Trao đổi với phóng viên PLVN Online sáng nay, 2.8- bên lề hội thảo xây dựng tiêu chí và chỉ số giám sát chương trình phục hồi hổ toàn cầu-, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho biết các cơ sở thí điểm nuôi hổ đang xin nhà nước cho phép được bán hổ. “ Có lẽ việc nuôi không cho sinh sản rất tốn kém, quá sức của các cơ sở này”, ông Tuấn nhận định.
|
Ông Hà Công Tuấn |
Những cơ sở nào xin bán hổ và nhà nước có đồng ý cho các cơ sở này được bán không, thưa ông?
Hiện nay có một số cơ sở đang nuôi hổ tại một số công viên, nhiều nhất là ở khu Đại Nam. Tại Bình Dương có 2 doanh nghiệp nuôi thí điểm rất lớn là doanh nghiệp Thanh Cảnh và Thái Bình Dương. Từ khi chính phủ cho phép 2 cơ sở này nuôi thí điểm, chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng ở đây quản lý rất chặt, mọi động thái của 2 cơ sở này với số hổ đang nuôi nhốt đều được quản lý, giám sát. Bởi vậy có biểu hiện là công ty Thái Bình Dương xin nhà nước cho phép được bán hổ. Chắc có lẽ do nuôi rất tốn kém.
Đương nhiên là dứt khoát nhà nước chúng ta không cho phép bán. Ở ngoài này cũng có 2 trại nuôi hổ là ở Thái Nguyên và Thanh Hóa chúng ta cũng quản lý chặt chẽ. Trang trại của ông Chiến ở Thanh Hóa khi hổ chết họ cố tình nấu cao nhưng cũng vẫn bị tiêu hủy. Chúng ta đã quản lý rất chặt chẽ.
Xin ông cho biết số lượng hổ của Việt Nam còn trong tư nhiên hiện nay cụ thể khoảng bao nhiêu con và sống phân bố trong khu vực nào?
Việt Nam chúng ta vẫn còn hổ, số lượng khoảng 30-60 con. Con số chính xác đến giờ chưa ai điều tra được. Số lượng hổ phân bố ở các khu vực rừng tự nhiên giáp ranh biên giới nước ta với Lào và Campuchia. Các dấu vết của hổ chúng ta phát hiện được tập trung chủ yếu ở khu vực Pù Mát, Phong Nha – Kẻ Bàng, khu vực VQG Yordon, giáp ranh Cát Tiên với vùng rừng lân cận. Trên cơ sở này chúng ta đã có điều tra sơ bộ và xác định sẽ xây dựng 3 khu bảo tồn hổ trong tự nhiên.
Đây là mục tiêu hết sức khó khăn, mặc dù chúng ta rất nỗ lực và chúng ta cố gắng để đạt mục tiêu đó nhưng việc bảo tồn trong tự nhiên của chúng ta không phải dễ. Muốn bảo tồn được phải xác định được quần thể loài có một số lượng đủ lớn mới tồn tại, sinh sản và phát triển. Chúng ta sẽ tập trung vào 3 khu vực bảo tồn, chúng ta đã có chương trình kế hoạch nhưng hiện chưa được nhiều. Trên cơ sở hoạch định được những khu bảo tồn như vậy chúng ta sẽ tiến hành ngăn chặn hoạt động săn bắn, gây hại và khôi phục sinh cảnh sống. Tất cả các hoạt động này chúng ta mới chỉ làm được bước đầu.
3 khu có tiềm năng bảo tồn hổ của Việt Nam là các khu vực: từ Mường Nhé đến Sốp Khộp, Pù Mát tới Phong Nha Kẻ Bàng và Sông Thanh Quảng Nam. Khu có quần thể hổ tự nhiên lớn nhất là nằm ở Chư Mom Rây ( Kontum) giáp với Lào và Campuchia. |
Quốc tế ghi nhận Việt Nam là quốc gia chung chuyển động vật hoang dã(ĐVHD) trong đó có hổ, thực tế thời gian qua tình trạng này diễn biến như thế nào, thưa ông?
Chúng ta đã khẳng định trong nhiều năm qua là tập trung nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này. Chúng ta đang nỗ lực cao nhưng ngăn chặn chưa được nhiều bởi để làm được phải có sự hợp tác liên ngành, nhiều lực lượng. Vừa rồi chúng ta đã thành lập mạng lưới cơ quan thực thi pháp luật để quản lý ĐVHD, thực hiện hoạt động này và đã tổ chức nhiều hoạt động với các bạn nước bạn Lào, Campuchia để phối hợp lực lượng quản lý các tuyến xuyên biên giới. Chúng ta kiên quyết đấu tranh với các hành vi xâm hại các loại tự nhiên, vi phạm pháp luật nhưng thực tế ở nước ta đã thuần dưỡng được nhiều loài ĐVHD rất bền vững như cá sấu , khỉ, rắn…Tôi cho rằng việc làm ăn ngay thẳng của doanh nghiệp, của bà con thì chúng ta nên hướng dẫn và ủng hộ không nên đánh đồng tất cả các loài có nguồn gốc ĐVHD đều là trái pháp luật.
