Nhạc sĩ “sống khỏe” nhờ tiền tác quyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dịch COVID-19 đã làm hoạt động biểu diễn nghệ thuật đóng băng. Nhiều nghệ sĩ nhớ nghề và gặp khó khăn về kinh tế. Nhưng không ít nhạc sĩ bất ngờ nhận được khoản tiền không nhỏ từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nguồn thu mùa dịch

Trên trang cá nhân của mình, nhạc sĩ Lê Xuân Hòa (Nghệ An) mừng rỡ khi nhận được tin vui qua tin nhắn tài khoản. Anh đã ngẫu hứng mấy câu thơ: “Đang mùa cô vít thiếu tiền/ Bỗng nhiên tin nhắn bản quyền tinh tinh/ Mắt buồn bỗng sáng lung linh/ Bõ công ngày tháng một mình ngẩn ngơ/ Xin nhắc tới các nhà thơ/ Cũng nên đăng ký ở nơi bản quyền…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Việt, một trong những tác giả trẻ thuộc nhóm những người nhận được tác quyền cao trong quý II vừa qua, cho biết anh là người hoạt động âm nhạc với cả hai vai trò nhạc sĩ và ca sĩ.

Theo Khắc Việt, thời gian qua, hoạt động biểu diễn đóng băng, công chúng không xem biểu diễn được thì lại nghe và xem trên mạng nhiều hơn, nhất là khi công nghệ thông tin phát triển với nhiều hình thức có sử dụng âm nhạc phong phú. Nguồn thu duy nhất của anh thời gian này cũng từ quyền tác giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng nhận được số tiền tác quyền khá cao trong quý II hân hoan: “Mặc dù COVID-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động nghệ thuật, song số tiền tác quyền Chung nhận được khá cao - đó là nhờ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ứng dụng công nghệ trong việc tra soát, đối soát tác phẩm cũng như hợp tác giữa Trung tâm với Youtube và Facebook mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho tác giả”.

Động lực “giữ lửa” nghề

Trong kỷ nguyên số hóa, bản quyền âm nhạc nói riêng và bản quyền sáng tạo các tác phẩm nói chung trở thành tài sản mang giá trị trọn đời. Đó không còn là câu chuyện bán ra một chiếc đĩa CD, hay tải về một bản nhạc trên các trang trực tuyến. Vấn đề lớn hơn là việc xuất bản tác phẩm và sử dụng tác phẩm phải được kiểm soát, bản quyền của bản nhạc trên môi trường số phải được bảo vệ. Đây cũng là điều những người làm âm nhạc Việt Nam mong mỏi bấy lâu nay.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là đại diện duy nhất đã ký thỏa thuận và hợp tác song phương với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện tại, tiền thu được từ tác quyền của Trung tâm đều tăng hằng năm, đặc biệt khi dịch COVID-19, tiền tác quyền online đã tăng hơn hẳn.

Trung tâm đã hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả, phổ biến ở lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên môi trường kỹ thuật số; cảnh báo và báo cáo gỡ các link vi phạm...; hỗ trợ, tư vấn giúp tác giả tìm hiểu các vấn đề pháp lý để đảm bảo quyền, lợi ích trong trường hợp họ có nhu cầu chuyển giao tác phẩm, quyền tác giả.

“Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thời gian qua đã nỗ lực rà soát thị trường sử dụng âm nhạc. Luôn tích cực liên hệ, thuyết phục, đàm phán cùng các đơn vị sử dụng nhằm duy trì ổn định nguồn thu nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm... Trung tâm đã số hóa toàn bộ dữ liệu bằng các phần mềm tốt nhất; phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế; đàm phán thành công với các nền tảng như Spotify, YouTube, TikTok để kiểm soát dữ liệu. Hàng ngày các dữ liệu âm nhạc phát ở đâu, bài gì, trong thời lượng bao lâu đều được lưu lại. Từ đó, chúng tôi có cơ sở để thực hiện thu phí bản quyền”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho hay. Đó là một trong các lý do giúp nguồn thu của các nhạc sĩ tăng lên.

Sự bùng nổ của thị trường nhạc số, cùng với xu hướng phát trực tuyến đã giúp không ít nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu trong chớp mắt, khi bài hát hay album của họ đạt triệu views trong vài ngày, mang lại cho họ khoản doanh thu lâu dài.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, không ít nhạc sĩ Việt Nam có thu nhập cao từ tác quyền là do có thể viết đa dạng các thể loại âm nhạc ở nhiều lĩnh vực, từ nhạc kịch, nhạc phim, nhạc trẻ đến nhạc thiếu nhi. “Mỗi ca khúc khi đưa vào hoạt động trong đời sống đều sản sinh ra doanh thu. Ca khúc càng “hot” thì tác quyền càng cao do lượt sử dụng nhiều”.

Nhạc sĩ, ca sĩ Nguyễn Khắc Việt chia sẻ, trong đại dịch này, nhờ có Trung tâm với những công nghệ hiện đại giúp kiểm soát và mang lại tiền tác quyền cho các tác giả, nếu không “chất xám” của nhạc sĩ sẽ thất thoát nhiều.

Thu 37 tỷ tiền tác quyền trong quý II/2021

Theo tổng kết, năm 2020, dù trải qua các đợt dịch bệnh Covid, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu hơn 150 tỷ đồng tiền bản quyền âm nhạc, tăng 12% so với năm 2019. Con số gần 37 tỷ đồng tiền tác quyền thu được trong quý II/2021 là minh chứng cho những nỗ lực của Trung tâm, kịp thời phân phối chi trả tác quyền đến các tác giả trong điều kiện giãn cách xã hội khó khăn.

Hiện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã và đang là chỗ dựa, niềm tin của hơn 4 nghìn tác giả. Trước đây, các nhạc sĩ thường nhận tiền qua 3 cách: Trung tâm gửi cho nhạc sĩ qua đường bưu điện, qua tài khoản hệ thống ngân hàng hoặc tác giả đến ký nhận tại Trung tâm. Trong điều kiện dịch Covdi-19, Trung tâm đã chi trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ qua tài khoản ngân hàng.

Đọc thêm