Hàng loạt bất trắc, nguy hiểm dưới bóng cây
Theo báo cáo của UBND TP HCM, trong những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn TP diễn biến nhiều phức tạp (mưa giông, gió lốc cường độ mạnh, bất thường) cộng với nhiều điều kiện bất lợi khác đã gây nên tình trạng cây ngã đổ, rơi gãy nhánh làm thiệt hại về người và tài sản.
Đơn cử như năm 2018 đã có 727 trường hợp cây ngã, 1.406 trường hợp cây gãy nhánh làm 1 người chết, 12 người bị thương; 12 xe ô tô, 11 xe gắn máy, 1 xe ba gác máy, 3 tường rào, 5 mái hiên hư hỏng…
Về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn, UBND TP cho biết, hiện trạng vỉa hè trong các khu dân cư hẹp, do quá trình đô thị hóa mạnh, các nhà cao tầng tăng cao nên thiếu không gian phát triển cho cây xanh.
Đối với các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vỹ, sọ khỉ, bò cạp nước... thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng nên cây có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão.
Đồng thời, tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo lên hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông, lốc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ.
UBND TP cũng nhìn nhận, việc tỉa, cắt cành nhánh chính của cây trong quá trình chăm sóc trước đây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh ở giai đoạn sau - tạo ra nhiều chồi bất định, cành nhánh thứ cấp rất dễ bị tét, gãy khi bị nặng hoặc khi có mưa, giông.
Tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức từ chủ động phá hoại (vướng mặt tiền nhà, quan điểm “phong thủy”…) hay sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ.
Theo UBND TP, các đơn vị thi công thường sử dụng phương tiện cơ giới trong quá trình thi công gần gốc cây, cây bị xâm hại – thân bị tróc vỏ, gãy cành nhánh, rễ bị đứt, phơi lộ rễ trên mặt đất, thậm chí gây nghiêng cây, buộc phải đốn hạ khẩn cấp để đảm bảo an toàn.
Cạnh đó, nhiều tuyến đường vẫn chưa ngầm hóa được hệ thống lưới điện nên xảy ra tình trạng xung đột lưới điện với cây xanh. Cây xanh bị khai quang nhiều lần để đảm bảo an toàn điện nên phần lớn cây xanh bị lệch tán, thân nghiêng... mất mỹ quan đô thị và dễ gây ra gãy đổ trong mùa mưa bão.
Kiến nghị cho địa phương chủ động trồng cây phù hợp
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, để tránh những sự cố đáng tiếc và cải tạo lại hệ thống cây xanh, bên cạnh việc thực hiện các công tác định kỳ, thường xuyên, TP xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra và theo dõi tình trạng cây xanh và tuyến cây xanh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tiếp đó, sẽ có kế hoạch xử lý kịp thời (cắt, mé; chống, sửa; đốn hạ thay thế…). Địa phương cũng nhìn nhận, thời gian qua, TP chưa xây dựng đề án cải tạo, thay thế cây xanh toàn thành phố. TP cũng chưa có nghiên cứu cụ thể về loài cây trồng trên đường phố phù hợp với điều kiện địa phương và có khả năng chống chịu trong mùa mưa bão. Nhưng qua thực tiễn quản lý, TP nhận thấy một số loài cây sau đây có ưu thế đáp ứng cơ bản các điều kiện trên: Me chua, mặc nưa, bằng lăng, giáng hương lá lớn, gõ mật...
Từ những tồn tại này, phía TP kiến nghị Bộ Xây dựng: Việc lựa chọn loại cây trồng trong đô thị phù hợp với điều kiện địa phương và có khả năng thích ứng chống chịu thiên tai đòi hỏi phải nghiên cứu về đặc tính của chủng loại cây và phải thận trọng trồng khảo nghiệm trên đường phố trước khi trồng phổ biến.
Thực tế, thời gian vừa qua, TP có trồng thử nghiệm nhiều loài cây, nhưng theo thời gian, một số loài cây bộc lộ những khiếm khuyết như: cây long não dễ bị sâu bệnh, thường phải cắt cành nhánh khô đột ngột do sâu bệnh, nên tán cây thường bị lệch; cây kèn hồng có hoa đẹp nhưng hiện đang bị sâu đục thân gần gốc, tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ…
Do đó, đối với việc ban hành danh mục cây trồng đường phố, để địa phương chủ động trong việc trên cơ sở đảm bảo khả năng thích ứng tính chống chịu thiên tai, kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành quy định, nguyên tắc khung đối với vấn đề này. TP sẽ thực hiện nghiên cứu, khảo nghiệm để ban hành danh mục cây trồng đường phố có khả năng thích ứng chống chịu thiên tai phù hợp với địa phương.
Về Nghị định số 64/2010 qui định Quản lý cây xanh đô thị, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể để các địa phương có cơ sở và thuận lợi hơn trong việc áp dụng, tuân thủ. Trong đó, TP kiến nghị bổ sung hướng dẫn quy định việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ và xử lý đốn hạ, di dời đối với cây được bảo tồn.
Đối với trường hợp đốn hạ, di dời cây xanh trong quá trình chăm sóc, bảo quản cây của các đơn vị quản lý cây xanh, kiến nghị được miễn giấy phép đốn hạ, di dời và chỉ cần văn bản xem xét, chấp thuận của các cơ quan nhà nước chuyên ngành thuộc UBND TP HCM (Sở Xây dựng hoặc UBND quận, huyện được phân cấp quản lý cây xanh) trước khi đốn hạ, di dời cây.
Về quy định phạm vi an toàn bảo vệ cây và rễ cây: Với quy định bán kính vùng an toàn bảo vệ cây bằng 10 lần đường kính cây tại chiều cao tiêu chuẩn, việc thi công các công trình gần cây xanh sẽ rất khó đáp ứng vùng an toàn (buộc phải đốn hạ cây hoặc phải vi phạm vùng an toàn).
Do đó, kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh phạm vi bảo vệ cho phù hợp thực tế hoặc để TP HCM chủ động xem xét cho từng trường hợp cụ thể, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến cây xanh trong quá trình thi công công trình và đảm bảo an toàn về lâu dài.