Theo đó, các loại tôm càng và cua to, nhất là tôm hùm, phải được gây mê trước khi bị nhúng vào nước sôi. Việc vận chuyển chúng trong đá hoặc nước đá lạnh cũng bị cấm. Ngoài ra, thùng vận chuyển và bình chứa chúng cũng phải đủ rộng để chúng không bị cảm thấy không thoải mái.
Với luật mới này, chính phủ Thuỵ Sỹ thuận theo lập luận của phe cánh những người bảo vệ động vật cho rằng lũ hải sản kia - vốn được thực khách rất ưa thích mà lại thích theo kiểu nhúng thẳng con hải sản còn sống vào nước sôi - có hệ thống thần kinh rất phát triển và rất nhạy cảm. Do đó, chúng phải chịu rất nhiều đau đớn khi đang còn sống mà bị nhúng thẳng vào nước sôi sùng sục.
Bộ luật mới này quy định nhà bếp nhà hàng phải gây mê chúng trước, làm chúng bị tê liệt hoàn toàn hệ thống thần kinh trước rồi mới được nhúng nước sôi. Nhà hàng, khách sạn sẽ có thêm việc để làm đi cùng với nguy cơ bị mất dần thực khách vì như thế thì còn đâu là “tươi sống” nữa và mọi chi phí liên quan đều sẽ tăng.
Bảo vệ động vật nói chung đã trở thành phong trào phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới và các nước đều có nhiều luật lệ tương ứng để thúc đẩy việc này. Nhưng bảo vệ động vật chung là chuyện khác với việc đối xử với những con vật mà con người sử dụng làm thức ăn hàng ngày.
Từ giác độ nhân đạo, việc nỗ lực để hạn chế tối đa nỗi thống khổ của con vật trong cuộc sống của nó trước khi trở thành món ăn trên mâm trên đĩa của thực khách là chuyện không có gì là khó hiểu. Nhưng vận dụng tính nhân đạo này tới cả loài tôm cua thì cho tới nay mới chỉ thấy được luật hoá ở Thuỵ Sỹ. Thiên hạ có thể nhìn nhận và đánh giá rất khác nhau về chuyện này. Nhưng rõ ràng là Thuỵ Sỹ có kiểu nhân đạo riêng.