Hộ nghèo không mấy mặn mà
Theo thống kê, toàn huyện Tây Sơn có 164 hộ nghèo thuộc các xã Bình Nghi, Bình Thành, Bình Tường, Tây Giang, Bình Hòa và thị trấn Phú Phong được xét duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt (PTBL) với mức 12 triệu đồng/hộ.
Để được hỗ trợ, các hộ nằm trong danh sách phải xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà cũ sao cho có kết cấu sàn (gác lửng) cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; diện tích sàn tối thiểu là 10m2. Sau khi người dân hoàn thiện, các ngành chức năng thẩm định, kiểm tra; nếu đáp ứng yêu cầu thì được nhận tiền hỗ trợ.
Tính đến ngày 15/1/2016, số hộ hoàn thành xây dựng nhà ở, đưa vào sử dụng và được hỗ trợ tiền là 32/164 hộ (đạt hơn 19%). Trong năm 2016, số hộ đăng ký xây dựng nhà ở theo Quyết định (QĐ) 48 là… 2 hộ; còn lại, hầu hết các hộ nằm trong danh sách phê duyệt đều không mấy mặn mà.
Đặc biệt, trên địa bàn 3 xã Tây Giang (8 hộ được xét hỗ trợ), Bình Tường (21 hộ được xét hỗ trợ) và Bình Hòa (21 hộ được xét hỗ trợ), đến đầu năm 2016, chưa hộ nào thực hiện xây dựng nhà ở theo QĐ 48.
Thực tế này cho thấy, việc triển khai QĐ 48 trên địa bàn huyện Tây Sơn còn khá chậm; bên cạnh đó, các hộ nghèo thuộc diện được xét hỗ trợ cũng không mấy mặn mà với chủ trương này.
Cần đẩy nhanh thực hiện
Qua tìm hiểu được biết, không phải các hộ nghèo được xét hỗ trợ không có nhu cầu xây dựng nhà ở PTBL; nhưng do mức hỗ trợ tương đối thấp, trong khi chi phí để xây dựng hoàn chỉnh một căn nhà rất cao nên hầu hết người dân đều không muốn “vung tay quá trán”.
Đa số những hộ đã xây dựng nhà ở theo mô hình PTBL trên địa bàn huyện Tây Sơn đều linh động bằng cách cải tạo, sửa chữa nhà cũ; rồi xây thêm phần sàn bằng gỗ ở phía trên để đáp ứng tiêu chuẩn. Thế nhưng, kinh phí xây dựng, sửa chữa vẫn cao hơn mức tiền được hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Văn Điệu, ở khối 1, thị trấn Phú Phong, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, được thị trấn xét duyệt vào danh sách hỗ trợ xây dựng nhà ở PTBL. Dù đã cố “liệu cơm gắp mắm”, chỉ cải tạo, sửa chữa lại nhà và xây dựng thêm sàn bằng gỗ phía trên, nhưng ngoài số tiền được Nhà nước hỗ trợ, gia đình ông phải bù thêm 5 triệu đồng mới có được căn nhà theo chuẩn mô hình PTBL.
Ông Nguyễn Thanh Diên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong, nhìn nhận, QĐ 48 nhằm mục đích giúp các hộ nghèo có nhà ở kiên cố, ổn định, an toàn. Nhưng mức hỗ trợ thấp nên đa số các hộ được xét duyệt hỗ trợ đều không mạnh dạn đăng ký xây dựng.
Hơn nữa, việc phải xây dựng hoàn chỉnh nhà ở, sau đó mới được nhận tiền hỗ trợ cũng khiến không ít hộ gia đình nghèo gặp khó khăn. Còn theo ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn thì việc triển khai xây dựng nhà ở theo QĐ 48 còn chậm, nguyên nhân do nguồn vốn hỗ trợ thấp; nhiều hộ không có kế hoạch vay vốn để xây dựng, nên phần lớn các hộ chưa đăng ký xây dựng nhà ở theo mô hình PTBL.
Có thể thấy, chủ trương hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở PTBL góp phần không nhỏ trong việc tạo chỗ ở an toàn cho người dân, giúp họ “an cư lạc nghiệp”.
Tuy nhiên, để chương trình thật sự phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cần có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Những trường hợp được thụ hưởng cần nỗ lực huy động thêm nguồn lực tài chính để có thể xây dựng những ngôi nhà vững chãi, đảm bảo nơi ở an toàn vào mùa mưa lũ.