Trước đó, Thông tư 06 được cơ quan này ban hành từ cuối tháng 6, bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro cho vay, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 1/9 năm nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ sau đó yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, hoàn thành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc NHNN theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt, kịp thời, tích cực trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, quan tâm chỉ đạo ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
Trước phản ánh của Hiệp hội Bất động sản, DN và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã quyết định ngưng hiệu lực một số quy định tại Thông tư 06 cho đến khi có hướng dẫn mới. Việc này theo NHNN, nhằm ưu tiên hơn tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh DN vẫn còn khó khăn.
Câu chuyện Thông tư 06 đặt ra vấn đề gì?
Hơn bao giờ hết, cuộc sống luôn đòi hỏi các Bộ, ngành quản lý, phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa; đồng thời cầu thị, lắng nghe; từ đó có những giải pháp cụ thể với những vấn đề vướng mắc, bất cập. Đó chính là hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành.
Bản chất của bộ máy hành chính là cung cấp “dịch vụ quản lý”. Thông tư là một loại văn bản quy phạm pháp luật, công cụ của quản lý nhà nước. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân chính là “thước đo” của dịch vụ quản lý.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được xác định là một đột phá chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương.
Đặc biệt, tập trung rà soát các quy định pháp luật còn bất cập, những vấn đề vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; được coi là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay còn một số điều khoản cụ thể trong các luật, nghị định, thông tư, quyết định… bị đánh giá lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo... Đấy là chưa nói đến các quy định về thẩm quyền của các cấp; các quy định vướng nhiều thủ tục nhiêu khê, qua các tầng nấc trung gian, không thể để những vấn đề này “trói” sự phát triển.
Chính vì vậy, cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã ký Công văn số 689/TTg-PL ngày 29/7/2023 về việc này. Văn bản nêu rõ: “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách trong bối cảnh hiện nay”. Sửa đối Thông tư 06 là một trong những việc làm cụ thể để minh chứng cho quan điểm đúng đắn nêu trên.