nhận "ông thấy nhớ những chiếc Không lực Một". "Trong 8 năm, chúng chưa từng để thất lạc hành lý của tôi", ông nói.
Không lực Một "là hình ảnh đại diện cho người Mỹ, là biểu tượng của đất nước chúng ta", Jeff Underwood, nhà sử học thuộc Bảo tàng Quốc gia Không quân Mỹ, bang Ohio, nhận xét. "Đối với nhiều người, cái tên Không lực Một không chỉ dùng để nói về một chiếc máy bay mà nó còn là niềm tự hào dân tộc", Underwood nhấn mạnh.
Khi tổng thống Mỹ công du nước ngoài, nhân viên của ông còn thường mang theo một kiện hành lý đặc biệt: Một cái lều. Khi tổng thống cần đọc tài liệu mật hoặc có cuộc trò chuyện quan trọng, ông sẽ vào trong chiếc lều này để bảo mật thông tin.
Chiếc lều còn được gọi là Cơ sở Bảo mật Thông tin Nhạy cảm (SCIF), được làm bằng chất liệu bí mật, có thể được dựng cố định trong phòng hoặc được các lãnh đạo mang theo khi di chuyển. Nó có thể trông giống một túp lều hoặc một căn phòng nhỏ.
"Khi tổng thống di chuyển tại Mỹ hoặc đi nước ngoài, điều mà đội ngũ nhân viên làm trước chuyến thăm là xác định vị trí phù hợp để dựng lều", Mark Pfeifle, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết. Vị trí dựng lều được xác định một cách cẩn thận, tính toán đến các yếu tố như cửa sổ, số lượng người qua lại.
Sau khi xác định được nơi dựng lều, vấn đề tiếp theo là thiết lập khả năng bảo mật tối đa cho nó. "Chúng tôi phải đảm bảo rằng không có bất kỳ tín hiệu nào phát ra từ lều, có thể là từ máy tính xách tay, bộ đàm hay điện thoại", Phil Lago, một trong những người sáng lập công ty Command Consulting Group (CCG), chuyên cung cấp lều cho cơ quan an ninh Mỹ, giải thích.
Ông cho biết có một vòng sóng điện tử giúp ngăn chặn các tín hiệu phát ra và thâm nhập vào trong lều. Tín hiệu duy nhất có thể phát ra khỏi lều là thông tin liên lạc đã được mã hóa, được chuyển qua một đường dây điện thoại cũng được mã hóa và truyền cuộc trò chuyện qua vệ tinh. Không vật gì trong SCIF có thể được điều khiển từ xa, vì chúng sử dụng tần số có thể bị can thiệp.
SCIF không chỉ hoàn toàn cách âm mà còn có hệ thống chống đột nhập. Chiếc lều không có cửa sổ, chỉ những người có thẩm quyền mới được vào bên trong. Để vào lều, quan chức cần nhập mã pin, có phù hiệu và dữ liệu sinh trắc học phù hợp.
Ngoài ra, SCIF có thể có một loạt thiết bị chuyên dụng khác như hàng rào thông báo khi có người chạm vào hay các thiết bị báo hiệu ai đó vừa nhận được e-mail, theo Michael Creasey, đối tác của CSG.
Trong cuốn sách về Trump xuất bản năm 2018, nhà báo Bob Woodward viết rằng Trump từng mời Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vào SCIF khi ông ở Hamburg, Đức để dự hội nghị G20 năm 2017. Hành động này của ông khiến các nhân viên bất ngờ vì ông Turnbull không được coi là người có quyền tiếp cận tài liệu mật của Mỹ nên lẽ ra không được vào SCIF. Nhà báo Woodward cho biết các mật vụ sau đó đã phá hủy chiếc SCIF này.
Năm 2011, Nhà Trắng từng công bố bức ảnh cho thấy tổng thống vào thời điểm đó, Obama, đã họp trong lều an ninh tại một phòng khách sạn ở Brazil với ngoại trưởng Hillary Clinton và bộ trưởng quốc phòng Robert M. Gates, về hoạt động quân sự tại Libya. Một tấm ảnh khác, chụp ba ngày sau đó ở San Salvador, cho thấy ông Obama ngồi trong lều bàn bạc với các cố vấn về cuộc tấn công.
Khu vực xung quanh lều có thể có lính gác canh giữ và người giám sát xem liệu có dữ liệu nào thoát ra ngoài không. "Có tuyến phòng thủ cho tất cả mọi thứ", Lago nói.