“Nhân dân chưa thực sự tin tưởng lắm“!

(PLO) - Đó là nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về cán bộ trong cơ quan tố tụng hiện nay, nguyên văn: “Kể cả thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên, đối với đội ngũ này hiện nay nhân dân chưa tin tưởng lắm. Vì vậy phải làm sao cho dân tin tưởng để khi có tội phạm người dân vẫn tin vào công bằng trong điều tra, xét xử”.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Rõ ràng, đây là một chủ kiến vì dân, đứng về phía dân, từ địa vị người dân mà mong muốn công bằng, công lý, đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải đáp ứng điều này, đơn giản, chỉ có thế thì mới thể hiện được tinh thần thượng tôn pháp luật và đúng nghĩa với việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực sự.
Cũng đứng về phía nhân dân, cảm thông với người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói như chia sẻ, rất tâm tư: “Cứ gia hạn án, để gia đình bị can, bị cáo đi lại thăm nuôi nhiều, họ khổ lắm!”. Một vấn đề “nhạy cảm”, “tế nhị” là đặc xá, dù không nói thẳng là có trường hợp “chạy đặc xá”, bà lưu ý vai trò kiểm sát để tránh tình trạng can thiệp của cấp này, cấp khác, từ người này, người kia và bà cũng cho biết rõ căn cứ để bà phát biểu điều này từ việc biết rõ thực tế.
Cụ thể hơn, cũng từ tâm thế người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý thẳng thắn: “Viện (kiểm sát) có dám nhận sai về mình thì mới giải oan những vụ oan sai kéo dài hàng chục năm”.
Đúng như vậy, tình trạng các cơ quan tố tụng gây ra oan sai nhưng không dám nhận trách nhiệm, vòng vo đổ lỗi hoặc tìm cách né tránh, ngụy biện, thậm chí khẳng định là mình đúng, chỉ khi nào công luận vạch rõ, hết đường chối cãi thì mới chịu giải oan cho người ta.
Mà khi đã hai năm rõ mười, buộc phải nhận sai, tiến hành những thủ tục minh oan theo luật định cũng chỉ làm qua quýt cho xong, nghìn ngày tù oan mà chỉ được xin lỗi trong 15 phút, đã thế lại có những lời lẽ trịch thượng, khó nghe nên “xin lỗi cũng bằng không”.
Cũng từ địa vị của người dân mà phát biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông K’so Phước khi đề cập đến công tác xét xử đã nói một câu rất đời thường: “Bây giờ người ta còn kêu nhiều lắm”.
Ông dẫn ra những vụ án tham nhũng khi đưa ra xét xử có tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, ban đầu thấy ghê gớm lắm nhưng sau khi xét xử thì thấy cũng “đơn giản thôi”. Điều này trái với nhận định của ngành Tòa án là đã “xét xử nghiêm minh tội phạm tham nhũng”.
Ông K’so Phước thẳng thừng hơn khi nói rằng có những vụ lẽ ra phải đưa vào tội phạm tham nhũng nhưng lại đưa sang tội khác để xét xử. Rõ ràng, phương châm “xử đúng người, đúng tội” chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng tuyệt đối tuân thủ.
Phải làm sao đó để nhân dân thực sự tin tưởng vào hệ thống các cơ quan tư pháp, chỉ có một cách là thực sự công bằng, thượng tôn pháp luật và coi trọng tuyệt đối quyền nhân thân của mỗi con người!/.

Đọc thêm