Nhạc kịch Đồng cỏ hòa ca - một "hiện tượng" của sân khấu thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không quá lời để gọi nhạc kịch Đồng cỏ hòa ca là một hiện tượng sân khấu thủ đô, với hàng loạt những bất ngờ từ chương trình mang lại.
Sân khấu lung linh đầy sắc màu và âm thanh của Đồng cỏ hòa ca.
Sân khấu lung linh đầy sắc màu và âm thanh của Đồng cỏ hòa ca.

Nhạc kịch Đồng cỏ hòa ca lấy bối cảnh là một vùng đồng cỏ trong trẻo ở một miền quê yên bình. Nơi ấy, có bạn Voi còi, có bạn Hà mã, có Dế mèn, Ếch cốm, Cóc tía... có những đêm trong vắt lấp lánh ánh sáng Đom đóm, có những cơn mưa rào bất chợt tưới tắm cho cây lá tốt tươi.

Rồi một ngày, cư dân của đồng cỏ muốn tổ chức một buổi hòa nhạc. Cũng giống như sự đa sắc màu của cư dân đồng cỏ buổi hòa nhạc cũng được chuẩn bị rất rộn ràng với vô vàn những loại hình nghệ thuật. Đặc biệt có rất nhiều tình huống gay cấn, thú vị đã phát sinh trong hành trình tập luyện cho tới buổi hòa nhạc. Để rồi khi những mối mâu thuẫn được giải quyết, là lúc chúng ta có thêm một bài học – một bài học được chuyển tải bằng ngôn ngữ của trẻ thơ,dưới góc nhìn của trẻ thơ, nhưng lại mang tính giáo dục sâu sắc.

Đó là câu chuyện của bạn Hà Mã quá béo nhưng mơ ước được làm vũ công ba-lê; là chị em nhà Dế mèn nhất định không theo anh trai tập violin để nối nghiệp truyền thống của gia đình; hay bạn Cóc tía có giọng hát vút cao trong vắt, nhưng lại mang đầy tự ti… Nhờ chấp nhận khác biệt, bao dung, tôn trọng tự do cá nhân mà tất cả đều được làm điều mình khát khao, và tạo nên một bản hoà ca đồng xanh hoành tráng.

300 bộ trang phục của diễn viên, đạo cụ sân khấu cũng hoàn toàn là sản phẩm handmade

300 bộ trang phục của diễn viên, đạo cụ sân khấu cũng hoàn toàn là sản phẩm handmade

“Tôi nghĩ rằng mình đã cứng nhắc trong một thời gian dài! Tôi đã không thấy được những nỗ lực của anh em Dế khi quá đặt nặng tiêu chuẩn và sự cao thấp trong nghệ thuật. Không nỗ lực thì không có thành công, nhưng việc tìm ra đam mê đích thực của mình và được sống vì nó mới là hạnh phúc". – Lời của anh Dế trong buổi hòa nhạc khi chứng kiến 2 em của mình nhảy hiphop chắc hẳn sẽ khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ.

Từ lúc cánh màn nhung được mở ra đến khi buổi hòa nhạc của cư dân đồng cỏ kết thúc, là những chuỗi liên tiếp những hoạt cảnh sân khấu không đứt đoạn, tung hứng, đan xen, gắn kết với nhau thu hút khán giả. Đó là bản nhạc du dương của Dế mèn, là những tiết mục hiphop sôi động của Cào cào Châu chấu, là giọng hát ngọt ngào của Cóc tía, điệu nhảy ngàn cân của Voi còi Hà mã…

Thưởng thức Đồng cỏ hòa ca, khán giả không chỉ được xem một câu chuyện hay, mà còn được tận hưởng các tiết mục biểu diễn của nhiều loại hình nghệ thuật: múa ba-lê nhảy hiện đại, nhảy hiphop, đồng ca, hợp xướng, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ…

"Không nỗ lực thì không có thành công, nhưng việc tìm ra đam mê đích thực của mình và được sống vì nó mới là hạnh phúc". – Lời của anh Dế trong nhạc kịch

"Không nỗ lực thì không có thành công, nhưng việc tìm ra đam mê đích thực của mình và được sống vì nó mới là hạnh phúc". – Lời của anh Dế trong nhạc kịch

Điều thú vị của Đồng cỏ hòa ca là những người tổ chức chương trình đều vì đam mê mà gặp nhau, đam mê làm với công tác giáo dục, đam mê làm những điều đẹp đẽ cho thế giới trẻ thơ. Người khởi xướng ý tưởng, chủ nhiệm chương trình – bà Trần Tố Quyên cho biết: “Nhạc kịch Đồng cỏ hòa ca khiến tôi tiếp tục khẳng định một niềm tin rất cũ rằng những nỗ lực từ trái tim sẽ được lựa chọn bởi trái tim!”

