Tạm biệt đất liền
Đúng 8h10 sáng nay 25/4/2025, sau 3 hồi còi hiệu hào sảng, tràn đầy kiêu dũng, con tàu KN491 đã chào cảng quốc tế Cam Ranh, chào đất liền để ra khơi trong sự trào dâng những xúc cảm thiêng liêng của các thành viên trong Đoàn công tác số 14, đến với quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 thân yêu.
|
Nghi thức tiễn Đoàn công tác số 14 ra khơi đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 |
Chúng tôi chào đất liền với khí thế háo hức nhưng cũng đầy lưu luyến khi vào thời điểm đó, khắp các nẻo đường trên dải đất hình chữ S ngập tràn màu cờ đỏ sao vàng của lá quốc kỳ, cùng những âm thanh hào hùng của niềm tự hào dân tộc đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn công tác số 14 đến thăm quân và dân ở quần đảo Trường Sa, cán bộ chiến sỹ Nhà giàn DK1 do Đại tá Ngô Đình Xuyên - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn; Phó trưởng đoàn là ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và ông Đinh Văn Thiệu - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Ngay khi các thành viên trong đoàn ổn định chỗ ở trên tàu, loa phát thanh của tàu thông báo “lệnh” tập trung các thành viên là nhà báo. Tổ thông tin - một “tòa soạn” thu nhỏ - được thành lập với nhiệm vụ thực hiện bản tin về hành trình của chuyến đi để phát thanh trên tàu. Tổ thông tin hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Văn Tặng - Trưởng đoàn Cục Chính trị. Trọng trách người đứng đầu của tổ thông tin được giao cho ông Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam. Thành viên của tổ thông tin gồm có các phóng viên đến từ VTV, Báo Nhân Dân, Báo Khánh Hòa, Đài Truyền hình Khánh Hòa, Báo Pháp luật Việt Nam...
|
Đại tá Ngô Đình Xuyên và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh trước khi lên tàu đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. |
Bữa ăn đầu tiên của đoàn công tác trên con tàu KN491, có một vài đại biểu phải bỏ bữa, do mệt vì say sóng. Tuy nhiên, theo anh Trần Trung Trường - tổ trưởng tổ bếp chia sẻ, nhiều chuyến công tác khác, số lượng người bỏ bữa cơm đầu có khi lên tới nửa đoàn.
Cũng ngay trong ngày đầu tiên, các anh trong tổ bếp đã rất xúc động khi nhận được sự chia sẻ công việc, nhiều chị em trong đoàn cùng nhặt rau, rửa bát... Trong suốt hành trình của đoàn, gian bếp, những bữa ăn của đoàn công tác luôn vui vẻ, ấm áp tình thân khiến các thành viên luôn cảm giác như đang sum vầy trong bữa ăn của đại gia đình.
Cũng trong buổi trưa ngày đầu tiên, các phóng viên thực hiện bản tin đã tới thăm các thành viên tổ lái tàu. Ê kíp tổ lái gồm 3 người mỗi ca, các anh làm việc liên tục 3 tiếng trước khi đổi ca.
|
Anh Phan Văn Trưởng - Phó thuyền trưởng, anh Bùi Hồng Quang - nhân viên Hàng hải và anh Đỗ Đăng Đại - Thủy thủ trong ca- bin tàu KN 491. |
Khi chúng tôi đến, đang là ca trực của anh Phan Văn Trưởng - Phó thuyền trưởng, anh Bùi Hồng Quang - nhân viên Hàng hải và anh Đỗ Đăng Đại - Thủy thủ. Trong lúc đa số đại biểu đang yên giấc ngủ trưa, thì các anh vẫn bám sát vị trí công tác để bảo đảm một hải trình an toàn tuyệt đối cho đoàn.
Ngày đầu tiên của hải trình đến với Trường Sa, các thành viên của đoàn công tác số 14 đã được ngắm hoàng hôn huy hoàng, được thưởng thức trà chiều trên boong tàu, ngắm những đàn cá “bay” trên mặt biển, tận hưởng cảm giác thanh bình khi nhìn những con chim mòng chao liệng trên bầu trời...
Trường Sa - hai tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc
Ngày thứ 2 của cuộc hành trình, sau 30 giờ hành trình trên biển, đoàn công tác đã đến được với quân và dân ở xã đảo Song Tử Tây - huyện đảo Trường Sa.
Ra với Trường Sa lần này, gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ và người dân ở đảo Song Tử Tây, các thành viên đoàn công tác có rất nhiều cảm xúc thật đặc biệt về biển đảo Việt Nam, về Trường Sa - hai tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Đoàn công tác cũng đã đến chùa Song Tử Tây, thắp hương, lễ Phật, nghe tiếng chuông chùa trong không gian lắng đọng và nguyện cầu cho quốc thái dân an, bờ cõi nước nhà trường tồn bền vững.
|
Bà Khương Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp, ông Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo PLVN và các phóng viên Báo PLVN cùng Trung tá Vũ Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây. |
Được sự quan tâm của cả nước, điều kiện về vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên đảo Song Tử Tây (và cả các đảo khác mà đoàn công tác đến trong hành trình sau đó như Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa) đã cải thiện đáng kể. Đảo có các công trình doanh trại khang trang, bề thế. Đảo đã có trường học, khu vui chơi cho thiếu nhi, bệnh xá chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân và các ngư dân đi biển.
|
|
Những công trình khang trang trên đảo |
Rạng rỡ trước bình minh
Sáng ngày thứ 3 của hải trình trên Biển Đông, nhiều thành viên trong đoàn đã thức dậy rất sớm để đón bình minh, nhưng do nhiều mây, nên không nhìn rõ mặt trời. Tuy nhiên, ở phía hướng mũi tàu, lại có một hình ảnh rất rạng rỡ - đảo Đá Thị.
Đảo Đá Thị nằm ở giữa biển khơi mênh mông, nhỏ nhưng vững chãi, kiêu hùng. Xung quanh là rạng san hô tựa như triệu triệu bông hoa ẩn hiện dưới làn nước biển trong xanh. Bước chân lên đảo Đá Thị rồi, cảm xúc về một Đá Thị kiêu dũng càng nhân lên gấp bội trong lòng các đại biểu.
|
Đảo Đá Thị nằm ở giữa biển khơi mênh mông, nhỏ nhưng vững chãi, kiêu hùng. |
Dù điều kiện sống trên đảo Đá Thị còn nhiều vất vả nhưng cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã thực sự khiến “đá nở hoa”. Một vườn hoa rực rỡ sắc màu, khu vườn nhỏ, phải che tứ bề nhưng vẫn xanh non mơn mởn. Hình ảnh đó như một thông điệp nói với chúng tôi rằng các anh đang kiên cường bám đảo, giữ vững bờ cõi Tổ quốc - “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
|
Khác với điều kiện khắc nghiệt của đảo chìm Đá Thị, Sinh Tồn là một hòn đảo lớn, được bao phủ bởi màu xanh mướt mát của cây cối. Màu xanh ấy như gieo vào lòng các vị khách niềm tin về sự sinh sôi, nảy nở, như cái tên Sinh Tồn của đảo.
|
Đoàn công tác số 14 tại cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tồn. |
Ở Sinh Tồn, chúng tôi được nghe tiếng chuông ngân trong ngôi chùa làng Việt, được gặp những em bé tíu tít bên cô giáo trong ngôi trường khang trang, được chứng kiến không khí đầm ấm, yên vui của các gia đình đang sinh sống trên đảo - những ngôi nhà mái ngói đỏ san sát bên nhau, phía trước là những luống hoa, hàng đu đủ trĩu quả,... hình ảnh rất quen thuộc, thân thương quá đỗi của làng quê Việt Nam.
|
Ngôi chùa làng Việt ở đảo Sinh Tồn. |
4 tiếng ở Sinh Tồn trôi qua quá nhanh, khiến các thành viên bịn rịn không muốn về tàu, dù thủy triều đã rút. “Sinh Tồn ơi, chúng em về nhé!” tiếng chào lảnh lót của các cô ca sỹ đoàn ca múa nhạc Hải Đăng vang lên át tiếng sóng biển. Trên cầu tàu, dưới ánh nắng hoàng hôn, quân và dân đảo Sinh Tồn giơ tay lưu luyến chào khách... âm thanh ấy, hình ảnh ấy chắc chắn sẽ in thật sâu trong trái tim của các thành viên trong đoàn công tác.
|
Tưởng niệm những chiến sỹ bất tử
Sáng sớm ngày 28/4, trong không gian mênh mông của biển cả, giữa sóng nước mây trời, các thành viên đoàn công tác số 14 đã được sống trong những giây phút xúc động, vinh dự khi được có mặt tại buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma.
Đây là điểm nhấn đầy cảm xúc trong hành trình công tác tại Trường Sa. Ngay từ ngày đầu tiên bước chân lên con tàu KN 491, các thành viên trong đoàn đã cùng nhau thành kính gấp hàng ngàn cánh hạc giấy để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm.
|
Những cánh hạc giấy được các cô gái phòng 325 cùng các thành viên trong đoàn công tác thành kính gấp để tưởng niệm các liệt sỹ. |
Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Vòng hoa tưởng niệm, những nén hương trầm và ánh mắt rưng rưng của các thành viên trong đoàn là những biểu hiện chân thành của lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh cao cả của 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Máu của các anh đã hòa vào biển cả, các anh khắc tên mình vào sử xanh bằng vòng tròn bất tử - biểu tượng của lòng quả cảm và tinh thần bất khuất vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Lễ thả hoa tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh trên vùng biển Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma. |
Tại nơi tưởng niệm các liệt sỹ, các thành viên trong đoàn không khỏi bùi ngùi xúc động nghĩ tới những ký ức bi tráng về trận chiến không cân sức, nơi những người lính trẻ tuổi chỉ có cuốc, xẻng và trái tim yêu nước làm vũ khí. Họ ngã xuống trong tư thế tay trong tay, giữ vững lá cờ đỏ sao vàng giữa biển khơi. Các anh trở thành huyền thoại bất tử cho lớp lớp thế hệ mai sau học tập và noi theo.
Buổi lễ không đơn thuần là một nghi lễ, mà là một chuyến hành trình trở về quá khứ. Mỗi cánh hạc, mỗi nhành hoa là một lời tri ân sâu sắc gửi đến các anh, những người chiến sỹ bất tử.
Sau buổi lễ tưởng niệm các liệt sỹ, con tàu KN491 tiếp tục đưa đoàn công tác đến thăm hai đảo chìm Len Đao và Cô Lin. Vườn rau xanh mướt của các chiến sỹ đã khiến các thành viên trong đoàn thêm một lần nữa vô cùng xúc động. Màu xanh của những luống rau cho thấy sự cố gắng, khéo léo, sự an vui lạc quan của các cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên đảo.
|
Các đại biểu của Học viện Quốc phòng xúc động trước vườn cây trên đảo đá chìm Cô Lin. |
Kết thúc ngày công tác thứ 5, các thành viên trong đoàn đã có những giây phút bùng nổ niềm vui với phần thi văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các đội thực hiện. Đêm giao lưu văn nghệ "Biển, đảo tổ quốc và người chiến sỹ Hải quân" khép lại bằng liên khúc ca ngợi tình yêu biển đảo, quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác. Bản “hợp xướng” được hơn 200 thành viên đoàn công tác cùng các cán bộ, chiến sỹ thực hiện trên boong tàu KN491. Những phút giây đặc biệt của ngày hôm đó chắc chắn sẽ mãi mãi khắc sâu trong ký ức của các thành viên của đoàn công tác số 14 - tàu Kiểm ngư KN491.
|
Đội văn nghệ của đoàn Bộ Tư pháp tham gia Liên hoan "Biển, đảo tổ quốc và người chiến sỹ Hải quân." |
Tự hào Trường Sa
Sáng 29/4, tàu KN491 đưa chúng tôi vào đảo Đá Tây A, một căn cứ hậu cần nghề cá quan trọng của Việt Nam. Nhìn cơ sở hạ tầng và lượng tàu cá vào thực hiện các dịch vụ, chúng tôi hình dung nơi đây là điểm tựa vững chắc của ngư dân vươn khơi bám biển, vừa khai thác tài nguyên đất nước vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên đảo Đá Tây A, chúng tôi đến viếng một ngôi miếu nhỏ, có tạc những dòng chữ rắn rỏi:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."
Quả thật có đứng ở nơi trời biển thiêng liêng của Tổ quốc như thế này mới thực sự thấm thía hai chữ “chủ quyền”.
|
Ngôi miếu nhỏ ở đảo Đá Tây A. |
Rời đảo Đá Tây A, chúng tôi di chuyển về đảo Trường Sa trong niềm cảm xúc bồi hồi khó tả. Biển cả quê hương ta dài rộng quá.
