Ngày 9/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến.
Cùng dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và đại diện Bộ, ngành liên quan của Việt Nam.
Hội nghị tập trung thảo luận hai nội dung chính là hợp tác Mekong – Nhật Bản trong phòng chống, ứng phó với đại dịch Covid-19 và các biện pháp tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư nhằm phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, các Bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường các nỗ lực chung trong phòng chống dịch bệnh và tái thiết nền kinh tế.
Về hợp tác y tế và phòng chống dịch bệnh, Hội nghị nhất trí thúc đẩy chia sẻ thông tin một cách minh bạch, kịp thời giữa các nước về các chính sách và biện pháp ứng phó đại dịch Covid-19; tăng cường hợp tác nghiên cứu dịch tễ học và thu hút nguồn lực phục phát triển và sản xuất vaccine; hợp tác củng cố hệ thống y tế quốc gia mỗi nước.
Để phục hồi kinh tế, Hội nghị thống nhất tăng cường hợp tác về bảo đảm hoạt động của chuỗi cung ứng khu vực; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng hoàn cảnh mới; duy trì dòng chảy thương mại và đầu tư; ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; và phát triển hạ tầng chất lượng cao.
Nhân dịp này, các Bộ trưởng đánh giá cao hợp tác của Nhật Bản với khu vực Mekong trong cuộc chiến chống Covid-19 và hoan nghênh các sáng kiến mà Nhật Bản thông báo tại Hội nghị.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ 56 triệu USD thiết bị y tế và hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho cán bộ y tế các nước Mekong; cung cấp ít nhất 50 triệu USD cho các nước Mekong nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh; cung cấp khoản vay Hỗ trợ ứng phó khẩn cấp với khủng hoảng Covid-19; và triển khai sáng kiến KUSANONE Mekong SDGs với tổng kinh phí là 1 tỷ Yên Nhật viện trợ không hoàn lại để giúp các nước Mekong triển khai các dự án về cải thiện y tế cộng đồng, môi trường giáo dục, nâng cao năng suất nông nghiệp, xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân và cải tạo môi trường sống.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh sự cần thiết có cách tiếp cận toàn diện, vừa ứng phó dịch bệnh, vừa khôi phục kinh tế.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các chính sách toàn diện mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành.
Phó Thủ tướng cũng thông báo Việt Nam đang tiếp tục áp dụng các biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời từng bước mở cửa lại nền kinh tế.
Về định hướng hợp tác, Phó Thủ tướng khẳng định hợp tác Mekong - Nhật Bản có thể hỗ trợ hiệu quả quá trình phục hồi kinh tế của các nước thành viên bằng việc ưu tiên các các lĩnh vực giúp khôi phục chuỗi cung ứng khu vực, kích thích tiêu dùng và tăng cường năng lực hệ thống y tế.
Phó Thủ tướng nêu ba nhóm giải pháp cụ thể, gồm tăng cường tính bổ trợ và nâng cao sức mạnh tổng hợp của các nền kinh tế, đặc biệt thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án cơ sở hạ tầng; hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa tại các nước Mekong; tạo thuận lợi thương mại và đầu tư; tạo điều kiện để hàng hoá chất lượng cao của các nước Mekong tiếp cận được thị trường Nhật Bản.
Cùng với đó là phục hồi kinh tế đi đôi với bảo vệ sức khoẻ người dân, thông qua tăng cường nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế, nâng cao năng lực theo dõi dịch bệnh, sản xuất vắc xin, xây dựng phòng thí nghiệm cho các nước Mekong; khẩn trương thực hiện “Sáng kiến Mekong - Nhật Bản về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hướng tới 2030”, đặc biệt trong bối cảnh lưu vực sông Mekong đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm thông sâu sắc với người dân Nhật Bản trước những mất mát về người và của do trận lũ lụt vừa qua, đồng thời cảm ơn những hỗ trợ quí báu mà Nhật Bản dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.