Nhắm mắt gửi con vào nhà trẻ tự phát

 Vì không có kinh phí đầu tư trang thiết bị cũng như sự hạn chế, cẩu thả trong suy nghĩ nên hiện nay, hầu hết những nhà trẻ tự phát đều sống lẫn với gia đình “bảo mẫu”. Phòng bếp, vệ sinh và phòng của trẻ nối với nhau, không có chắn song. Các bé cứ vô tư nô đùa, khám phá ở “thế giới” có các đồ vật gia đình như: Phích nước nóng, ổ điện, dao kéo, ti vi mà không hề biết tai nạn thương tích đang chờ mình.

Vì không có kinh phí đầu tư trang thiết bị cũng như sự hạn chế, cẩu thả trong suy nghĩ nên hiện nay, hầu hết những nhà trẻ tự phát đều sống lẫn với gia đình “bảo mẫu”. Phòng bếp, vệ sinh và phòng của trẻ nối với nhau, không có chắn song. Các bé cứ vô tư nô đùa, khám phá ở “thế giới” có các đồ vật gia đình như: Phích nước nóng, ổ điện, dao kéo, ti vi mà không hề biết tai nạn thương tích đang chờ mình.

Nhà trẻ quá tải. Ảnh minh họa

Nhắm mắt gửi con vì nghèo

Khoảng 12h30 ngày 13/6/2011, tại cơ sở trông trẻ của bà Nguyễn Thị Gái (ở 91/39 Miếu Hai Xã, Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng), cháu Lê Nhật Minh (5 tuổi; quê ở xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, Thái Bình; tạm trú 91/96 Chợ Hàng,quận Lê Chân, Hải Phòng) đang nằm ngủ thì bất ngờ bị chiếc ti vi 29 inch từ trên chiếc kệ gỗ rơi trúng đầu. Được đưa đến bệnh viện nhưng 9h30 phút ngày 14/6, cháu bé đã không qua khỏi do bị chấn thương sọ não.

Tai nạn xảy ra là do chiếc kệ ti vi của nhà bà Gái đã quá cũ kỹ, xập xệ, lại được đặt ở gần nơi cháu Minh nằm ngủ. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, nhà bà Gái nhận trông 13 đứa trẻ. Cơ sở trông giữ trẻ của bà Gái không có giấy phép hành nghề. Còn cháu Minh là con đầu lòng của anh Lê Văn Quân (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Mai (29 tuổi, quê Thái Bình). Hai vợ chồng anh Quân đều làm công nhân ở Hải Phòng. Vì đồng lương ít ỏi, không có điều kiện gửi con ở những cơ sở uy tín, anh chị đã phải gửi ở cơ sở tự phát của bà Gái từ khi cháu 18 tháng tuổi.

Đây không phải là trường hợp cá biệt bị tai nạn thương tích tại các nhà trẻ tự phát. Vì không có kinh phí đầu tư trang thiết bị cũng như sự hạn chế, cẩu thả trong suy nghĩ của chủ nhà trẻ nên những cơ sở nuôi dạy trẻ ấy đều sống lẫn với gia đình “bảo mẫu”. Phòng bếp, vệ sinh và phòng của trẻ nối với nhau mà không có chắn song. Các bé cứ vô tư nô đùa, khám phá ở “thế giới” đồ vật phích nước nóng, ổ điện, dao kéo luôn ở gần mà không hề biết tai nạn thương tích đang chờ mình.

Đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ ngã vào bếp than đang đun nước và hậu quả là bé bị bỏng nặng, như bé Duy Anh (3 tuổi), con của anh Văn Hùng và chị Thúy Liễu. Đều làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, bố mẹ Duy Anh đã gửi bé vào nhà trẻ tự phát gần đó. 3 ngày sau, bé đã bị ngã vào nồi nước canh của gia đình “bảo mẫu”, bỏng hai chân.

Lại có trường hợp, vì sự vô tâm, cẩu thả của người trông trẻ mà bé Thu Quyên 3 tuổi bị bạn cùng lớp lấy con dao ở bếp (của gia đình nhà trẻ tự phát) đùa nghịch và đã gây rách da, chảy máu ở chân. Chưa hết, có trẻ đã bị xe máy quệt phải khi bé lao ra ngõ chơi, bởi nhà trẻ tự phát không có song chắn cửa.

