Nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quảng Tây và Vân Nam là cửa ngõ để nông sản Việt Nam vào sâu nội địa của Trung Quốc, và với việc chinh phục được thị trường Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội để nông sản Việt Nam đến được những thị trường khó tính hơn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (Ảnh Bảo Thắng)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (Ảnh Bảo Thắng)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có cuộc chia sẻ với báo chí sau chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).

Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật nhất sau chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác tại 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam vừa qua?

- Thực hiện tuyên bố chung của lãnh đạo của hai nước hồi tháng 10/2022, đặc biệt sau giai đoạn dịch bệnh, chuỗi cung ứng nông sản hai nước bị đứt gãy, Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác cùng với các doanh nghiệp (DN), lãnh đạo các tỉnh có vùng nguyên liệu nông sản lớn sang làm việc với Quảng Tây và Vân Nam để bàn chương trình hợp tác.

Tại các cuộc hội đàm với lãnh đạo hai tỉnh, hai bên đã trao đổi cởi mở, chân thành và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thứ nhất, hai bên thống nhất chỉ đạo các đơn vị hải quan, kiểm dịch hai bên cửa khẩu có cơ chế thường xuyên giao lưu trao đổi quy trình nghiệp vụ, cập nhật thông tin phối hợp thông quan nhanh chóng, đặc biệt ưu tiên các mặt hàng tươi sống vào vụ thu hoạch nhằm giảm ùn ứ, thúc đẩy giao thương nông lâm thuỷ sản (NLTS) thông qua các cửa khẩu thuộc địa bàn hai tỉnh.

Thứ hai, nhất trí tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại (XTTM) biên giới luân phiên hàng năm tại Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh của Việt nam có chung biên giới, nhằm tạo thêm cơ hội gặp gỡ giao thương giữa DN hai nước.

Thứ ba, hai bên thông qua chủ trương xúc tiến thành lập 2 hiệp hội DN nông sản Việt Nam - Quảng Tây và Việt Nam - Vân Nam;

Thứ tư, hai bên đồng ý cử đơn vị đầu mối phối hợp hoàn thiện để lãnh đạo tiến đến ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với chính quyền Quảng Tây, Vân Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào tháng 9/2023, nhân dịp Hội chợ Trung Quốc - ASEAN. (3 lĩnh vực chính trong biên bản gồm: Chia sẻ thông tin; Hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp; Thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng hai bên nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN).

Song song với đó, Bộ NN&PTNT cũng tiếp xúc với lãnh đạo hải quan hai tỉnh và cùng đi đến thống nhất 4 nhóm vấn đề chính: Đề xuất các giải pháp tăng năng lực thông quan (Tăng số lượng DN ưu tiên; Hợp tác XNK “một cửa một điểm dừng”; Thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau; Nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm); Cử đầu mối thông tin liên lạc nhằm kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong giao thương nhóm mặt hàng NLTS; Tổ chức họp luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm giữa Cục Hải quan tỉnh Quảng Tây, Vân Nam với các cơ quan chức năng của Việt Nam; Phối hợp đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm bổ sung các mặt hàng trái cây, thủy sản; bổ sung DN nông sản, thủy sản được phép xuất khẩu (XK) vào thị trường Trung Quốc cũng như cho phép thủy sản sống của Việt Nam XK qua cửa khẩu tỉnh Vân Nam.

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh tại tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh tại tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thương mại NLTS giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt sau khi Trung Quốc có chính sách Zero-Covid?

- Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn. Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch. GDP quý I tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng NLTS Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất như: thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thịt gia súc gia cầm... Rõ ràng, chúng ta cần tận dụng cơ hội này, cộng thêm sự gần gũi về địa lý, có chung đường biên để tăng cường vận chuyển hàng nông sản trên bộ, đáp ứng được nhu cầu trước mắt của khoảng 100 triệu dân hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, và lâu dài là các tỉnh nội địa của Trung Quốc...

Tuy nhiên, hạ tầng khu vực cửa khẩu của cả hai bên hiện đều đang quá tải so với nhu cầu giao thương, nhiều mặt hàng nông sản tươi có giá trị cao vào vụ, có nhu cầu từ DN Trung Quốc nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu. Nhiều mặt hàng có giá trị cao, có nhu cầu lớn vào thị trường Trung Quốc chưa được mở cửa như một số mặt hàng trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc gia cầm.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục thay đổi những quy định về chính sách về nhập khẩu (NK) nông sản, thực phẩm. Một số tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm NK đã ngang bằng, thậm chí có quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm, kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả những thị trường có tiếng là khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Phía bạn đánh giá như thế nào về chất lượng NLTS của Việt Nam? Và còn điều gì chúng ta cần khắc phục, thưa Thứ trưởng?

- Trong chuyến công tác có hai diễn đàn XTTM nông sản ở Quảng Tây và Vân Nam, có trên 100 DN của Trung Quốc và 20 DN Việt Nam theo đoàn đã trao đổi rất nhiều vấn đề để cùng hợp tác.

Cả hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều đánh giá cao tiềm năng và chất lượng nông sản của nước ta, đồng thời cam kết tiếp tục có những hoạt động thúc đẩy, quảng bá, XTTM cho nông sản hai bên, theo hướng bổ sung cho nhau. Dù làm việc với cơ quan nào, phía bạn luôn xác định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng.

Tuy nhiên, qua trao đổi cũng cho thấy, việc hợp tác thương mại giữa DN hai nước còn thiếu tính bền vững. Đó là chưa xây dựng được chuỗi liên kết nông sản an toàn và bền vững để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chuỗi cung ứng chưa được xuyên suốt còn đứt gãy nên các DN vẫn chủ yếu bán lẻ và đi tìm mối, không có sự kết nối.

Đó không chỉ vấn đề xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói mà còn vấn đề logistics để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa hai bên. Khi hình thành chuỗi này, DN có thể đăng ký trước thời gian thông quan ở cửa khẩu, giảm nguy cơ gây ách tắc. Chẳng hạn tại Trung Quốc, khi xe cách cửa khẩu khoảng 70 km, cửa khẩu đã bắt đầu làm thủ tục thông quan. Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng mô hình này không những giải quyết được rất nhiều vấn đề ách tắc tại cửa khẩu mà còn truy xuất được nguồn hàng hóa. Điều này cũng đòi hỏi DN phải áp dụng thương mại điện tử, công nghệ số, kết nối với các cơ quan chức năng.

Khi xây dựng được chuỗi kết nối, các cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện, tháo gỡ kịp thời nếu DN có vướng mắc. Qua đây, cũng có thể nắm bắt được nhu cầu nông sản từ hai phía, từ đó thúc đẩy kim ngạch XNK giữa hai nước…

Qua các buổi làm việc, tôi nhận thấy Trung Quốc rất coi trọng "chữ tín" trong kinh doanh nông sản. Do vậy, tôi muốn gửi thông điệp gửi đến các DN nông sản trên cả nước, đó là đề nghị các bạn đảm bảo đúng theo quy định mà phía Trung Quốc yêu cầu, thay vì coi đây là thị trường dễ tính. Chinh phục được thị trường Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội đưa sản phẩm đến những thị trường khó tính hơn. Chúng ta phải hình thành thói quen xây dựng quan hệ thương mại bền vững, dựa trên chữ tín, kết hợp với điều hành xây dựng chuỗi cung ứng thì mới mong đưa hàng hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm