Nhật Bản công bố kế hoạch phát triển vũ khí siêu vượt âm mới

(PLVN) - Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, chương trình phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm tương lai - HCM và thiết bị lượn siêu vượt âm - HVGP sẽ hoàn thành và đưa vào trang bị trong giai đoạn những năm 2030.
Sơ đồ  thể hiện chương trình phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm tương lai - HCM và thiết bị lượn siêu vượt âm - HVGP.
Sơ đồ thể hiện chương trình phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm tương lai - HCM và thiết bị lượn siêu vượt âm - HVGP.

Thông tin về chương trình phát triển HCM và HVGP được công bố trên website của Cơ quan quản lý Trang bị, công nghệ và hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Trang tin quân sự Defense News dẫn các nguồn tin quốc phòng Nhật Bản cho biết, tên lửa HCM được trang bị động cơ phản lực dòng thẳng hiệu suất cao đáp ứng khả năng đạt tốc độ lên gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Hình dáng của HCM có nhiều nét tương đồng với các dòng tên lửa hành trình ở thời điểm hiện tại, nhưng được chế tạo từ vật liệu chịu nhiệt đặc biệt. Trong khi đó, HVGP được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn giúp duy trì tốc độ bay và khả năng cơ động quỹ đạo bay để giảm khả năng bị đánh chặn.

Thiết kế của HCM và HVGP phù hợp để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có biến thể diệt boongke và diệt hạm với đầu đạn nổ hiệu suất cao. Vũ khí siêu thanh mới của Nhật Bản có khả năng tấn công chính xác cao nhờ các kênh định vị đa kênh kết hợp giữa đầu dò tự dẫn và định vị vệ tinh.

Quá trình dẫn đường tên lửa sẽ được thực hiện kênh dẫn đường phức hợp. Vị trí tương quan của vũ khí với mục tiêu sẽ được hiển thị theo mốc thời gian thực để bộ chỉ huy có các phương án tác chiến phù hợp.

Trong vài năm trở lại đây, Nhật Bản rất tích cực đầu tư cho lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm tương lai. Chỉ tính riêng chương trình HVGP, trong các năm tài khóa 2018-2019, Nhật Bản tổng cộng đã chi 18,5 tỷ Yên. Con số này trong năm 2020 sẽ tăng lên 25 tỷ Yên.

Điểm khác biệt chính của các loại vũ khí siêu vượt âm mới đều có tốc độ bay tiệm cận Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh). Chúng có thể thay đổi quỹ đạo bay, cũng như trần bay rất thấp. Các hệ thống cảnh báo sớm có thể nhầm tín hiệu của dòng vũ khí này với nhiễu nền của mặt đất hoặc thời tiết. Trên thế giới hiện chưa có hệ thống phòng thủ nào bảo đảm khả năng phát hiện và đánh chặn hiệu quả với các dòng vũ khí siêu vượt âm tương lai.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, việc phát hiện và theo dõi các loại vũ khí siêu vượt âm mới khó hơn nhiều so với các loại vũ khí đạn đạo truyền thống. Chúng nhỏ hơn, bay nhanh hơn và có quỹ đạo bay rất phức tạp. Để đối phó với dòng vũ khí tương lai này, cần hệ thống cảnh báo sớm có thể làm việc theo mốc thời gian thực. Hệ thống cảm biến sẽ liên kết với nhau trong mạng truyền thông tin hợp nhất. Việc bảo đảm luồng thông tin được thông suốt trong hệ thống tới trung tâm chỉ huy chính là vấn đề MDA cần giải quyết.