Nhận diện khó khăn, thách thức
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta là thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn chậm. Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt yêu cầu.
Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; còn diễn ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, diễn biến thời tiết bất thường,...
Các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Theo Chủ tịch Quốc hội, “nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới là rất nặng nề”. Do vậy, những quyết sách được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vừa rồi sẽ tác động rất lớn đến việc vượt qua các khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành TƯ Đảng, khóa XII; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tạo thế và lực cho năm 2018 và chặng đường phát triển tiếp theo.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan về những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại, để có những quyết sách khách quan, kịp thời, đúng đắn, tạo quyết tâm chính trị cao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và năm 2018.
Trong công tác xây dựng pháp luật, các dự án luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm. Các dự án luật đã tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính,…
Thực hiện quyền giám sát tối cao, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Một số báo cáo của các cơ quan được gửi đến đại biểu nghiên cứu.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội còn thảo luận và quyết định về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13; Ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP HCM; Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về nhân sự thành viên Chính phủ;…
Đẩy mạnh chất lượng không phải chỉ có số lượng tăng trưởng
Trước những vấn đề khó khăn, thách thức của năm 2017 đã được phân tích, làm rõ, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tập trung xử lý nợ xấu, quyết liệt hơn trong cổ phần hóa, thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy giải ngân vốn gắn với nâng cao chất lượng đầu tư công; quan tâm hơn đến khâu phân phối, lưu thông, phát triển thị trường bán lẻ trong nước, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tinh gọn bộ máy, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tăng cường phân cấp cho địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Chính phủ và chính quyền các cấp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân.
Ngay tại kỳ họp này, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chất lượng tăng trưởng và giải pháp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng trưởng khá trong thời gian dài, bình quân năm 2011-2015 chúng ta đạt 6,07% cũng là một tiến bộ, nhất là những năm gần đây chúng ta đạt 6,7%”. Trong cơ cấu kinh tế Việt Nam chủ yếu tăng trưởng cơ cấu rất tích cực, giảm tỷ lệ nông nghiệp, tăng công nghiệp dịch vụ.
“Điều đáng mừng nhất là năng suất lao động của Việt Nam có tăng lên, đó chính là chất lượng của tăng trưởng rất quan trọng” – Thủ tướng chia sẻ. Cùng với đó, dẫn số liệu cho thấy năm nay có thể xuất khẩu tăng gấp 3 lần so với kế hoạch được giao (khả năng tăng đến 21%), Thủ tướng cho rằng, “đó là điều rất đáng mừng. Đầu ra này (xuất khẩu – PV) cũng thể hiện cải thiện chất lượng tăng trưởng, vì sản phẩm được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận”.
Nói về giải pháp đẩy mạnh để nâng cao chất lượng tăng trưởng hơn nữa trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Thủ tướng nhấn mạnh “sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, không phải nhóm đầu ASEAN mà hướng tới OECD bình đẳng, công bằng, minh bạch, ít chi phí, hướng tới nền kinh tế số. Đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi cơ cấu bền vững, đặc biệt là đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường lớn. Đối với Việt Nam thì vấn đề tăng cường kỷ lục, kỷ cương và chống ô nhiễm môi trường rất quan trọng, vấn đề ứng dụng công nghệ, nhất là nền kinh tế số đang đặt ra rất lớn ở Việt Nam để nâng cao chất lượng tăng trưởng”.
“Không có thời gian nhiều, nhưng tôi muốn nêu ý này để báo cáo với Quốc hội rằng cần phải đẩy mạnh chất lượng tăng trưởng, chứ không phải chỉ có số lượng tăng trưởng, mặc dù số lượng vô cùng quan trọng. Vì số lượng liên quan đến nợ công, giải quyết việc làm. Chất lượng đi với số lượng, với giải pháp trên đây, tôi nghĩ cần phải đặt ra đối với kinh tế Việt Nam” – Thủ tướng nói trước Quốc hội.
Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động
Trước mối quan tâm của đại biểu Quốc hội về “Chính phủ kiến tạo”, phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng “Chính phủ kiến tạo là chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước phát triển, để phục vụ người dân tốt nhất”. Bởi nội hàm của Chính phủ kiến tạo theo Thủ tướng là chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước ta phát triển, không để rơi vào thế bị động. Thể chế pháp luật là một điểm nhấn của sự phát triển. Nhà nước không làm thay thị trường, cái gì nhân dân và xã hội làm tốt thì để xã hội làm.
Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không phải là chỉ là nhóm đầu của ASEAN như hiện nay (Việt Nam đang đứng thứ tư) mà còn phải vươn lên nhóm các nước phát triển của OECD. “Một Chính phủ kiến tạo để phục vụ người dân tốt nhất bằng an sinh xã hội, bằng phúc lợi xã hội và trước hết là y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa nên cần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để phục vụ người dân nói chung” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ kiến tạo là “Chính phủ hành động “nói đi đôi với làm”, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt phải thay ngay thẩm quyền những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu. Cán bộ giao mãi không chịu làm, làm chậm trễ để nhân dân mong đợi thì kiến tạo cái gì? Chính phủ điện tử là hướng rất cần thiết để xây dựng Chính phủ kiến tạo trong thời gian tới”.