29/4 là một ngày đặc biệt quan trọng: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Trường Sa. Thị trấn Trường Sa hôm ấy cờ hoa rực rỡ. Các tầng lớp Nhân dân vui tươi, phấn khởi tề tựu về khu vực trung tâm đảo dự Lễ kỷ niệm.
|
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Trường Sa tại Thị trấn Trường Sa. |
50 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trên huyện đảo đã lập được thành tích xuất sắc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của huyện đảo Trường Sa. Bên cạnh những thành tích xuất sắc về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; quân và dân huyện đảo Trường Sa còn làm tốt công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ ngư dân gặp nạn trên biển, tạo một điểm tựa vững chắc cho ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển...
Giây phút chia tay thị trấn Trường Sa xúc động đến nghẹn ngào! Quân và dân Trường Sa đứng bên cầu cảng tiễn đoàn công tác. Người trên đảo, người dưới tàu cùng hòa ca những giai điệu về Tổ quốc thiêng liêng, những giai điệu lúc tha thiết, lúc hào hùng... như muốn kéo dài mãi không dừng. Khi tàu đã rời xa bến đậu, những cánh tay, những lời hát vẫn bịn rịn không dừng.
|
Lưu luyến ở Trường Sa |
Đâu đó có tiếng chuông chùa thoảng đưa trong gió. Giữa biển trời mênh mông, Trường Sa vẫn vững vàng với vị trí thành đồng phía Đông của Tổ quốc.
“Trái tim” đất liền giữa biển khơi
Ngày cuối của hải trình, như một sự thử thách của thiên nhiên, trời nổi cơn giông đem theo những làn mưa nặng hạt.
Giữa cơn sóng lớn, Đại tá Ngô Đình Xuyên - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân - Trưởng đoàn công tác - đứng lặng lẽ rất lâu trong buồng lái. Ông hướng mắt về phía nhà giàn, kiểm tra chi tiết về sức gió, mức sóng, độ đầm của các loại xuồng...
|
Đại tá Ngô Đình Xuyên "cân não" trước khi quyết định đưa đại biểu lên Nhà giàn. |
Giữa cơn sóng lớn, các cán bộ của tàu KN491 đã dũng cảm xuống xuồng làm công tác tiền trạm. Trên tàu, các đại biểu bất chấp mưa giông, gió lớn đã ra boong tàu hướng mắt về Nhà giàn DK1.
Và rồi mọi mong chờ đã được tưởng thưởng. Ngay khi trời quang mây tạnh, Đại tá Ngô Đình Xuyên đã ra chỉ thị chấp thuận cho đoàn công tác được rời tàu để di chuyển đến Nhà giàn. Đại tá cho biết việc này “có chút phiêu lưu” nhưng ông tin tưởng vào năng lực của cán bộ, chiến sỹ và tin tưởng vào bản lĩnh của đại biểu.
Khi lên được Nhà giàn rồi, mới thấy những khát khao, sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, chiến sỹ tàu KN491 và đoàn đại biểu đã được đền đáp xứng đáng. Không chỉ được chứng kiến sức người, sức của, sự kiên cường của các cán bộ, chiến sỹ tại Nhà giàn, các thành viên của đoàn công tác số 14 còn được xem trực tiếp lễ duyệt binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước qua màn hình truyền hình trực tiếp. Cảm xúc tự hào về đất nước được nhân lên bội phần.
|
Đoàn công tác tại Nhà giàn DK1/20 |
Có rất nhiều giọt nước mắt xúc động đã rơi ở Nhà giàn DK1/20, nơi được mệnh danh là “trái tim” đất liền giữa biển khơi.
Đó là những cảm xúc thiêng liêng cao quý không thể phai nhạt trong cuộc đời các thành viên trong đoàn. Chúng tôi rất mong các cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên Nhà giàn cảm nhận được sự khâm phục và lòng biết ơn của chúng tôi đối với các anh lớn lao đến nhường nào.
7 ngày trên biển, “Song Tử Tây”, “Đá Thị”, “Sinh Tồn”, “Len Đao”, “Cô Lin”, “Đá Tây A”, “Trường Sa”, “Nhà giàn DK1/20”- đó không chỉ là những cái tên, mà đã trở thành một “điểm neo” thật ấm áp, thật gần gũi thân thương trong lòng mỗi thành viên đoàn công tác số 14. Trường Sa ơi! Hẹn ngày gặp lại!
|
Tình quân - dân, đất liền - biển đảo ấm áp ở Trường Sa. |