Nhân vật của ca từ

(PLVN) - Bằng nhiều cách khác nhau, nhân vật trong văn chương bước ra đời thường hoặc chuyển hóa vào các lĩnh vực nghệ thuật khác. Thấy rõ nhất là hiện tượng các cuốn tiểu thuyết chuyển thành kịch bản và xây dựng thành phim ảnh và đó thường là các bộ phim ăn khách.
“Để Mỵ nói cho mà nghe” trở thành phổ biến quen thuộc trên mạng xã hội cũng như đời thường là do được truyền cảm hứng từ những tác phẩm âm nhạc.
“Để Mỵ nói cho mà nghe” trở thành phổ biến quen thuộc trên mạng xã hội cũng như đời thường là do được truyền cảm hứng từ những tác phẩm âm nhạc.

Cũng tương tự như vậy, các bài thơ được phổ nhạc, sức lan tỏa của lời thơ mạnh hơn rất nhiều và phổ cập rộng rãi đến công chúng, đến nỗi, người ta chỉ biết đến bài hát còn quên mất bài thơ cũng như tác giả của bài thơ bị “khuất bóng” sau người nhạc sỹ.

Những nhân vật của văn chương cũng “phổ cập” đến mọi người theo cách mà những hình tượng nhân vật, danh từ gọi tên hóa thành tính từ, chẳng hạn như “nàng Kiều” dùng chỉ gái bán dâm, “tú bà” thì ai cũng biết là gì và kể cả việc chuyển giới tính sang “tú ông”, còn “sở khanh” dùng chỉ chung cho những người bạc tình, lọc lừa phụ nữ,... Những Chí Phèo, Thị Nở hay lão Hạc cũng tương tự như vậy. Chúng ta còn thấy hiện tượng “những cô Tấm thời nay” hay “sức mạnh Phù Đổng” hoặc “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”,...

Ngay cả tại lĩnh vực văn học thôi cũng có sự tiếp nối như có “Hậu Cuốn theo chiều gió”, “Hậu Tam Quốc chí” hoặc ở nước ta là “Hậu Chí Phèo”, cái kiểu “hậu truyện” có nhiều, “ăn theo” các tác phẩm nổi tiếng trước đó, cho dù tác phẩm còn dang dở hay đã hoàn chỉnh.

Chẳng có một nhà phê bình nào lại phê phán hiện tượng này, trái lại còn tung hô, bởi, đơn giản là những cái “hậu” đó phù hợp với cuộc sống đương đại, lý giải những mệnh đề thời cuộc bằng văn chương.

Kể cả sự cải biên, khi những chuyện cổ tích đã thấm sâu vào tâm thức mọi người với những nhân vật thiện và ác thì giờ đây, gió đã đổi chiều, ác thành thiện và ngược lại, chúng ta có thể bắt gặp điều đó trong các tác phẩm văn chương về “hậu” Tấm Cám hay chuyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, kể cả “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, “Cô bé quàng khăn đỏ” và một số truyện cổ tích khác.

Vậy nên, chuyện các nhân vật văn học, kể cả cổ tích “bước ra” đời thường trong lĩnh vực âm nhạc, ca hát cũng không có gì là mới lạ. Điều thiết yếu và cơ bản là công chúng (người xem và người nghe) tiếp nhận như thế nào.

Từ thời trung cổ, tại phương Tây, đã có những người hát rong và chủ đề của họ là những nhân vật lịch sử trong văn chương và truyền thuyết. Những người hát rong này chính là người kể lại lịch sử và truyền cảm hứng cho những thế hệ kế tiếp nhau và vì thế lịch sử và huyền thoại luôn luôn được “sống lại” trong cộng đồng và cả xã hội.

Hiện tại, trong âm nhạc và ca từ, trào lưu làm “sống lại” các nhân vật văn chương hay truyền thuyết khá hấp dẫn công chúng. Điển hình như “Để Mỵ nói cho mà nghe” trở thành phổ biến quen thuộc trên mạng xã hội cũng như đời thường là do được truyền cảm hứng từ những tác phẩm âm nhạc.

Một cô Mỵ yếm thế, cam phận và chạy trốn đã cải biên và trở thành một cô Mỵ đương thời hồn nhiên nhưng quyết đoán, có thể định đoạt số phận mình và mang lại sự vui tươi cho cộng đồng đã được đón nhận nồng nhiệt. Tương tự như các nhân vật khác xuất hiện trong làng showbiz như bài viết tại trang này.

Hơi thở cuộc sống là cái cần có trong bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Tái tạo những nhân vật văn chương, “thổi” vào đó suy nghĩ và cách sống đương đại chẳng những hấp dẫn công chúng mà còn góp phần minh họa cho thế giới quan, nhân sinh quan của lớp trẻ hiện thời. Điều này lý giải vì sao các tác phẩm âm nhạc và ca từ này có đất sống và cả hơn thế được nhiều người ưa chuộng.

Đó cũng là cách ứng xử văn hóa với các nhân vật văn chương đã trở thành hình tượng cho xấu và tốt, thiện và ác, lương tâm và trách nhiệm có sức sống mãnh liệt trong tâm thức của một cộng đồng rộng lớn. Chớ vội chê trách và cũng không xiển dương quá đáng, hãy dành chỗ cho cảm nhận nghệ thuật và sự mách bảo của lương tri, nhân cách làm người!