Theo thông tin từ bà Quyên, Đồng cỏ hòa ca là một dự án đầy thách thức của 3 đơn vị Trung tâm Đào tạo và Nghệ thuật FFC, Chương trình giáo dục Âm nhạc Cremusic và Trung tâm Tiếng Anh Ms. Luna English.

Bà tâm sự: "Nhạc kịch là một loại hình nghệ thuật khó và kén khán giả, để có được sự tề tựu này, chúng tôi đã không ít lần làm khó nhau bởi sự va đập của cá tính, tiêu chuẩn, cùng những quan điểm không phải lúc nào cũng khớp. Nhưng đúng như tinh thần của vở diễn, nghệ thuật có thể kết nối, hàn gắn và xoa dịu để mỗi người tự dàn xếp cái Tôi cá nhân của mình để tiến tới cái Ta chung. Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn truyền tải một thông điệp không mới nhưng vẫn luôn là niềm đau đáu của những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghệ thuật, đó là ý nghĩa của việc tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích mỗi người khám phá đam mê, tự tin thể hiện năng lực của bản thân, biết yêu thương, chia sẻ và nâng đỡ nhau để cùng tỏa sáng. "

Buổi nhạc kịch đã gây được hiệu ứng tốt với khán giả. Khán giả bật đèn tạo cảnh đom đóm cùng với Đồng cỏ hòa ca.

Buổi nhạc kịch đã gây được hiệu ứng tốt với khán giả. Khán giả bật đèn tạo cảnh đom đóm cùng với Đồng cỏ hòa ca.

Ekip của chương trình – những người lần đầu tiên tổ chức một chương trình nhạc kịch với gần 300 diễn viên nhí – đã có 4 tháng sống cùng hơi thở của Đồng cỏ hòa ca, cùng nhau vỡ kịch bản, cùng nhau tỉ mẩn từng chi tiết nhỏ để cho nó một hình hài mang sắc màu và khát vọng sống nhiều nhất có thể.

Những nhân viên của 3 trung tâm đã cùng nhau làm toàn bộ chương trình từ kịch bản, lời thoại, biên đạo múa, hòa âm phối khí, thậm chí hơn 300 bộ trang phục của diễn viên, đạo cụ sân khấu cũng hoàn toàn là sản phẩm handmade của các cô giáo, nhân viên đang làm việc tại 3 trung tâm này.

13 diễn viên chính đã được lựa chọn trên tổng số 300 ứng viên đó là những bạn nhỏ rất tài năng. Các diễn viên chính không chỉ cần có khả năng diễn xuất mà còn phải đảm bảo yêu cầu về chuyên môn tương ứng với vai diễn như múa ba-lê, hát, nhảy hiphop, đọc rap, chơi trống…

"Thành công của show diễn này xứng đáng với những chờ đợi và ấp ủ trong một khoảng thời gian không hề ngắn, xứng đáng với sự nỗ lực và sáng tạo của hàng trăm con người, xứng đáng với mơ ước của gần 300 diễn viên nhí không chuyên mơ được chạm tới một sân khấu đẹp như mơ để mình được tỏa sáng. Sau tấm màn nhung của sân khấu này, là những điều trong trẻo và rạng rỡ nhất chúng tôi muốn dành tặng." - bà Quyên chia sẻ.

Phát biểu nhận định tại buổi tổng duyệt chương trình, Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nói: "Các bạn làm quá công phu, càng công phu hơn nữa khi thấy các bạn làm việc với mấy trăm diễn viên nhí không chuyên mà đạt được kết quả như thế này là quá tuyệt vời. Nên có thật nhiều hơn nữa những hoạt động nghệ thuật như vậy dành cho trẻ nhỏ."

NSND Quốc Chiêm -Cựu PGĐ Sở VHTT Hà Nội phát biểu tại buổi tổng duyệt.

NSND Quốc Chiêm -Cựu PGĐ Sở VHTT Hà Nội phát biểu tại buổi tổng duyệt.

Còn NSND Quốc Chiêm - nguyên PGĐ Sở VHTT Hà Nội - Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Nội - thì rất phấn khởi nói: "Tôi phải khẳng định luôn là tôi rất thích chương trình hôm nay, với tư cách là một khán giả. Từ thiết kế sân khấu, dàn dựng, đạo diễn, âm nhạc, phục trang... các bạn làm rất chuyên nghiệp, đặc biệt là bối cảnh sân khấu đều được làm thủ công thế này xứng đáng 10 điểm".

