Nhận lệnh tấn công, quân đội miền Đông Libya kiểm soát phía Tây thủ đô Tripoli

Ngày 4/4, hãng tin RT đưa tin Quân đội miền Đông Libya, lực lượng xưng là Quân đội Quốc gia Libya (LNA), đã tấn công và giành quyền kiểm soát khu vực Surman ở phía Tây thủ đô Tripoli của nước này.
Các lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar làm nhiệm vụ tại khu vực Sebha, miền nam Libya, ngày 6/2/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, người đứng đầu LNA, Tướng Khalifa Haftar đã ra lệnh tấn công thành phố này.

Ngày 3/4, Người phát ngôn LNA Ahmed Mesmari cho biết lực lượng này chuẩn bị tiến về các tỉnh miền Tây đất nước, bao gồm cả thủ đô Tripoli. Cuộc tiến quân được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Tướng Khalifa Haftar và diễn ra chỉ vài ngày trước thời điểm diễn ra Hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về thúc đẩy tiến trình bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này.

Hội nghị của LHQ dự kiến được tổ chức từ ngày 14-16/4 ở miền Tây Lybia. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã có mặt tại Lybia để chuẩn bị cho hội nghị này. Ngày 4/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về nguy cơ tái đối đầu giữa các phe phái đối địch tại Libya trong bối cảnh các lực lượng thuộc Quân đội miền Đông Liby đang chuẩn bị tiến về thủ đô Tripoli.

Trên mạng xã hội Twitter, người đứng đầu LHQ đăng tải thông điệp nêu rõ: "Tôi vô cùng quan ngại về sự chuyển dịch quân sự đang diễn ra tại Libya và nguy cơ xảy ra đối đầu. Không có giải pháp quân sự. Chỉ có đối thoại nội bộ Libya mới có thể giải quyết những vấn đề của nước này". TTK LHQ Guterres kêu gọi các bên tại Libya bình tĩnh và kiềm chế trong bối cảnh ông chuẩn bị gặp các nhà lãnh đạo tại Libya.

Ngay sau khi LNA công bố thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) Fayez al-Serraj đã gọi đây là hành động “leo thang” căng thẳng, đồng thời kêu gọi LNA chấm dứt các hoạt động “đe dọa”.

Thủ tướng Fayez cũng cho biết đã ra lệnh cho các lực lượng thân chính phủ chuẩn bị đối phó với các “mối nguy hiểm” đến từ các nhóm khủng bố, tội phạm, những kẻ ngoài vòng pháp luật, cũng như những lực lượng có ý định đe doạ an ninh của các tỉnh thành trong cả nước.

Bàn đồ Libya. Ảnh: cnbc

Lybia vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chế độ của nhà độc tài Moamer Gaddafi. Tại đây đang tồn tại hai chính quyền ở miền Đông và miền Tây, với các lực lượng vũ trang riêng. Cụ thể, LNA trung thành với Tướng Haftar ủng hộ chính quyền miền Đông đối trọng lại với GNA ở miền Tây do LHQ hậu thuẫn.

dù hai bên đã ký thỏa thuận chính trị do LHQ bảo trợ vào cuối năm 2015, nhưng Libya vẫn chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ. Hiện tại, GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội, mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhóm vũ trang để bảo vệ thủ đô.

Đọc thêm