Nhạc sĩ mù kể chuyện một thời 'tiếng hát át tiếng bom'

(PLO) -“Tôi không có đôi mắt nhưng tiếng hát và tiếng sáo, tiếng đàn của tôi đã làm sáng tâm hồn và cuộc đời tôi. Bạn bè tôi rất nhiều, tất thảy đều đồng cảm với cuộc sống của tôi”, ông Nguyễn Xuân Tý nói.
“Nhạc sĩ mù” Nguyễn Xuân Tý
“Nhạc sĩ mù” Nguyễn Xuân Tý

Tiếng hát thắp sáng tâm hồn

Tại phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), nhiều người biết “nhạc sĩ mù” Nguyễn Xuân Tý (SN 1947). Ông hát hay, đàn giỏi, thổi sáo điêu luyện và có “tài” lấy được người vợ kém những 23 tuổi. 

Nghe khách tự giới thiệu là người của quê hương Mẹ Suốt anh hùng, bên kia sông Nhật Lệ của TP. Đồng Hới, “nhạc sĩ mù” Nguyễn Xuân Tý liền nâng đàn guita lên, hát vang bài “Quê hương người mẹ anh hùng” do chính ông sáng tác mười mấy năm trước đó. Rồi trong sự hứng khởi, ông hát tiếp một bài về Đồng Hới quê hương mình, cũng chính do ông sáng tác. 

Giai điệu của hai bài ca đã tái hiện khá sinh động hình ảnh dòng sông, con người, bến đò, bãi chợ, đường phố, sân chơi thể thao…mà người Đồng Hới nào sinh ra và lớn lên ở đây đều không thể nhạt phai với bao kỷ niệm yêu thương gắn bó.

Là con thứ ba của 5 anh em trong một gia đình nghèo sống bên sông Nhật Lệ của thị xã (nay là thành phố) Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nhưng một tai họa ập đến. Năm lên ba, ông Tý bị mắc bệnh đậu mùa. Căn bệnh nan y của thuở đó đã phá hủy đôi mắt của ông.

Cậu bé mù khôn lớn trong tình thương của cha mẹ và anh em, để rồi năm 10 tuổi bắt đầu niềm đam mê âm nhạc. Ban đầu, ông nghe người ta hát, rồi từ lĩnh hội, ông hát theo đúng lời, đúng nhạc.

Niềm vui lớn dần khi một người hàng xóm tặng ông một cây sáo trúc. Tiếng nhạc từ cây sáo trúc do ông thổi khi dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập, réo rắt theo tiết tấu đã làm tâm hồn người thổi và người nghe thoáng đạt. 

“Nghe tôi thổi sáo hay, lúc đó có rất nhiều người thưởng tiền cho tôi. Tôi có tiền mua kẹo, mua bánh, ăn cùng bạn bè tuổi thơ trong xóm rất vui”, ông Tý nhớ lại.

Sau ngày Đồng Hới giải phóng (1954) được mấy năm, ông xin vào học lớp đánh đàn guitar do một giáo viên dạy nhạc trong thị xã mở lớp dạy tư vào ban đêm. Từ đó, bên cạnh thổi sao, ông Tý có niềm đam mê mới là đánh đàn guitar. 

Với những kiến thức về nhạc lý cơ bản được thầy dạy từ lớp học này, ông Tý đã tập sáng tác. Những bài hát sáng tác những ngày đó như “Trăng sáng”, “Phố nhỏ bên sông”, “Thiếu nhi nghe lời Bác dặn”…cùng với giọng hát ấm đã làm bao người nghe cảm phục. 

Biệt danh “nhạc sĩ Tý mù” bắt đầu có từ đó. Năm 2012, ông được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Bình thuộc phân ban âm nhạc với trường hợp đặc cách.

Tháng 2/1965, Mỹ đánh vào Đồng Hới, mở màn cho chiến tranh phá hoại miền Bắc. Người dân Đồng Hới phải lên sơ tán, lập làng dọc dưới chân dãy Trường Sơn. Cuộc sống lao động, chiến đấu của thời chiến khiến tất cả mọi người lao vào như một cơn lốc. 

“Tôi được Thành Đoàn Đồng Hới mời vào tham gia đội văn nghệ xung kích. Đội có nhiệm vụ đến những đơn vị bộ đội, dân quân đang canh trực bắn máy bay thù ca hát, phục vụ những người đang trực tiếp chiến đấu. Tiếng sáo, tiếng hát trong tiếng đàn guitar của tôi đã làm phấn khích bao người nghe khi đang làm nhiệm vụ chiến đấu, góp phần cho phong trào “tiếng hát át tiếng bom” của vùng quê đang bị chiến tranh cày xới”, ông Tý nói. 

