Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, kinh phí cấp cho công tác bảo trì các tuyến ĐTNĐ quốc gia hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tối thiểu; điều tiết khoảng 40-50 (đạt 11,1%) vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tổng số 452 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn trên toàn quốc. Mặt khác, vốn cho sửa chữa định kỳ về nạo vét đảm bảo giao thông, về hệ thống báo hiệu, hệ thống kè chỉnh trị đều chưa đáp ứng được nhu cầu.
Do đó, đơn vị này cho rằng cần tăng vốn sự nghiệp để đáp ứng nhu cầu bảo trì và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo tính toán của Cục ĐTNĐ Việt Nam, đến hết 2030, vốn ngân sách cho lĩnh vực này cần tăng khoảng 15,6% mỗi năm.
Theo Quyết định 21/2022/QĐ-TTg, hạ tầng đường thuỷ sẽ được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ĐTNĐ để cải tạo, nâng cấp luồng ĐTNĐ trên các tuyến vận tải chính theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, Quyết định của Chính phủ cũng nêu rõ cần bố trí ngân sách địa phương để phát triển giao thông ĐTNĐ thuộc địa phương quản lý; Ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng container ở phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW rà soát và quy hoạch các bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có điều kiện phát triển, đầu tư các loại hình giao thông khác vào quy hoạch của địa phương, để đảm bảo việc đầu tư mới các bến khách này phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công năm 2020 trong trường hợp sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư.
Về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng ĐTNĐ, bố trí vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng ĐTNĐ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng huy động các nguồn lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu năm sau cao hơn năm trước, với mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu vốn theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) để quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động lĩnh vực ĐTNĐ sau đầu tư, gồm: cơ sở dữ liệu, phần mềm, phần cứng.
Tại hội nghị về đầu tư hạ tầng đường thủy vừa diễn ra, ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, ĐTNĐ nước ta có nhiều thế mạnh, tiềm năng để phát triển. Hiện phương thức vận tải này chiếm khoảng 20% tổng sản lượng vận chuyển của các phương thức vận tải, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục này cũng nhìn nhận những điểm yếu mà vận tải thủy đang gặp phải là liên kết vùng, liên kết với các phương thức vận tải khác còn kém, đầu tư còn manh mún. Hoạt động logistics lĩnh vực đường thủy còn nhiều hạn chế, nhất là khu vực phía Bắc.
Từ đó lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cho rằng vốn NSNN cần tiếp tục dành nhiều cho lĩnh vực ĐTNĐ, tư nhân chỉ đầu tư khi mang lại lợi nhuận. Theo đó, vốn đầu tư công sẽ dẫn dắt vốn đầu tư tư nhân. Khi đó NSNN sẽ tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng như luồng tuyến, nâng tĩnh không cầu, còn tư nhân sẽ đầu tư bến, bãi, cảng bến, phương tiện. Lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các địa phương đồng hành, có chính sách, cơ chế tạo thuận lợi cho DN như dành quỹ đất để xây dựng cảng thủy, cảng cạn…
Những dự án ưu tiên sử dụng vốn Nhà nước
Để thực hiện Quyết định 21/2022/QĐ-TTg, Chính phủ đã đồng ý 6 dự án sử dụng vốn NSNN giai đoạn 2021-2030 gồm: Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống); Dự án WB6 - giai đoạn bổ sung vốn (kênh nối Đáy - Ninh Cơ); Dự án Nâng cấp tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (Hành lang đường thủy số 2); Nâng cấp tuyến VTT Việt Trì - Yên Bái (sông Hồng); Nâng cấp tuyến vận tải thủy Vạn Gia - Ka Long; Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Bắc).