Riêng với những loài nguy cấp cao, không thể nuôi sinh sản được, thậm chí gây xung đột giữa người với các loài đó như như hổ, voi, báo thì chúng ta kiên quyết không khuyến khích việc gây nuôi và yêu cầu các cơ sở nuôi phải chấm dứt. Tuy nhiên giữa quan điểm bảo tồn tư nhiên và bảo tồn ngoài nơi cư trú như thế nào cũng là câu chuyện chúng tôi đang xin tư vấn, lắng nghe các nhà khoa học.
Ví như loài gấu chúng ta đã quản lý rất chặt và gắn chíp theo dõi song làm vậy thì các cơ sở chỉ nuôi nhân đạo ( cho đến khi gấu chết) chứ không cho sinh sản trong khi gấu ở trong tự nhiên cũng khó bảo tồn 100%. Như vậy thực tế sẽ là : gấu trong tự nhiên giảm, số đang nuôi hết đời là chết. Vấn đề giữ nguồn gen sống của các loài này như thế nào. Chúng tôi đang bàn với trung tâm cứu hộ Tam Đảo, phải tổ chức cho nuôi bán hoang dã, cho sinh sản chứ không dăm ba năm nữa cứ quản chặt thế này số gấu đang được nuôi nhốt trong dân sẽ chết hết.
|
Hổ nuôi ở khu Đại Nam- ảnh TL |
Nhưng không quản lý chặt thì sẽ xảy ra tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”?
Đúng vậy.Chúng ta lên án hành vi phá, bắt từ tự nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ buông lỏng với các loài này nhưng quan điểm bảo tồn cần nhìn rộng hơn. Nếu như chúng ta để bảo tồn trong phòng thí nghiệm thôi thì đương nhiên sẽ là không bền vững.
Được biết Việt Nam đang cùng với 13 nước có hổ xây dựng tiêu chí và chỉ số giám sát chương trình phục hồi hổ toàn cầu. Các hoạt động này sẽ được thực hiện ở Việt Nam như thế nào thưa ông, liệu chúng ta có áp dụng các biện pháp quản lý hổ bằng công nghệ cao như một số nước trên thế giới không?
Việc đầu tiên chúng ta phải làm là phải điều tra hiện trường, xác định số lượng tương đối. Nơi cư trú của loài hổ chủ yếu ở biên giới nên phải có sự phối hợp giữa các quốc gia để điều tra và tổ chức bảo vệ liên biên giới, cùng nước bạn khoanh vùng sinh cảnh sống của hổ, đó là bước đầu tiên hoạch định chiến lược lâu dài bảo tồn hổ. Việc quản lý bằng công nghệ cao các bạn quốc tế như Ấn Độ và một số nước khác đã áp dụng, chúng ta đã nghiên cứu nhưng việc áp dụng ở ta là không dễ. Họ có các vùng rừng rộng lớn, họ có thể khoanh hàng rào điện tử hay gắn chíp thì với ta khó vì đồng bào ta sống xen kẽ trong vùng sinh cảnh của hổ nên không dễ di dời người dân ra khỏi nơi đó. Hơn nữa chúng ta có tập quán sử dụng động vật hoang dã, các sản phẩm của hổ rất quý.
Ông có e ngại rằng việc khoanh vùng như trên sẽ “vẽ đường” cho các đối tượng săn bắn hổ trái phép không?
Cái gì cũng có hai mặt, chúng ta khoanh vùng, chỉ ra là nơi bảo tồn hổ thì kẻ săn bắn trộm sẽ lợi dụng nhưng nếu không khoanh vùng thì chúng ta không bao giờ bảo tồn được. Chúng ta cần khoanh vùngđể tăng cường năng lực về nhân lực, tài chính để quản lý nó. Vấn đề là người dân mà quay mặt đi thì kiểm lâm có tăng gấp mấy lần cũng không bảo vệ được.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Lương (Thực hiện)
Lúc nhỏ tôi chưa có điều kiện, vì tôi là con nhà nông dân lớn lên ở Thái Bình. Lớn lên làm nghề này thì không dám ăn. ( Ông Hà Công Tuấn trả lời khi phóng viên hỏi ông có sử dụng các sản phẩm từ hổ hay không) |