Theo Nikkei, quyền lợi lao động và một số vấn đề khác đang là những điểm ngăn trở TPP-11 có hiệu lực vào năm 2019 như kỳ vọng. Cuộc tranh luận về những vấn đề này đã diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP hồi đầu năm.
Để đẩy nhanh tiến trình ký kết hiệp định, Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 26/12 đã có cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh. Các điều khoản liên quan đến tranh chấp lao động trong TPP được cho là một trong những vấn đề đã được 2 bên bàn thảo. Sau Việt Nam, vào đầu tháng tới, ông Motegi sẽ tới Mexico để nhằm giải quyết những khác biệt giữa các bên.
Đến cuối tháng 1/2018, trưởng đoàn đàm phán TPP của 11 nước thành viên còn lại dự kiến sẽ nhóm họp tại TPP để xác nhận các chi tiết của hiệp định. Tiếp sau đó, hiệp định sẽ được xem xét về mặt pháp lý ở mỗi nước thành viên để ký kết vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, mở đường cho giai đoạn phê chuẩn ở mỗi nước. TPP-11 hiện có tên chính thức là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).