Nhật Bản: Lượng người 'ế' tăng, chính quyền phải làm 'ông mối'

(PLO) - Với việc số người độc thân ngày càng gia tăng trong khi các phương tiện mai mối truyền thống ngày càng ít đi, chính quyền ở một địa phương tại Nhật Bản đang chuyển sang biện pháp xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn để giúp người dân có cơ hội tìm được bạn đời. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Kyodo, trong bối cảnh tỉ lệ sinh ở Nhật Bản tiếp tục giảm, chính quyền nhiều địa phương ở nước này đã có những biện pháp khác nhau để giúp người dân có thêm cơ hội kết hôn. Tại tỉnh Ehime ở phía Tây nước này, trung tâm thúc đẩy hôn nhân ở thành phố Matsuyama từ tháng 3/2015 đã bắt đầu xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ cho hệ thống mai mối của họ.

Để tham gia vào hệ thống này, người dân sẽ phải đăng ký các thông tin cá nhân và trình độ học vấn. Đến nay, hệ thống này tiếp tục bổ sung thêm các thông tin như các sự kiện mai mối mà người tham gia đã dự cũng như lịch sử duyệt web của họ để phân tích các sở thích và đề xuất những người có thể là đối tác hôn nhân.

“Hệ thống dữ liệu lớn được cung cấp đã đưa ra cho tôi những gợi ý về những tuýp người mà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới. Lựa chọn của tôi vì thế cũng đã được mở rộng”, một phụ nữ ngoài 40 tuổi cho biết khi đang ngồi kiểm tra những gợi ý về các đối tác kết hôn tiềm năng trên máy tính bảng.

Theo thống kê, sau khi hệ thống dữ liệu lớn nói trên được công bố, cơ hội để một cá nhân đồng ý với yêu cầu gặp gỡ từ một đối tác tiềm năng đã tăng từ 13% lên thành 29%. Kết quả của sự gia tăng này, theo trung tâm thúc đẩy hôn nhân thành phố Matsuyama là việc đã có 228 cặp đôi kết hôn trong năm tài khóa 2015-2016.

Từ tháng 5 năm nay, những thành viên của hệ thống nói trên cũng có thể đăng tải những đoạn video giới thiệu bản thân có độ dài tối đa là 10 giây. Việc có một hệ thống dữ liệu lớn không phải là lý do duy nhất khiến trung tâm thành công trong việc mai mối. Ở trung tâm còn có khoảng 240 người tình nguyện, hầu hết là những phụ nữ trong độ tuổi 50 và 60, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra lời khuyên cho những người độc thân. 

“Những người tình nguyện cũng tích cực hỗ trợ thúc đẩy các cặp đôi đến được với nhau”, Tổng thư ký trung tâm Hirotake Iwamaru cho hay. Sự thành công của phương pháp kết hợp giữa hệ thống dữ liệu lớn và những người tình nguyện có tên “phương pháp Ehime” ở Matsuyama thậm chí đã khiến nhiều người từ các nơi khác ở Nhật Bản tỏ ra thích thú và tìm đến để học hỏi.

Tại Tokyo, chính quyền thủ đô cũng đã bắt đầu triển khai dịch vụ môi giới cho cư dân. Hồi tháng 3 vừa qua, khoảng 3.000 người đã đến tham gia sự kiện mai mối đầu tiên của thành phố. “Cho đến nay người dân vẫn chưa chú ý lắm đến dịch vụ này nên chúng tôi dự kiến sẽ tiến hành nhiều biện pháp để thu hút nhiều thành viên khác tham gia trong thời gian tới”, một quan chức của trung tâm nói.

Theo một khảo sát do Chính phủ Nhật Bản thực hiện trong năm 2015 và được công bố gần đây, gần 1/4 đàn ông và 1/7 phụ nữ dưới 50 tuổi ở nước này vẫn chưa kết hôn. Trong tình cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã thực thi nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy người dân kết hôn, trong đó có việc hỗ trợ cho các hoạt động mai mối của chính quyền các tỉnh nhằm tăng tỉ lệ sinh đang giảm nhanh chóng. 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng chính quyền các tỉnh không nên đóng vai trò mai mối – vai trò vốn luôn được coi là của họ hàng, cộng đồng những người dân địa phương và đồng nghiệp của những người độc thân. Các chuyên gia về dịch vụ hôn nhân cũng đã kêu gọi chính quyền các địa phương cẩn trọng trong việc thực hiện các nỗ lực mai mối cho người dân. 

Đọc thêm