Nhận định thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch tới, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co tích lũy vào đầu tuần, trước khi được kỳ vọng sẽ có biến động mạnh theo hướng tăng điểm về cuối tuần.
VN-Index sẽ tiếp tục cần thêm thời gian dao động tích lũy trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 930-932 điểm và vùng kháng cự 940-943 điểm. Tuy nhiên, BVSC kỳ vọng thị trường sẽ sớm bứt phá phá khỏi vùng giá đi ngang này theo hướng tích cực. Nếu vượt qua thành công vùng kháng cự 940 - 943 điểm, chỉ số hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 960-970 điểm trong ngắn hạn.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDCS cho rằng, hiện tại chỉ vài cổ phiếu mạnh được giao dịch lạc quan, còn lại đa số đều vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào cho thấy dòng tiền vẫn đang còn e ngại về sự rủi ro của thị trường trong giai đoạn hiện nay.
VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư nên cẩn trọng trong giao dịch và đồng thời hạn chế bắt đáy các cổ phiếu đang ở mức giảm sâu khi chưa có thông tin hỗ trợ.
Thực tế, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu nhiều tác động tới từ dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 thì một số nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ như dệt may, thủy sản lại có tuần bứt phá mạnh mẽ nhờ việc Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Tại nhóm cổ phiếu dệt may, tuần qua, VGT tăng 2,3%, MSH (4%), TCM (6,5%), TNG (7,3%), GMC (10%), GIL (16,5%), STK (7,8%)...
Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng tăng mạnh mẽ với VHC tăng 1,8%, NGC (9,1%), MPC (15,7%), ICI (4,1%)...
Dù hai nhóm cổ phiếu trên tăng mạnh nhưng cũng chỉ giúp cho thị trường bớt ảm đạm chứ không giúp thị trường chung tăng điểm vì đây là những nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ.
Bên cạnh đó, hàng loạt mã vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán như BVH giảm 4,7%, VIC giảm 3,8%, VNM giảm 3,4%, SAB giảm 2,6%, VJC giảm 2%... tạo áp lực giảm điểm lớn lên thị trường chung.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tăng, giảm trái chiều. Trong khi ACB tăng tới 10,7%, TCB tăng 5,2%, TPB tăng 4,8%, STB tăng 4,2%, SHB tăng 3,1%, MBB tăng 0,6% thì HDB giảm 4,6%, BID giảm 3,1%, EIB giảm 1,2%, VCB giảm 0,8%.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí trong tuần qua tăng mạnh, điều này đã giúp nâng đỡ thị trường chung. Các mã cổ phiếu lớn như: GAS tăng 2,8%, PLX tăng 2,9%, POW tăng 5,2%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tăng giá do được hưởng từ đà đi lên của giá dầu thế giới.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/2, giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng, giữa lúc Trung Quốc vẫn chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ cao ngay khi diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 3/2020 tăng 63 xu Mỹ (1,2%), lên 52,05 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2020 cũng tiến 98 xu Mỹ, tương đương 1,7%, lên 57,32 USD/thùng.
Với kết quả này, giá dầu WTI ghi nhận mức tăng 3,4% trong cả tuần qua, trong khi giá dầu Brent đạt mức tăng tương ứng 5,2%. Đây là tuần đi lên đầu tiên của giá dầu thế giới kể từ tuần kết thúc ngày 3/1/2020.
Việc các nhóm cổ phiếu diễn biến tăng giảm trái chiều nên chỉ số chứng khoán tuần qua cũng có diễn biến giằng co.
Tuần giao dịch qua (từ 10 - 14/2), sau phiên đầu tuần giảm mạnh, các chỉ số biến động giằng co phân hóa ở các phiên còn lại. VN-Index kết thúc tuần giao dịch giảm nhẹ 0,35% so với tuần trước, xuống mức 937,45 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 4,59% lên 109,74 điểm.
Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn biến động tiêu cực trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 160 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16,4% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 33 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 14,9%. Việc thanh khoản giảm cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư.
Khối ngoại tuần qua cũng tiếp tục bán ròng cổ phiếu, nhưng mức độ bán ròng đã giảm đi rất nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 183,4 tỷ đồng trên toàn thị trường, mức bán ròng này giảm 74% so với tuần trước đó.
Tại các thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 14/2) đã có tín hiệu khởi sắc, thiết lập mức tăng hàng tuần đầu tiên trong vòng 4 tuần qua nhờ diễn biến tích cực từ dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19.
Vào thời điểm giữa phiên giao dịch, chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 0,5% lên 2.921,25 điểm, trong khi chỉ số CSI300 tăng 0,8%. Như vậy, trong tuần, chỉ số Thượng Hải đã tăng 1,6%, còn chỉ số CSI300 tăng 2,4%.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,6% lên 27.895,49 điểm. Chỉ số Thâm Quyến cũng tăng 0,8% và chỉ số tổng hợp dành cho các start-up Trung Quốc tăng gần 1%.
Trước đó, ngày 13/2, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc chắc chắn có thể hạn chế tối thiểu tác động từ sự bùng phát của dịch COVID-19 và sẽ duy trì động lực phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng đánh giá rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng "nhẹ" do dịch bệnh tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, do ảnh hưởng của COVID-19, kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, song đà giảm tốc này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn nếu dịch bệnh được ngăn chặn.
Cuộc khảo sát trên, được Reuters thực hiện với 49 chuyên gia kinh tế tại Trung Quốc, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, cũng như châu Âu và Mỹ từ ngày 7-13/2. Kết quả khảo sát cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ giảm từ 6% ghi nhận trong quý trước đó, xuống còn 4,5%, từ đó kéo mức tăng của cả năm nay từ 6,1% đạt được trong năm 2019 xuống còn 5,5%, mức tăng thấp nhất kể từ ít nhất là năm 1990.
Tuy nhiên, các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát cũng lạc quan cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi trong quý 2/2020, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 5,7%./.