Hầu hết, các gia đình công nhân có con bị nạn đều bỏ qua không khiếu kiện bởi họ nghe xin lỗi và đồng ý sự bồi thường ít ỏi của các “bảo mẫu”. Nhưng dù thế nào, mọi sự thiệt thòi đều đổ lên đứa trẻ và gia đình chúng.

Gạt nước mắt, chị Liễu tâm sự: “Công nhân chúng tôi muốn gửi con ở nhà trẻ quốc lập, nhưng đều quá tải. Chúng tôi phải đi làm kiếm sống, con chẳng có người trông, đành gửi cơ sở giữ trẻ tự phát này. Và bi kịch đã rơi vào nhà tôi. Các đồng nghiệp của tôi, ai cũng trong trạng thái vừa đi làm vừa nơm nớp lo cho con. Họ sợ phải rơi vào bị kịch này nhưng họ vẫn nhắm mắt gửi con vì... không có sự lựa chọn”.

Không thể đình chỉ hoạt động vì phục vụ nhu cầu bức thiết?

Khảo sát sơ bộ tại một số khu công nghiệp ở Bắc Thăng Long, hầu hết các điểm giữ trẻ chung quanh các khu công nghiệp này đều có đặc điểm là người giữ trẻ không được đào tạo, thiếu phương pháp sư phạm. Hầu hết, trang thiết bị của các “trường” đều tuềnh toàng và xập xệ. Một căn phòng cấp 4 khoảng chừng 20-30m2 cùng vài cái quạt điện, vài cái dát giường, trên đó trải chiếu sờn, vài đồ chơi cũ mèm. Tất cả tạo nên một “trường học” của trẻ.

 Cái nóng gay gắt cuối mùa hạ làm cho căn phòng trông trẻ thêm bức bối. Không bức bối sao được khi căn phòng vẻn vẹn chưa đầy 20m2 mà “nhét” hơn chục đứa trẻ với chiếc quạt bàn “đuổi ruồi”. Những đứa trẻ ấy từ vài tháng đến 4-5 tuổi cùng vạ vật, chơi những đồ chơi sứt mẻ. Trông mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc và xanh xao. Ngay bên cạnh, ổ điện và phích nước nóng được “bày” khắp phòng. Hai “cô giáo” một trên tuổi ngũ tuần, một vị thành niên thay nhau dỗ nẹt “học sinh” của mình.

Ở đây, mỗi nhóm trẻ gồm khoảng 10-15 trẻ trong độ tuổi 1-4 tuổi, được chăm sóc theo kiểu “được chăng hay chớ”. Việc trông nom, chăm sóc, ăn uống, kinh phí  là do thỏa thuận của cha mẹ trẻ với người nhận trông, hoạt động không có giấy phép.

Theo quy định, lẽ ra sau khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, các điểm trông giữ trẻ không bảo đảm các yêu cầu sẽ phải đình chỉ hoạt động. Nhưng thực tế cho thấy, nếu đình chỉ các cơ sở này thì hàng trăm công nhân sẽ không có nơi gửi con để đi làm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động. Vậy là các điểm trông giữ trẻ dẫu hoạt động không có phép, dẫu không bảo đảm các tiêu chuẩn vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, được coi là một giải pháp tình thế trong thời điểm hiện nay.

Sống trong các nhà trẻ tự phát ấy, lẽ dĩ nhiên, các đứa trẻ thơ ngây tội nghiệp không hề biết tai nạn đang rình rập mình. Thương thay!

Muốn xây khu công nghiệp, phải có quỹ đất cho nhà trẻ

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong các khu công nghiệp, có đến 40-50% là lao động nữ và có 70-80% số chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Vì vậy, xây dựng hệ thống nhà trẻ, đáp ứng nhu cầu người lao động trong các khu công nghiệp là đòi hỏi cấp thiết. Các địa phương, cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cần nghiêm túc nhìn lại và sớm có giải pháp về vấn đề xây dựng nhà trẻ ở các khu công nghiệp đã được pháp luật quy định rất rõ: Khi thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất, phải quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà trẻ cho con công nhân... góp phần quan trọng giải quyết nỗi bức xúc, chia sẻ gánh nặng cho người lao động ở các khu công nghiệp.

Bảo Châu  

Đọc thêm