Nhiều đề xuất thay đổi chỉ tiêu 'cứng' trong công tác thi hành án

(PLO) - Nhiều việc, ít người, chấp hành viên gánh quá nhiều đầu việc, khó khả thi trong việc đạt chỉ tiêu “giảm việc, giảm tiền” và các ý kiến đồng thuận cao trong việc đặt ra chỉ tiêu trong công tác thi hành án... là những nội dung chính của buổi toạ đàm “Việc thực hiện chỉ tiêu tỉ lệ thi hành án dân sự - Thuận lợi và khó khăn” do Cục Công tác phía Nam tổ chức ngày 11/5/2018.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu khai mạc toạ đàm
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu khai mạc toạ đàm

Có chấp hành viên “gánh” 750 việc!

Toạ đàm cùng với buổi lấy ý kiến dự (THADS) thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thống kê trong thi hành án dân sự đã diễn ra tại TP Vũng Tàu, với sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và sự tham gia của 25 đại diện Cục THADS khu vực phía Nam.

Theo sự chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn, toạ đàm diễn ra với tiêu chí nói thẳng, nói thật và đi sâu sát vào thực tế. Lãnh đạo các đơn vị thi hành án địa phương không chỉ cần xoáy sâu vào những khó khăn, vướng mắc, chỉ ra được điểm nghẽn mà còn phải nêu được nguyên nhân và  đề xuất các giải pháp thì mới đạt được hiệu quả toạ đàm cần hướng đến.

Một cái khó chung tồn tại nhiều năm nay mà hầu hết các đơn vị thi hành án khu vực phía Nam đều đưa ra, đó là vấn đề “nhiều việc, ít người”. Phía Nam là khu vực có số tiền, số việc phải thụ lý hàng đầu cả nước. Chỉ tính riêng TPHCM, số lượng việc THA đã chiếm 15% cả nước. Tuy nhiên, chỉ tiêu về biên chế và chấp hành viên (CHV) không đủ đáp ứng, và năm 2017 lại tiếp tục giảm so với năm 2016. 

Con số từ các Cục THADS đưa ra cho thấy, hiện các CHV đang phải “gánh” những đầu việc khổng lồ. Cục THADS Cà Mau, mỗi CHV có khi phải thụ lý lên đến 750 việc. Tại Bình Dương, theo chia sẻ của Cục trưởng Cục THADS, việc mỗi CHV “gánh” 500-700 việc mỗi năm là thường. Con số tương tự cũng xảy ra với các địa phương như Tây Ninh, Đồng Nai... Theo thống kê từ Cục CTPN đưa ra thì có đến 12/25 địa phương có số việc bình quân/CHV từ 300 việc trở lên. Tính về tiền, có đến 5 địa phương có số tiền bình quân từ 50 tỷ đồng trở lên/CHV. Đó là một áp lực lớn cho các cơ quan THA lẫn CHV.

Chỉ tiêu “giảm việc, giảm tiền” khó đạt được?

Một vấn đề được nhiều Cục THADS địa phương rất quan tâm đó là hai chỉ tiêu “giảm việc, giảm tiền” trong 4 chỉ tiêu chính mà Bộ đưa ra với các địa phương. Đại diện Cục THADS Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong 2 địa phương phía Nam nhận cờ thi đua của Chính phủ đưa ra băn khoăn về 4 chỉ tiêu “cứng” của Tổng cục. Ông Phạm Hồng Đức, Cục trưởng Cục THADS Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ý kiến riêng là không nên tập trung vào chỉ tiêu giảm tiền, giảm việc mà thậm chí nên thay thế hai chỉ tiêu này bằng chỉ tiêu về công tác kiểm tra tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chỉ tiêu về phòng, chống tham nhũng. Đây là chủ trương đề mang tính thực chất, đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Nhiều đại diện các địa phương khác cũng đồng tình với ý kiến nên cân nhắc lại hai chỉ tiêu giảm việc và giảm tiền. Đại diện Cục THADS Cà Mau chia sẻ, việc đưa hai chỉ tiêu giảm việc, giảm tiền vào chỉ tiêu “cứng” sẽ khiến gây áp lực lớn về mặt tâm lý đối với CHV khi vừa phải hoàn thành lượng việc, tiền được giao vừa phải tìm cách giảm số lượng.

Theo đề nghị của Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Sơn, một vấn đề khác cũng được phân tích tại toạ đàm, đó là hiệu quả của hội đồng CHV. Là địa phương nhiều kinh nghiệm trong hoạt động này, ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THADS TPHCM chia sẻ, việc thành lập Hội đồng CHV theo hướng dẫn của Tổng cục nhằm mục đích tạo ra một tổ chức tham mưu, góp ý để giải quyết những vướng mắc trong công tác THA. Thời gian qua, hội đồng THA thường xuyên được kiện toàn với thành phần gồm ban lãnh đạo cục, các phòng chuyên môn và cả thẩm tra viên. Mỗi một báo cáo đều được đưa ra trước hội đồng với quan điểm riêng của cán bộ chuyên môn, nếu không đạt sự đồng thuận sẽ tiếp tục được đưa ra họp chuyên ngành. Chính vì vậy, rất hữu ích khi tháo gỡ các vấn đề khó.

Toạ đàm cũng đã đưa ra được ý kiến đồng thuận tiếp tục duy trì việc giao chỉ tiêu trong công tác THA. 

Nhận định về hiệu quả của Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết, toạ đàm đã đưa ra được những góc nhìn và đánh giá toàn diện các vấn đề đã và đang tồn tại trong công tác THA. Kết quả THA không chỉ là những con số, mà còn góp phần vào việc duy trì ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các ý kiến của đại diện THA các địa phương sẽ được ghi nhận và vấn đề chỉ tiêu cần được xem xét, xây dựng một cách khoa học trong việc giao chỉ tiêu dựa trên cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn.

Trong khuôn khổ của toạ đàm cũng đồng thời diễn ra buổi lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thống kê THADS, THA hành chính. Đã có ý kiến đóng góp của 9 đại diện THA địa phương. Đánh giá các đóng góp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, các ý kiến đều có chất lượng với tinh thần trách nhiệm cao, cho thấy sự nghiên cứu kĩ lưỡng, quan tâm đến thông tư. Có những vấn đề mang tính chất toàn diện, cụ thể, thực tế của từng địa phương, giúp tổ soạn thảo có thêm nhiều thông tin, nhiều cách tiếp cận hơn để xây dựng, sửa đổi thông tư cho phù hợp. 

Đọc thêm