Nhân sự ở EVNNPC: Người mới phải thổi “làn gió” mới

(PLVN) - Chọn đúng người, đặt đúng chỗ để không chỉ tròn vai trong công việc  mà còn tạo ra “làn gió” mới trong hoạt động quản trị, kinh doanh - là đòi hỏi số một trong công tác tổ chức nhân sự ở Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC).        
Ông Nguyễn Phúc Thịnh (ngoài cùng bên trái) nguyên Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc được điều động làm Giám đốc PC Hòa Bình
Ông Nguyễn Phúc Thịnh (ngoài cùng bên trái) nguyên Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc được điều động làm Giám đốc PC Hòa Bình

Những Giám đốc “cơm niêu nước lọ”

 Với gần 40 đơn vị thành viên và trực thuộc, hằng năm, EVNNPC phải triển khai  nhiều quyết định liên quan tới tổ chức bộ máy. Vì thế, việc sát hạch để bổ nhiệm, điều động, luân chuyển giữa các bộ phận, đơn vị… đã trở thành nề nếp trong công tác cán bộ ở đây.

Thậm chí, một số “sếp lớn” trong Ban Tổng Giám đốc của EVNNPC cũng từng “cơm niêu nước lọ” về địa phương để kiêm nhiệm thêm công tác tại một số đơn vị cơ sở.

Những năm gần đây, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp Ban ở tổng công ty này đã về địa phương nhận nhiệm vụ Giám đốc công ty điện lực (PC) ở các tỉnh Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lai Châu... Mới nhất, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện cũng đã đến Hải Phòng kiêm thêm chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc PC của thành phố cảng.

“Luân chuyển, điều động trước tiên là sự tuân thủ quy định của ngành, của tổ chức. Ngoài ra, trong một số trường hợp, còn giúp giải quyết vấn đề nhân sự cho những địa bàn khó khăn, trọng yếu... Quan trọng hơn, thông qua công tác này, tổng công ty mong muốn tạo ra “làn gió” mới cho chính nhân sự và cơ quan, đơn vị - nơi tiến hành làm công tác cán bộ”, Chủ tịch EVNNPC Thiều Kim Quỳnh nói và nhấn mạnh thêm, sự mới mẻ, sáng tạo trong quản trị, điều hành luôn là điêu cần thiết đối với một bộ máy nhất là với những doanh nghiệp kinh tế - kỹ thuật của ngành Điện.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Huy Hoàng - Giám đốc Ban Quản lý dự án Xây dựng điện miền Bắc - một cán bộ từng có 3 năm từ Hà Nội lên Điện Biên làm Giám đốc công ty điện lực tỉnh, cho biết, môi trường công tác mới, những người cộng sự mới... đã giúp một cán bộ ngành Điện luân chuyển như ông có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác.

“Khi rời Hà Nội lên Tây Bắc nhận nhiệm vụ, tôi xác định cho mình tinh thần đi để học hỏi, để có thêm trải nghiệm về nghề nghiệp, công việc... Quả là như vậy! Khi đặt chân tới đơn vị mới, một miền đất mới, thực sự có quá nhiều điều mới cho mình học hỏi, thâu nạp mà suốt 10 năm trước đó, khi còn là Giám đốc một đơn vị trực thuộc EVNNPC, tôi không thể có được vì chưa có điều kiện để cọ xát và thử sức”, ông Hoàng chia sẻ thêm.

Ông Bùi Xuân Thành - Giám đốc PC Lai Châu (trước là Chánh Văn phòng EVNNPC) tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó của huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Ông Thành là 1 trong số những cán bộ được điều động, luân chuyển đầu năm 2020.
Ông Bùi Xuân Thành -  Giám đốc PC Lai Châu (trước là Chánh Văn phòng  EVNNPC) tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó của huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Ông Thành là 1 trong số những cán bộ được điều động, luân chuyển đầu năm 2020. 

Người mới thổi “làn gió” mới

Theo quan sát, những cán bộ trẻ của EVNNPC sau khi được điều động luân chuyển về cơ sở đã bắt nhịp khá nhanh với guồng quay công việc mới. Ở đó, họ phải quán xuyến, bao quát nhiều việc hơn khi còn công tác tại các đơn vị tham mưu chuyên sâu một lĩnh vực ở tổng công ty. Ngoài ra, tại cơ sở, những người đứng đầu đơn vị còn phải thay mặt tổng công ty giữ mối liên hệ với địa phương, hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

“Là một doanh nghiệp quốc doanh trung ương khi điều động cán bộ về các đơn vị thành viên ở địa phương, chúng tôi lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất, nhân sự đó phải phù hợp với công việc, với địa bàn. Điều thứ hai là phải nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ từ địa phương, cơ sở. Có những điều này, người cán bộ mới có “đất” để truyền cảm hứng trong lao động, sản xuất cho tập thể mới”, Chủ tịch EVNNPC nhấn mạnh.

Có thể nói, những dấu ấn của ngành Điện tại các địa bàn khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa… trong những năm gần đây đã chứng tỏ sự hợp lý trong khâu sắp xếp, bố trí cán bộ quản lý của EVNNPC. Đồng thời thông qua đó cũng giúp những cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động có điều kiện thể hiện khả năng quản trị, điều hành với một tinh thần đổi mới.

Những cán bộ trẻ về địa phương không chỉ góp phần giúp ngành Điện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình mà thực sự đã sống, làm việc và trở thành những người con của những vùng đất mới.

Tại đó, không chỉ với vai trò là doanh nghiệp cung cứng năng lượng cho phát triển, hình ảnh những người cán bộ ngành ngành Điện gần gũi với đồng bào dân tộc ở Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình… Các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng do EVNNPC phát động thực sự là một “gạch nối” găn kết hơn ngành Điện với chính quyền và nhân dân các tỉnh.

“Tôi vẫn nghĩ rằng,về công tác ở địa phương, điều quan trọng là phải duy trì sự ổn định, đoàn kết và truyền thống của đơn vị; từng bước phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng các chỉ tiêu kinh tế của đơn vị... Ngoài ra, việc đồng hành, hỗ trợ, dân vận, giữ mối liên hệ giữa ngành Điện với cấp ủy, chính quyền địa phương…cũng là điều quan trọng. Đó là những kinh nghiệm thực tiễn tôi có được sau những năm công tác ở Tây Bắc”, nguyên Giám đốc PC Điện Biên Trần Huy Hoàng nói.    

Theo Chủ tịch EVNNPC Thiều Kim Quỳnh, tới đây, tổng công ty sẽ vẫn tiếp tục quan tâm, phát triển cán bộ quản lý theo hướng nói trên vì nó sẽ giúp đội ngũ cán bộ quản lý “cứng cáp”, trưởng thành hơn trong tình hình mới.

“Chắc chắn “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Điều này, những cán bộ được điều động, luân chuyển sẽ hiểu rõ hơn ai hết. Còn với cơ quan, tổ chức thì có cơ hội để đón một “làn gió” mới, tinh thần mới trong công việc từ người lãnh đạo mới. Thực tiễn cho thấy, đó cũng là cách để giúp một số đơn vị thoát khỏi sự trì trệ, lối mòn trong suy nghĩ và hành động”, ông Quỳnh khẳng định.   

Đọc thêm