Nhận diện đội đặc nhiệm 'Gió Lốc' của Pháp

(PLO) -Đội đặc nhiệm can thiệp hiến binh quốc gia Pháp (GIGN) được thành lập ngày 3/11/1973. Tính đến năm 1993, sau 20 năm ra đời, GIGN xuất trận 250 lần làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu thành công hơn 450 con tin. Đây được xem là kỷ lục khó có đội đặc nhiệm nào trên thế giới có thể vượt qua. 
 Một thành viên của GIGN huấn luyện tiếp cận mục tiêu.
Một thành viên của GIGN huấn luyện tiếp cận mục tiêu.

Trong thập kỷ 70 của thế kỷ 20, nhiều nước trên thế giới liên tiếp bị khủng bố tấn công với các quy mô, hình thức, cách thức khác nhau, bất chấp các nỗ lực ngăn cản từ lực lượng bảo vệ của các chính phủ, khiến cho đời sống chính trị, xã hội mất ổn định và tâm lý người dân nhiều nước lo sợ. 

Năm 1972, tại Thế vận hội Olympic tổ chức ở Munich (Đức), các vận động viên người Israel bị tổ chức khủng bố của Palestin ám sát. Không dừng ở đó, năm 1973, Đại sứ quán Ảrập Xêút tại Pháp bị bọn khủng bố tập kích, làm mất mặt chính phủ Pháp.

Hàng loạt sự kiện xảy ra đã thúc đẩy quyết tâm của chính phủ Pháp nhanh chóng xây dựng một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, có đủ sức mạnh đương đầu với các hoạt động khủng bố. 

Ra đời

Ngày 3/11/1978, Chính phủ Pháp chính thức tuyên bố thành lập đội đặc nhiệm chống khủng bố - đội can thiệp hiến binh quốc gia, viết tắt bằng tiếng Pháp là GIGN, cách viết rút gọn của 4 từ đơn trong tiếng Pháp có nghĩa là:

Truy tìm, can thiệp, giải cứu, trấn áp. Đội đặc nhiệm này là một bộ phận trong lực lượng hiến binh, trực thuộc trực tiếp vào Bộ Quốc phòng Pháp, nhưng lại được quyền hoạt động mang tính độc lập rất cao.

Trong thời gian đầu, phân đội can thiệp hiến binh quốc gia có hai sở chỉ huy, một đặt ở Maisonarfe, gần Paris phụ trách miền Bắc và sở chỉ huy thứ hai đặt tại Mendmar, phụ trách miền Nam nước Pháp. 

Thời gian đầu, biên chế của phân đội chỉ có 15 người được chia làm ba tổ, mỗi tổ 5 người, đặt dưới sự chỉ huy chung của Trung úy Berluto. Berluto nghiên cứu khá sâu sắc về tâm lý học tội phạm, ghét những hành động bạo lực, là cao thủ môn Kung fu, thành thạo các loại vũ khí và đánh tay không.

Berluto cho rằng, cái quí của cách dùng binh là ở sự tinh nhuệ chứ không phải ở số đông của lực lượng, thắng là do biết dựa vào mưu mẹo chứ không phải là cậy khỏe.

Chính do điều này nên tiêu chuẩn để lựa chọn các thành viên vào đội của Berluto cũng có những điểm khác người. Thành viên đội đặc nhiệm dưới quyền của Berluto, người trẻ nhất là 25 tuổi, người cao tuổi nhất là 45, họ đều đã có gia đình và con cái. 

Về sau, hai sở chỉ huy của lực lượng can thiệp này được sát nhập làm một, biên chế cũng được mở rộng thành 2 sĩ quan và 40 chiến sĩ, được tổ chức thành 3 phân đội và 1 bộ chỉ huy. Mỗi phân đội gồm 2 tổ hành động mỗi tổ 5 người, 1 người chỉ huy phân đội và 1 người huấn luyện chó nghiệp vụ.

Thông thường mỗi phân đội trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h ngày trong 1 tuần, luôn trong tình trạng sẵn sàng xuất kích đến khu vực xảy ra vụ việc. Sĩ quan Chỉ huy trưởng vẫn là Berluto mang quân hàm thượng úy. 

Khổ luyện

Để hoàn thành được những trọng trách nặng nề, giành những chiến công lẫy lừng, các thành viên GIGN đã tổ chức huấn luyện hết sức nghiêm khắc. 

Để được là thành viên GIGN, các đội viên phải trải qua những bài thử thách thực tế cực kỳ nguy hiểm. Ví dụ, chỉ huy đội cho chiến sĩ của mình là một thợ lặn giàu kinh nghiệm ra giữa sông nằm dài trên tấm phao như người du lịch, tận hưởng làn nước mát lạnh và phong cảnh đẹp đẽ.

Bỗng nhiên, một chiếc ca nô lớn vùn vụt lao đến, người thợ lặn dường như cũng ý thức được mối nguy hiểm liền vụt nhào xuống nước, một tay đẩy chiếc phao sang một bên thì chiếc ca nô đã tới cách anh ta vài mét.

 

Chiếc ca nô cứ vậy chạy thẳng, người thợ lặn bình tĩnh trở lại, trên mặt anh ta lộ rõ niềm vui. Thì ra anh ta bị thử trước khi chính thức trở thành lính của GIGN. 

Cũng như đặc nhiệm của các nước khác, các thành viên của GIGN của Pháp phải trải qua quá trình tập luyện hết sức gian khổ và nghiêm khắc. Để rèn luyện bản lĩnh vững vàng trong mọi điều hiện thời tiết, họ đều phải liên tục thực hiện nhiều khoa mục huấn luyện.

