Nhanh chóng hiện thực hóa quy hoạch tỉnh: Bài 2 - Phát huy tiềm năng khác biệt, thế mạnh riêng có

(PLVN) - Công tác quy hoạch tỉnh được yêu cầu phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra và khai thác tối đa được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải được khó khăn, thách thức của đất nước và từng vùng, từng địa phương.
Đà Nẵng xác định xây dựng thành phố trở thành thành phố đáng sống. (Ảnh: Vân Anh)
Đà Nẵng xác định xây dựng thành phố trở thành thành phố đáng sống. (Ảnh: Vân Anh)

Phát huy thế mạnh riêng của từng địa phương

Nằm ở cực Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên là tỉnh miền núi có tiềm năng để phát triển thủy điện, lâm nghiệp, nông nghiệp, văn hóa kết hợp du lịch. Với hơn 400km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và Lào, tỉnh còn có vai trò là “phên dậu” của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước; là nơi có những cảnh quan tươi đẹp, nhiều cộng đồng dân cư sinh sống và đặc biệt có di tích lịch sử Điện Biên Phủ được cả thế giới biết đến.

Tuy nhiên, tăng trưởng GRDP của tỉnh còn thấp hơn so với trung bình chung của cả nước. Xét chung về giá trị GRDP cũng như tốc độ tăng trưởng GRDP của Điện Biên đều thuộc nhóm thấp của cả nước. Điện Biên cũng gặp nhiều khó khăn để phát triển kinh tế như vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm; điều kiện địa hình phức tạp, chia cắt mạnh; tài nguyên khoáng sản tuy đa dạng về chủng loại nhưng trữ lượng thấp và nằm rải rác trong tỉnh; chỉ số năng lực cạnh tranh chưa cao; trình độ dân trí và nguồn nhân lực thấp…

Với mục tiêu xác định tầm nhìn trong trung và dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các thế mạnh, khắc phục được các điểm yếu của tỉnh, nắm bắt được các cơ hội, lường trước các thách thức, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ để phát triển kinh tế - xã hội, công tác lập quy hoạch tỉnh được cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm, huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, kinh tế.

Điện Biên hướng đến là một trong những trung tâm du lịch của vùng. (Trong ảnh: Hướng dẫn viên thuyết minh tại Khu di tích lịch sử Mường Phăng - Ảnh: Quốc Định).

Điện Biên hướng đến là một trong những trung tâm du lịch của vùng.

(Trong ảnh: Hướng dẫn viên thuyết minh tại Khu di tích lịch sử Mường Phăng - Ảnh: Quốc Định).

Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 109/QĐ - TTg ngày 27/01/2024. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Quy hoạch tỉnh Điện Biên thể hiện rõ định hướng “phát huy tiềm năng, phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử”. Trong đó phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh.

Trong khi đó, Cà Mau là tỉnh cực Nam và là tỉnh duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển. Nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên tỉnh rất thuận lợi trong giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực. Ngoài ra, vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam do tỉnh quản lý có diện tích lên tới 71.000km2.

Quy hoạch tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023, trong đó xác định quan điểm quy hoạch là phát huy hợp lý, hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, riêng biệt, lợi thế về biển, đảo làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện, đưa Cà Mau sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Phát triển theo hướng xanh, bền vững

Quy hoạch các tỉnh, thành phố được xây dựng với nguyên tắc phải phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển; thể hiện được tầm nhìn và quan điểm đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển…

Đường bờ biển dài mang lại lợi thế cho phát triển điện gió tại Cà Mau. (Ảnh: Trọng Nghĩa)

Đường bờ biển dài mang lại lợi thế cho phát triển điện gió tại Cà Mau. (Ảnh: Trọng Nghĩa)

Đáng chú ý, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cùng với ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ là một trong những quan điểm phát triển nổi bật được nêu rõ trong nhiều bản quy hoạch của các địa phương.

Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023) nhấn mạnh quan điểm: Khai thác tối đa các lợi thế đặc thù về vị trí địa lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tiếp cận, nắm bắt, tận dụng hiệu quả các thành tựu, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, toàn diện theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Cụ thể, theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong phương hướng phát triển công nghiệp, Hà Nam xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô… thu hút đầu tư phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.

Đối với TP Đà Nẵng, Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị. Trong đó, có xác định quan điểm phát triển: Đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển theo chiều sâu kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, sinh thái, duy trì các điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

“Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống; duy trì đa dạng sinh học, khai thác sử dụng tài nguyên; bảo đảm tỷ lệ sử dụng đất hợp lý, tận dụng tối đa ưu điểm, lợi thế của từng vùng; ưu tiên lựa chọn công nghệ giảm phát thải các bon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hội nghị COP 26”, Đà Nẵng xác định. Trong phương hướng phát triển ngành công nghiệp, Đà Nẵng nêu rõ: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Với những mục tiêu quan trọng như thế, Quy hoạch mở ra một chương mới đầy triển vọng cho Đà Nẵng. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hình rõ quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong hơn 20 năm tới và giải quyết hài hòa giữa “bài toán” phát triển kinh tế, đô thị với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Với quyết tâm cao nhất, Đà Nẵng nỗ lực, phấn đấu để xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Và đường hướng của Đảng và Nhà nước đã mở ra trang sử mới, đưa Đà Nẵng bước vào chặng đường chinh phục mục tiêu vươn tầm quốc tế.

Đọc thêm