Với Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là chuyến thăm đầu tiên với địa phương, sau khi ông được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Hà Nội; với Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính Quốc gia, “trái tim” của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.
Sự kiện hai người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ làm việc với Hà Nội cách nhau một tuần, khiến chúng ta nhớ lại chuyến làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959 với Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định Hà Nội có vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu”, bởi đó là nơi “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”. Người mong muốn làm sao để Hà Nội thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, “mạnh khỏe” cả về vật chất và tinh thần.
Tại buổi làm việc mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt nên cần có hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), nâng cao năng lực tài chính - ngân sách, huy động nguồn lực cho phát triển trong thời gian tới...; xác định việc cấp bách của Hà Nội cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là giảm ùn tắc giao thông. Các chỉ tiêu phát triển về kinh tế - xã hội không phải ai cũng biết, nhưng đập vào mắt một đô thị đặc biệt nhếch nhác, ùn tắc giao thông hàng ngày như hiện nay thì rất khó được chấp nhận.
Hơn bao giờ hết, Hà Nội đang cần nhanh chóng đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào cuộc sống; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô (đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến); từ đó mới cụ thể được các chiến lược phát triển, nhiệm vụ trọng tâm trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; vượt qua những thách thức, ngày càng đổi mới, sáng tạo.