Nhanh như chớp - sai kiến thức trầm trọng

(PLVN) - Mới đây, trò chơi truyền hình Nhanh như chớp khi phát sóng đã bị khán giả phát hiện sai kiến thức địa lý trầm trọng. Ở tập 22 phát sóng tối 24/8, khi chương trình đặt ra câu hỏi “Động Hương Tích ở đâu?”, Nam Thư trả lời là Huế. Trường Giang khẳng định câu trả lời đúng. Trên thực tế, động Hương Tích thuộc khu du tích Hương Sơn, ở Mỹ Đức, Hà Nội. 
Tập 22 chương trình Nhanh như chớp khi phát sóng đã bị khán giả phát hiện sai kiến thức địa lý trầm trọng.
Tập 22 chương trình Nhanh như chớp khi phát sóng đã bị khán giả phát hiện sai kiến thức địa lý trầm trọng.

Tập 22 chương trình này được đăng lên trên youtube, tuy nhiên sau khi khán giả lên tiếng, thay vì đính chính lỗi sai của mình, chương trình lại làm một hành động khó hiểu là hạ clip xuống, sau đó chỉnh sửa và đăng lại.

Trong đoạn clip đã được chỉnh sửa và đăng lên sau, câu trả lời của Nam Thư đã được lồng tiếng, sửa lại câu trả lời là ở Hà Nội, nhưng người nghe có thể nhận ra ngay tiếng lồng vào. Cú sửa lỗi vụng về và khá thô thiển này đã khiến khán giả còn “giận” hơn ban đầu. 

Ý kiến khán giả cho rằng, thà để lỗi sai và lồng vào lời đính chính, hoặc chương trình lên tiếng xin lỗi khán giả sẻ dễ chịu hơn cách làm khỏa lấp, gian dối này.

Trước đó, chương trình Nhanh như chớp, một chương trình hỏi đáp kiến thức dành cho người tham gia là người nổi tiếng đã bị khán giả “nhặt sạn” là thường có lỗi sai kiến thức.

Ví dụ như câu hỏi “chất đạm được tiêu hóa trong ruột non hay ruột già”, câu trả lời “chất đạm chỉ được tiêu hóa trong dạ dày”, thực tế chất đạm có thể được tiêu hóa trong ruột non. Hay một tập khác, câu hỏi ra kể tên 20 quốc gia đăng cai World Cup, trong khi đến nay chỉ mới có 17 quốc gia đăng cai.

Nhanh như chớp cũng như khá nhiều chương trình truyền hình nhan nhản hiện nay được thực hiện khá “ẩu” ở khâu nội dung. Có chương trình MC vui đùa quá trớn đến xúc phạm người tham gia, có chương trình MC vạch đời tư của thí sinh ngay trên sân khấu khiến thí sinh là người nổi tiếng bị khán giả mổ xẻ.

Chương trình khác thì thí sinh nói xấu lẫn nhau, hay có lời nói thiếu văn hóa… Nghiêm trọng hơn, có chương trình còn mang nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục… Tuy nhiên, mỗi khi có sai sót, bị khán giả phản ứng, động thái của các chương trình này hầu như là âm thầm hạ clip, xóa clip hoặc im lặng cho qua. Hay “sáng tạo” hơn, như trường hợp Nhanh như chớp là sửa nội dung và đăng tải lại.

Thực sự, qua những ứng xử ấy cho thấy, giờ đây nhiều chương trình được sản xuất nhanh, vội, mong muốn “đánh nhanh thắng nhanh”, thu lợi nhuận, không chú trọng chất lượng chương trình. Cạnh đó, là sự thiếu tôn trọng đối với khán giả, khi có sai sót thì thiếu trung thực, thiếu sòng phẳng và khá coi thường khán giả.

Có lẽ, những chương trình như thế nên sớm được chấn chỉnh, hoặc bị loại khỏi danh sách theo dõi của người xem, bởi cũng chẳng đem lại sự hữu ích nào ngoài những sạn, rác, giải trí và mua vui kiểu “kém sang”.