Rồi những đám cưới “đời sống mới” thuở đó và thời bình sau đó không thể thiếu sự có mặt góp tiết mục vui của “nhạc sĩ mù” Nguyễn Xuân Tý , khi người ta đến rước mời ông. 

“Tôi không có đôi mắt nhưng tiếng hát và tiếng sáo, tiếng đàn của tôi đã làm sáng tâm hồn và cuộc đời tôi. Bạn bè tôi rất nhiều, tất thảy đều đồng cảm với cuộc sống của tôi”, ông Nguyễn Xuân Tý nói.

Vì đã có thành tích trong phong trào “tiếng hát át tiếng bom” nên ông được nhận nhiều bằng khen của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Những tấm bằng khen đó, ông vẫn giữ gìn một cách trân trọng cho đến bây giờ.

Hạnh phúc giản dị

Chiến tranh, gia đình “nhạc sĩ mù” Nguyễn Xuân Tý sơ tán lên vùng Cầu Cúp hẻo lánh của phía Tây thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ. Trong cụm dân người thị xã sơ tán ấy có gia đình của Dư Thị Thủy (SN 1962). Bấy giờ, bà là một bé gái út trong một gia đình có 6 anh chị em. 

Bà không được nghe tiếng hát và biết được danh tiếng “vang xa” của người “nhạc sĩ mù” đồng xóm, đồng làng vì tuổi nhỏ. Nhưng khi lớn lên, danh tiếng “nhạc sĩ mù” Nguyễn Xuân Tý đã làm cho cô gái trẻ vừa tự hào và cảm phục. “Tự hào là vì ông ấy ở gần nhà tôi thời chiến tranh. Cảm phục là biết ông bị mù từ nhỏ mà lại có tài hát hay, đàn giỏi, thổi sáo tài ba”, bà Thủy bộc lộ.

Hết chiến tranh, nhiều gia đình trở về định cư trên nhiều vùng quê mới. Năm 1992, ông Tý trở lại Cầu Cúp thăm xóm cũ nơi gia đình mình sơ tán trong chiến tranh. Cuộc “hồi hương” ấy trở thành dấu mốc lịch sử của cuộc đời ông. Đó là việc ông gặp được cô gái Dư Thị Thủy. Ông mạnh dạn tỏ tình và được chấp thuận. Tình yêu ấy như ông nói: “Bà ấy là mặt trời của đời tôi”.

Người vợ trẻ tần tảo bằng việc mua bán rau, củ ở chợ nghèo trong khu dân cư. Ở nhà, ngoài những lúc phục vụ tiết mục văn nghệ theo yêu cầu người đến rước mời phục vụ những đám cưới “đời sống mới”, ông Tý còn biết mò mẫm thái rau, băm chuối, đun lò nấu cám nuôi heo mà hàng ngày, trước khi đi chợ, người vợ trẻ đã sắp sẵn ra đó, đúng vị trí, nơi chốn. 

Hạnh phúc tràn đầy khi đến tối, ra sân, “nhạc sĩ mù” nâng đàn hát cho vợ nghe. 

Ông Tý thường tự hào ví mình như Ca ren, nhạc sĩ mù từ thuở nhỏ, hát cho Xô na – cô gái láng giềng-nghe và càng quyện chặt tình yêu hai người. Đó là hình ảnh các nhân vật trong phim “Tiếng hát trái tim” của Liên Xô mà những năm thập kỷ thứ 6 của thế kỷ trước mọi người được xem và kể chuyện phim lại cho ông nghe.

Lần lượt hai đứa con trai ra đời khi cha mẹ và anh em trong gia đình đã cắt đất, giúp đỡ kinh tế làm nhà cho đôi vợ chồng trẻ. Nhưng một bất hạnh đã đến với vợ chồng “nhạc sĩ mù” Nguyễn Xuân Tý, đó là đứa con đầu sinh năm 1993 mới học xong tiểu học thì bị bệnh tim. Bệnh tiến triển nặng khiến em bị biến dạng cơ thể, còi cọc,  khập khiểng chân. Em bỏ học và ở nhà giúp việc cho cha mẹ. Cậu con trai thứ hai sinh năm1996 đã tốt nghiệp THCS, dự định sẽ vào TP. Hồ Chí Minh học nghề.

Nhà nước hỗ trợ cho ông Nguyễn Xuân Tý và con trai đầu tật nguyền về tiêu chuẩn đối với người khuyết tật mỗi tháng là một triệu hai. Bà Thủy sáng nào cũng xuống chợ Cộn (Đồng Sơn) để mua bán hàng rau củ kiếm thêm chút ít đồng lãi. Buổi chiều bà vào việc chăm gà, chăm heo, chăm bể lươn. 

Ông Tý thường ngày vẫn giúp vợ thái rau, băm chuối, thổi cám như thường khi, khi vợ đi chợ và con đi học. Hạnh phúc với ông bình dị như vậy.