Trong đó huấn luyện thể lực và kỹ năng chiến đấu được chú trọng đặc biệt. Họ phải nắm vững nhiều kỹ năng nhảy dù, sử dụng đồ lặn, leo núi, lái xe tốc độ cao, bắn súng, đặt thuốc nổ… Họ cũng thông thạo những kiến thức về luật pháp, tâm lý học tội phạm, ngôn ngữ, điện tử, máy móc, đạn đạo. Trong các khoa mục huấn luyện, môn bắn súng có yêu cầu rất cao và được đặt vào vị trí đặc biệt quan trọng. 

Trong các nhiệm vụ tác chiến sau này, chiến sĩ đặc nhiệm phải đơn độc đối phó với bọn khủng bố trong hoàn cảnh hết sức nguy hiểm và phức tạp, nếu có bất cứ sai sót gì đều có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của con tin.

Trong bài tập, yêu cầu đối với mỗi thành viên phải đạt được đó là: Trong vòng 5 giây, sử dụng súng ngắn tự động bắn trúng vào 6 mục tiêu với cự ly 25 mét (lúc đầu là dùng súng ngắn tự động cỡ nòng 9 ly, sau đó dùng súng côn Mgl cỡ nòng 0.357 inh, sử dụng súng trường FR – F1 cỡ nòng 7,62 ly có lắp đầu nòng che lửa bắn trúng mục tiêu đạt tỷ lệ 93% với cự ly trên 200m.

Để vượt tiêu chí, trong một năm huấn luyện mỗi người đã bắn khoảng 12.000 viên đạn. Ngoài ra họ còn thực hiện nhiều tình huống tập theo giả định ở sân bay, đường phố, nhà cao tầng, trong phòng hoặc trong rừng rậm, trên mặt nước, đồi núi, sa mạc...

Họ phải nhanh chóng, tiêu diệt mục tiêu ngay từ phát đạn đầu tiên. Trong điều kiện đêm tối, họ sử dụng súng trường có gắn kính ngắm ánh sáng yếu, chỉ một phát đạn là có thể bắn trúng đồng tiền kim loại ở cự ly ngoài 250 mét. 

Họ còn bắt buộc phải thực hiện một bài tập xạ kích vô cùng nguy hiểm đó là sử dụng súng ngắn bắn đối kháng. Hai người trong bài tập này được mặc áo gi lê chống đạn và nổ súng vào nhau bằng đạn thật, bài tập này đòi hỏi kỹ thuật bắn cao nếu thực hiện có sai sót thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. 

Mọi thành viên trong đội đều là những chuyên gia trượt tuyết và leo núi. Hằng năm thành viên đội đặc nhiệm phải thực hiện ít nhất là năm đợt huấn luyện nhảy dù tại Trường đào tạo lính dù ở thành phố Bo, trên dãy Bilinius.

Khả năng bơi lội của những người lính này cũng không hề tầm thường, ngoài bài tập đối phó với ca nô nhằm rèn luyện sự can đảm và chuẩn bị cho hoạt động đột kích bằng đường thủy, các đội viên còn phải tập bơi cự ly dài, có lúc còn phải kéo theo một hình nhân nặng tới 75kg.

Họ còn buộc phải lặn xuống đáy sông dùng loại bút và giấy đặc biệt viết câu trả lời cho câu hỏi in sẵn trên giấy, tập lặn xuống đáy rồi lại trồi lên, những động tác này đều tiến hành trong khi không được mang thiết bị thở dưới nước. Họ còn phải tập kỹ năng nhảy từ trên cao xuống chỉ dựa vào một sợi dây thừng, bài tập này rất quan trọng, thường được áp dụng khi đổ bộ trên trực thăng xuống đất. 

“Người áo đen”

Đấu tay không là một trong những khoa mục huấn luyện quan trọng. Chỉ thị của chính phủ Pháp đối với lực lượng này là: Trong tình huống bất đắc dĩ và không ảnh hưởng đến tính mạng, sự an toàn của con tin thì mới được phép sử dụng các loại vũ khí có khả năng tiêu diệt kẻ thù; do đó, họ chủ yếu phải dựa vào khả năng võ thuật để khống chế kẻ thù.

Mỗi thành viên trong đội đều đã từng đạt danh hiệu "Vận động viên đai đen", tất cả đều là những cao thủ sử dụng quyền cước. Rèn luyện sức bền cũng là khoa mục bắt buộc, thường xuyên của đội. Hàng ngày, vào lúc sáng sớm họ phải mang trên người cả chục ki-lô-gam vũ khí, trang bị, chạy trên cự ly vài ki-lô-mét.

Quá trình rèn luyện kiên trì ngày này qua ngày khác đã biến họ trở thành những người mình đồng da sắt. Thành viên của đội còn thường xuyên được đưa đến trung tâm huấn luyện toàn quốc dành cho lực lượng đặc nhiệm, thực hiện khoa mục lẩn trốn, hành quân dã chiến, tìm lương thực, tấn công, rút lui.

Có khi máy bay trực thăng đưa họ đổ bộ xuống khu đầm lầy rừng rậm ở châu Phi, chịu để muỗi, vắt, cá ăn thịt người tấn công, nhằm nâng cao khả năng chống chọi để tồn tại của họ trong điều kiện cực kỳ khó khăn, hiểm nghèo. 

Chỉ khi nào đã vượt qua được những thử thách kể trên, người lính của đội can thiệp mới nhận được chiếc đai lưng màu đen tượng trưng cho địa vị của họ. Các thành viên của lực lượng này khi tham gia các hoạt động chống khủng bố luôn xuất hiện trong bộ quần áo đen, nên họ được mọi người gọi với cái tên "Người áo đen"...

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 72, ngày 26/9/2016)

Đọc thêm