Chiếc thìa được làm bằng nhựa và kim loại, nặng 60 gam và sử dụng pin lithium, do đó người dùng không cần phải kết nối với nguồn điện mỗi khi sử dụng.
Buổi ra mắt sản phẩm vừa qua đánh dấu lần đầu tiên công nghệ này được thương mại hóa kể từ sau khi đạt giải Ig Nobel cho những nghiên cứu độc lạ vào năm ngoái.
Công ty Kirin dự kiến sẽ bán thông qua nền tảng trực tuyến 200 chiếc thìa muối điện với giá 19.800 yên (hơn 3 triệu VNĐ) vào tháng này. Trong tháng 6 tới, sản phẩm cũng sẽ được bán tại một nhà bán lẻ của Nhật Bản với số lượng giới hạn.
Dự kiến công ty sẽ bắt đầu bán hàng ra nước ngoài vào năm tới với hy vọng có thể đạt được mức 1 triệu người sử dụng sản phẩm trên toàn cầu trong 5 năm.
Thông qua việc truyền điện trường yếu từ thìa, các phân tử ion natri sẽ tập trung trên lưỡi và làm tăng vị mặn của thức ăn lên 1,5 lần mà không cần thêm muối, qua đó có thể thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh hơn.
Công ty Kirin cho biết người trưởng thành tại Nhật Bản tiêu thụ trung bình 10 gam muối mỗi ngày, cao gấp đôi mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu tiêu thụ muối quá mức có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh như cao huyết áp, đột quỵ...Do đó, công nghệ này có tầm quan trọng đặc biệt tại Nhật Bản.
Ai Sato, một nghiên cứu viên tại công ty Kirin chia sẻ: “Người Nhật có văn hóa ăn uống thiên về vị mặn. Tuy cần giảm lượng tiêu thụ muối ăn nhưng rất khó để từ bỏ thói quen ăn uống. Đó là lý do chúng tôi phát minh ra chiếc thìa muối điện này”.