Thêm một điều thú vị ở Đồng cỏ hòa ca khi vở diễn không chỉ là một "bữa tiệc” cho trẻ nhỏ, mà còn được các bậc phụ huynh trân quý đón nhận. Bày tỏ lời cám ơn với ê kip tổ chức chương trình, một khán giả chia sẻ: “Cảm ơn chương trình đã cho tôi một vé đi về tuổi thơ với những hồn nhiên trong veo, với những tồ tệch đáng yêu, với những tài năng toả sáng trong một thế giới thật mà lung linh như cổ tích.

Bọn trẻ Dế mèn, Cóc cốm, Đom đóm, Chuột nhắt, Voi còi, Hà mã, Cào cào, Châu Chấu, Sâu anh, Sâu em... quá dễ thương. Chúng thể hiện rõ cá tính riêng, không ai giống ai, và hoà thành một tổng thể tuyệt vời. Hơn 300 diễn viên nhí không chuyên, hàng trăm bộ trang phục được handmade, vô số việc đều là trải nghiệm chưa từng làm trước đó. Chúc mừng Đồng cỏ hoà ca đã leo được ngọn núi đầu tiên trên hành trình tạo ra một sân chơi ý nghĩa cho con trẻ.”

“Tôi hiểu đằng sau những ngôi sao lấp lánh của Đồng cỏ hoà ca là rất nhiều nỗ lực và tâm huyết của những con người tin vào sự tử tế, vào tiềm năng bên trong mỗi đứa trẻ, vào nguyên lý hạnh phúc khi đứa trẻ được là chính mình, và thấy được giá trị của mình trong tập thể. Đứa trẻ nào cũng bắt đầu như thế, rồi chúng lớn lên. Mong rằng Đồng cỏ hoà ca sẽ là một ký ức tuyệt vời để gợi nhắc lại sau này, khi có lúc nào đó giữa cuộc sống bộn bề, chúng quên rằng mình đã từng là đứa trẻ.” – vị khách tâm sự.

Một khán giả khác cũng chia sẻ sau khi xem chương trình: "Kịch cho trẻ con nhưng người lớn cũng tìm thấy cho mình thông điệp, để hiểu trẻ con hơn.

"Người lớn từng là trẻ con nhưng họ thường quên mất điều đó", hoàng tử bé nói vậy. Nhờ những buổi nhạc kịch như thế này mà ta nhớ lại được mình từng là ai và ủng hộ những thứ tưởng như vô lý của con mình."

Cảnh múa ba-lê của Voi còi và Hà mã

Cảnh múa ba-lê của Voi còi và Hà mã

Có lẽ, như lời của Đom đóm phát biểu lúc đêm diễn kết thúc không chỉ là lời thoại trong vở nhạc kịch của đồng cỏ, mà còn là thông điệp của những người làm Nhạc kịch đồng cỏ hòa ca gửi lại: “Thưa các quý vị, chưa bao giờ Đồng Cỏ của chúng ta vui như hôm nay! Cảm ơn thật nhiều sự nỗ lực của tất cả mọi người nhưng trên hết điều khiến chúng ta trân trọng hơn cả đó là cùng nắm tay để vui. Mỗi loài một môi trường sống, một cách thể hiện mình, một năng lực và cái tôi khác biệt, tôi cảm động khi nhìn thấy tinh thần tất cả hoà làm một. Ai cũng có sức mạnh và sứ mệnh để có mặt trên thế giới này, bằng sự nhận biết và bao dung, bằng sự nỗ lực và khích lệ, chúng ta tự hào về nhau, tự hào rằng mình xứng đáng. Cảm ơn các cư dân vô cùng đáng mến và tài năng của Đồng Cỏ, buổi Hoà Ca xin được khép lại nhưng một bình minh tươi sáng và rạng rỡ chính thức được mở ra…

Theo công bố của ekip sản xuất, Đồng cỏ hòa ca chỉ có 2 đêm diễn (tối 14/15/4 vừa qua). “Cả ba đơn vị chúng tôi đều còn rất nhiều dự án giáo dục phải làm, việc tổ chức Đồng cỏ hòa ca chỉ là để thỏa đam mê”, bà Quyên nói về lý do không kéo dài việc trình diễn. Tuy nhiên, sẽ thật đáng tiếc nếu một tác phẩm sân khấu mang tính nghệ thuật, giáo dục cao, được chuẩn bị công phu và tạo được hiệu ứng tốt như vậy lại không đến được với đông đảo khán giả hơn.

Đọc thêm