Trên thực tế, điều nan giải nhất đối với Dự án vào thời điểm hiện nay là nguồn vốn, dù lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, tới đây sẽ đưa ra các giải pháp giúp Tập đoàn tháo gỡ khó khăn.
Huy động nguồn lực từ các đơn vị thành viên
PVN đang nỗ lực đưa nhà máy nhiệt điện 1.200 MW này sớm đi vào vận hành, để mỗi năm có thể cung cấp thêm 7,8 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia. Theo PVN, đến nay tiến độ tổng thể đạt 83%, trong đó công tác thiết kế đạt 99,54%; ký các hợp đồng mua sắm đạt khoảng 95%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,66%; thi công đạt 78,88%; chạy thử nhà máy đạt 3%.
Để tháo gỡ những khó khăn đang cản trở Dự án, PVN đã mạnh dạn thay đổi nhân sự lãnh đạo và thay các nhà thầu yếu kém. Cụ thể, PVN đã bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Hải, trước đó đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện lực Dầu khí (ĐLDK) Thái Bình 2 đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban này. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Lâm đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban QLDA ĐLDK Thái Bình 2. Cùng với đó, Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cũng kiện toàn chức danh Phó Tổng Giám đốc.
PVN đã chấm dứt và thay thế các nhà thầu thiếu hợp tác, năng lực yếu để chuyển giao các hạng mục công việc đang làm chậm tiến độ tổng thể cho các nhà thầu mới có đủ năng lực.
Liên quan đến thiết bị trên công trường, theo quy định của hợp đồng đã ký, thời hạn bảo hành thiết bị sẽ hết hạn vào tháng 11/2018. Do đó, PVN, PVC đã đàm phán với các nhà cung cấp thiết bị để gia hạn thời hạn bảo hành, phù hợp với tiến độ của Dự án.
Ngoài ra, PVN cũng đã huy động nguồn lực từ các đơn vị thành viên như Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Trường Cao đẳng Dầu khí (PVMTC)… trực tiếp đến công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hỗ trợ tổng thầu PVC, thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị, chuẩn bị việc chạy thử và vận hành nhà máy.
Đã qua thời kỳ “đêm dài”?
Theo đánh giá của chủ đầu tư, đến thời điểm này, Dự án nói trên đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của nhà máy. Cụ thể, dấu mốc đầu tiên là hoàn thành công tác nhận điện ngược từ Sân phân phối 220 kV ngày 7/2/2018. Đây được coi là “phát súng” đầu tiên trong năm 2018, tạo đà cho những phần việc quan trọng khác, giúp Dự án có thể vượt qua những “đêm dài” khó khăn. Được biết, trước đó, trong tháng 2/2018, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng đã hoàn thành thi công phần móng, gia công khu vực kho than số 1.
Đến tháng 3/2018, các hạng mục thi công cuối cùng của Nhà điều khiển FGD cũng hoàn thành; tháng 8/2018, hoàn thành thi công phần đế móng kho than số 2,3, và mới đây - ngày 6/11/2018, đã hoàn thành đóng điện vào máy biến áp trạm bơm nước ngọt...
Theo tiến độ và thực tế trên công trường, công việc còn lại của Dự án là khoảng 17%. Tuy nhiên, ở phía trước vẫn còn nhiều thử thách như vấn đề thiếu hụt dòng tiền, công tác thu xếp vốn và triển khai các gói thầu cung cấp dịch vụ chạy thử nhà máy.
Được biết, đầu tháng 11/2018, sau khi thị sát công trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã đề nghị tổng thầu PVC khẩn trương hoàn thành ký kết Hợp đồng dịch vụ chạy thử, lên kế hoạch chạy thử và xác định các mốc tiến độ; hoàn thành Dự án không muộn hơn năm 2020.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nguồn tài chính triển khai Dự án là việc cấp bách nên PVN cần linh hoạt giải quyết tình huống, đảm bảo nguồn vốn; đồng thời Thứ trưởng Vượng cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ chủ trì đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
PVN đang quyết tâm đưa Dự án đi đúng tiến độ, phấn đấu cho mốc đốt lửa lần đầu vào năm 2019, tiến tới đưa Dự án về đích trong thời gian sớm nhất.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với quy mô công suất 1.200 MW do PVN làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 41.799 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm Nhà máy sẽ cung cấp trên 7,8 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương và đóng góp vào ngân sách của tỉnh Thái Bình.