Theo AP, ông Suga cho biết Nhật Bản đã điều ít nhất 1 máy bay chiến đấu để theo sát các hoạt động của máy bay Trung Quốc sau khi các máy bay này bay qua khu vực eo biển Miyako nằm ở phía Đông quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư hôm 25/9.
Ông Suga nói rằng các máy bay của Trung Quốc đã không xâm phạm không phận Nhật Bản trong suốt chặng bay vòng quanh dài này nhưng lưu ý đây là lần đầu tiên máy bay của Trung Quốc thực hiện tuyến đường bay đó. Chánh Văn phòng Nội các Nhật cũng thừa nhận hoạt động của các máy bay Trung Quốc có thể là một phần của một cuộc tập trận.
Song, ông Suga nhấn mạnh Nhật sẽ phản ứng cứng rắn trước bất kỳ hành vi nào xâm phạm không phận của Nhật Bản. “Chính phủ Nhật sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động vốn đang ngày càng mở rộng và tích cực của quân đội Trung Quốc đồng thời cũng sẽ tiến hành hoạt động giám sát của chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ vùng đất, lãnh hải và không phận của Nhật” – ông Suga nêu rõ.
Về hoạt động của các máy bay Trung Quốc, AFP dẫn tuyên bố được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 26/9 cho biết 40 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc đã bay qua eo biển Miyako nằm giữa các quần đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản để thực hiện việc huấn luyện ở Tây Thái Bình Dương. Các máy bay này bao gồm máy bay chiến đấu Sukhoi, máy bay ném bom và máy bay tiếp nhiên liệu.
Phía Trung Quốc nói rằng cuộc tập trận được nước này thực hiện nhằm “thử nghiệm năng lực chiến đấu ở vùng biển xa”. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho hay máy bay quân sự của nước này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên qua eo biển Miyako hồi năm ngoái.
Theo The Diplomat, trong năm 2015, lực lượng phòng vệ trên không của Nhật đã chặn máy bay của Trung Quốc tổng cộng 571 lần. Trước cuộc tập trận qua khu vực Eo biển Miyako nói trên, không quân Trung Quốc mới đây cũng đã tiến hành tập trận ở Kênh Bashi – một vùng biển chiến lược quan trọng năm ở giữa đảo Luzon của Philippines và Đài Loan.
Cả Kênh Bashi và eo biển Miyako đều có tầm quan trọng chiến lược đáng kể đối với Hải quân và không quân Trung Quốc vì đây là các khu vực cho phép Trung Quốc tiếp cận khu vực Tây Thái Bình Dương nằm ngoài những điểm chiến lược được Trung Quốc gọi là chuỗi đảo thứ nhất, tức nhóm đảo chạy từ quần đảo Kuril ở Biển Nhật Bản tới Philippines và Borneo.
Động thái của phía Trung Quốc diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong những tháng gần đây đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về việc nước này bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế được công bố hồi tháng 7 vừa qua, theo đó nói rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Tokyo cũng thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước ở quanh Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada hồi đầu tháng tuyên bố nước này sẽ tăng cường can dự ở khu vực thông qua các khóa huấn luyện chung với Hải quân Mỹ, tập trận với các hải quân khu vực và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước ven biển.